Tiết lộ chấn động về công nghệ dò tìm tàu ngầm của Liên Xô

14/11/2017 06:43

Khi người Mỹ lầm tưởng rằng công nghệ định vị thủy âm của mình là đứng đầu thế giới, thì người Nga lại có thứ đáng sợ hơn nhiều.

Những năm 1980, Liên Xô tuyên bố một cuộc đối đầu mà nhiều chuyên gia quân sự nghĩ là điều không tưởng. Khi một tàu ngầm hạt nhân Project 671 (định danh NATO Victor) mang mã số K-147 của Hải quân Liên Xô bí mật theo dõi một tàu ngầm hạt nhân Mỹ liên tục trong 6 ngày mà không bị phát hiện.

Các nhà quan sát Mỹ vào thời điểm đó tin rằng Liên Xô thiếu công nghệ sonar hiệu quả có thể theo dõi các tàu ngầm hạt nhân tinh vi của Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo mới tiết lộ gần đây của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho thấy tàu ngầm K-147 đã theo dõi tàu ngầm Mỹ mà không sử dụng sonar.

Tiết lộ của CIA gây sốc cho cộng đồng tình báo phương Tây. Báo cáo có tựa đề: "Năng lực Chiến tranh Chống ngầm của Liên Xô năm 1972" mới được giải mật vào mùa hè này. Báo cáo này cho thấy một phần lớn các công nghệ mà Liên Xô phát triển chưa bao giờ được tiết lộ trước đây. Trong khi NATO tập trung nỗ lực vào phát triển sonar, người Nga đã tạo ra một cái gì đó hoàn toàn khác.

Tại sao sonar là "vua dưới nước"?

Nước biển chặn sóng vô tuyến. Vì vậy, radar tuy rất hiệu quả trên bề mặt nhưng hoàn toàn vô dụng dưới nước. Ngoài ra, sóng âm di chuyển dưới nước tốt hơn so với sóng vô tuyến và ngay từ những năm đầu Chiến tranh Thế giới thứ Nhất sóng âm đã được đưa vào sử dụng để phát hiện tàu ngầm.

Sonar, hay hệ thống định vị thủy âm có 2 loại cơ bản, sonar chủ động và thụ động. Trong đó, sonar chủ động phát đi tín hiệu sóng âm để tìm mục tiêu dưới nước. Nó được ví như một loại radar dưới nước. Tuy nhiên, sử dụng sonar chủ động thì vị trí phát sóng của tàu ngầm cũng bị lộ.

Cận cảnh thiết bị kỳ lạ trên tàu ngầm Liên Xô. Ảnh:
Cận cảnh thiết bị kỳ lạ trên tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Popularmechanics.

Sonar thụ động sử dụng các thiết bị thu âm siêu nhạy để phát hiện tiếng ồn phát ra từ tàu ngầm, chân vịt. Sonar thụ động có thể phát hiện tàu ngầm đối phương mà không làm lộ vị trí. Tùy theo điều kiện thực tế, sonar có thể phát hiện tàu ngầm từ hàng chục kilomet.

Trong chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh phát triển thành công nhiều hệ thống sonar tinh vi và hoạt động rất hiệu quả, vì thế mà các giải pháp khác bị lãng quên. Trong nhiều thập kỷ, các công nghệ tìm kiếm dưới nước phi sóng âm được cho là không hiệu quả về phạm vị, độ tin cậy so với sonar.

Một kết luận tình báo vào năm 1974 nhận định rằng “Có vẻ như bất kỳ giải pháp nào trong số các giải pháp đã được đưa ra (không có nội dung cụ thể về từng giải pháp và chúng chưa được giải mật) sẽ không thể phát hiện các tàu ngầm từ xa”.

Tuy nhiên, ở Liên Xô lại có một câu chuyện khác. Liên Xô được cho là gặp khó khăn trong việc phát triển các sonar tinh vi. Thay vào đó, họ phát triển một thiết bị giám sát lạ lùng để phát hiện tàu ngầm và nó có tên là Hệ thống phát hiện sóng dao động SOKS.

Bí ẩn mang tên SOKS

Vì sao tàu ngầm Nga có thể phát hiện ra tàu ngầm Mỹ mà không cần dùng sonar được giải mật trong một thiết bị lạ lùng mang tên SOKS, còn gọi Hệ thống phát hiện sóng dao động (System Obnarujenia Kilvaternovo Sleda - SOKS).

Thiết bị trên được lắp đặt cho các tàu ngầm tấn công, có tác dụng tìm kiếm và bám theo vệt rẽ nước mà tàu ngầm để lại phía sau. Tổ hợp SOKS thực tế đã xuất hiện trong ảnh chụp các tàu ngầm của Nga, nhìn giống như những chiếc đinh nhọn hoặc đầu đạn cỡ lớn gắn bên ngoài thân tàu.

Nguyên lý hoạt động của nó chính là lợi dụng việc tàu ngầm thải ra một loạt chất hóa học như kẽm và nickel trong khi đang hoạt động. Dù chỉ một lượng cực nhỏ nhưng vẫn có thể bị nhận ra nếu dùng thiết bị đo đạc tinh vi.

Vị trí lắp đặt cảm biến SOKS trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula. Ảnh:
Vị trí lắp đặt cảm biến SOKS trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula. Ảnh: Popularmechanics.

Ngoài ra, lò phản ứng hạt nhân cần lượng nước khổng lồ để làm mát. Một số thử nghiệm cho thấy nhiệt độ nước xả ra từ tàu ngầm có thể cao hơn 10 độ C so với môi trường xung quanh.

Báo cáo của CIA đã cho biết "Một hệ thống định vị dựa trên các kỹ thuật này có thể phát hiện dấu vết sót lại của tàu ngầm từ trước đó vài giờ", và "Liên Xô đã thành công trong việc dùng công nghệ này để định vị tàu ngầm của chính họ".

Nếu thực sự SOKS thần diệu như những gì đã nói ở trên, Liên Xô trước kia và Nga ngày nay đã sở hữu công nghệ có một không hai, giúp họ phát hiện tàu ngầm mà không cần sử dụng đến sonar.

Jacob Gunnarson, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu nhận xét, hệ thống cảm biến này có thể hoạt động hiệu quả nhưng nó sẽ rất khó để khẳng định những gì thu thập được có phải là từ tàu ngầm hay không. Tuy vậy, hệ thống cảm biến này sẽ cho ra một dòng dữ liệu để tính toán. Tuy vậy, khả năng tính toán bằng siêu máy tính của Liên Xô những năm 1970 không được đánh giá cao.

Ngày này, Nga đã phát triển thành công những siêu máy tính có thể giúp cải thiện khả năng tính toán từ đó nâng cao sức mạnh cho hệ thống SOKS. Từ năm 1972, tình báo Mỹ đã sớm nhận thấy dấu vết phóng xạ có thể là cách để tàu ngầm Mỹ bị lộ.

Đó là lý do tại sao mãi đến 45 năm sau, tài liệu này mới được giải mật. Các báo cáo khoa học gần đây cho thấy, Trung Quốc đang tìm kiếm các công nghệ mới để phát hiện tàu ngầm thay vì phụ thuộc vào sonar. Ngay tại Mỹ cũng đang tìm kiếm các công nghệ như thế. Điều đó nói lên rằng, công nghệ phát hiện sóng dao động không hề kém cỏi như nhiều người từng nghỉ.

Theo Kienthuc.net.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tiết lộ chấn động về công nghệ dò tìm tàu ngầm của Liên Xô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO