TikTok ra mắt tính năng mới cho phép người dùng chia sẻ các video có độ dài lên tới 20 phút

Phan Văn Hoà 09/03/2023 22:47

(Baonghean.vn) - Ngày 7/3 vừa qua, ứng dụng video ngắn TikTok đã công bố một tính năng có thu phí mới có tên là “Series”, cho phép những người sáng tạo nội dung được chia sẻ các video có độ dài lên tới 20 phút, tức là gấp đôi so với độ dài trước đây.

Theo đó, tính năng mới này sẽ cho phép những người sáng tạo nội dung được chọn chia sẻ các video dài hơn trước đây, độ dài tối đa lên tới 20 phút cho mỗi video và chia sẻ tối đa lên tới 80 video với mức phí từ 0,99 USD lên đến 189,99 USD.

Ảnh minh hoạ.

Người dùng trước đây chỉ có thể chia sẻ các video có độ dài 15 giây, 1 phút, 3 phút hoặc tối đa là 10 phút trên ứng dụng TikTok.

Tính năng mới cho phép người dùng chia sẻ các video dài hơn này của TikTok sẽ tiếp tục làm nóng cuộc cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội như YouTube. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa YouTube và TikTok không phải là mới. Vào tháng 8 năm 2021, YouTube cũng đã giới thiệu một nền tảng chia sẻ video dạng ngắn có tên YouTube Shorts nhằm cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Các công ty khác như Meta và Snap cũng đã giới thiệu các tính năng video dạng ngắn để thử nghiệm và chống lại sự gia tăng nhanh chóng của TikTok tại thị trường Mỹ.

TikTok cho biết trong một bản phát hành rằng, tùy chọn Series hiện khả dụng cho một nhóm người sáng tạo nội dung được chọn. Công ty đang lên kế hoạch mở ứng dụng này cho những người khác đăng ký trong những tháng tới.

Tuy nhiên, hiện nay ứng dụng TikTok đang phải đối mặt với những lệnh cấm sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới do những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và đe dọa đến an ninh quốc gia.

Các chính phủ trên toàn thế giới đang vật lộn với phạm vi mở rộng của các quy định kỹ thuật số của Trung Quốc, vốn đã tạo tiền đề cho việc thu thập dữ liệu toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh. Do đó, khi dữ liệu đi qua biên giới mà không có sự đồng ý rõ ràng, các chuyên gia cho rằng quyền riêng tư của các cá nhân, tổ chức và thậm chí cả các cơ quan chính phủ đều gặp rủi ro, gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty Bytedance Trung Quốc, từ lâu đã khẳng định rằng họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và dữ liệu của họ không được lưu giữ ở Trung Quốc. TikTok cũng bác bỏ những cáo buộc liên quan đến việc thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn các nền tảng truyền thông xã hội khác. Nhưng nhiều quốc gia vẫn thận trọng về nền tảng này và mối quan hệ của nó với chính phủ Trung Quốc.

Dưới đây là các quốc gia và khu vực đã thực hiện lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ ứng dụng TikTok:

Ấn Độ

Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat vào năm 2020 do lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Đài Loan

Vào tháng 12 năm 2022, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm trong khu vực công đối với TikTok sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo rằng TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Các thiết bị của chính phủ, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn không được phép sử dụng phần mềm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các ứng dụng như TikTok.

Mỹ

Mỹ cho biết các cơ quan chính phủ có 30 ngày để xóa ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống thông tin liên bang do lo ngại về bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng này. Trung Quốc đã lên tiếng đả kích Mỹ vì lệnh cấm TikTok, mô tả lệnh cấm này là lạm dụng quyền lực nhà nước và đàn áp các công ty từ các quốc gia khác. Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Mỹ cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ.

Liên minh Châu Âu

Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu, 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh Châu Âu đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. Liên minh Châu Âu cũng đã khuyến nghị các nhà lập pháp và nhân viên xóa ứng dụng này khỏi thiết bị cá nhân của họ.

Canada

Tham gia phong trào cấm TikTok của Mỹ và Ủy ban Châu Âu, mới đây chính phủ Canada cũng đã thông báo rằng họ cũng sẽ bắt đầu cấm sử dụng ứng dụng TikTok trong các thiết bị điện tử do chính phủ cung cấp từ ngày 2/3/2023. Theo đó, các thiết bị do chính phủ cấp sẽ bị chặn tải xuống TikTok và các bản cài đặt ứng dụng hiện có sẽ bị xóa. Đây là lần mới nhất chính phủ Canada công bố các hạn chế đối với ứng dụng video dạng ngắn trước những lo ngại về vấn đề an ninh mạng.

Pakistan

Chính quyền Pakistan đã tạm thời cấm TikTok ít nhất 4 lần kể từ tháng 10 năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này quảng bá nội dung trái đạo đức.

Afghanistan

Chính phủ Afghanistan đã đưa ra yêu cầu cấm TikTok vào năm 2022 với lý do bảo vệ thanh niên khỏi “lầm đường lạc lối”.

Đan Mạch

Ngày 6/3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã công bố lệnh cấm nhân viên của mình sử dụng ứng dụng TikTok trên điện thoại và các thiết bị của cơ quan như một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh mạng. Theo đó, các nhân viên được yêu cầu gỡ cài đặt TikTok trên điện thoại và các thiết bị chính thức khác càng sớm càng tốt nếu họ đã cài đặt nó trước đó.

Mới nhất

x
TikTok ra mắt tính năng mới cho phép người dùng chia sẻ các video có độ dài lên tới 20 phút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO