Tìm một cái kết có hậu cho V.League 2021
(Baonghean.vn) - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa thông báo tạm dừng tổ chức các giải đấu vô thời hạn Giải bóng đá vô địch quốc gia năm 2021 và Giải hạng Nhất quốc gia năm 2021, do diễn biến phức tạp vì Covid.
Lần đầu tiên, người hâm mộ phải chứng kiến một giải bóng đá vô địch quốc gia có nhiều bất trắc đến vậy, sau 2 lần tạm hoãn vì dịch Covid-19, bản thân Ban tổ chức và các CLB cũng không biết bao giờ mới có thể tổ chức.
Đầu không xuôi
Khai mạc vào ngày 15/01/2021, chỉ mới 2 vòng đấu, chưa qua màn khởi động thì ở vòng 3 V-League 2021 đã có 2 cặp đấu được diễn ra trên sân không có khán giả, báo hiệu một sự mở đầu trúc trắc. Ngay sau đó, ngày 30/1/2021, Ban tổ chức VPF đã phải thông báo ngừng thi đấu từ vòng 4 Giải vô địch quốc gia Việt Nam tạm dừng cho đến khi được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Trong năm 2020, V-League từng hai lần phải hoãn với thời gian dài lên vài tháng, nhưng cuối cùng vẫn trở lại và về đích thành công nên người ta vẫn hy vọng vào điều tốt đẹp.
V-League 2021 tiếp tục tạm hoãn vô thời hạn. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng |
Sau một kỳ nghỉ giải, vòng 5 V.League 2021 được nối lại từ ngày 23/03. Lần đầu tiên sau khi kết thúc vòng 2, diễn ra hôm 15/3. Trong thời gian này, VPF cùng VFF đã nhóm họp với các CLB để đi đến việc thay đổi điều lệ giải, chia giải đấu làm 2 giai đoạn, rút bớt số trận đấu tại V.League từ 26 xuống còn tối đa 20 trận, phân hạng A và B sau lượt đi 13 trận. Đây là phương án mà SLNA không có lợi, nhất là bối cảnh ngoại binh tồi, nội binh trẻ và HLV Quang Trường không tỏ ra quyết đoán.
Nhưng rốt cuộc người hâm mộ bóng đá Việt cũng chỉ có thể theo dõi 8 vòng đấu V.League 2021, đến ngày 6/5/2021. V.League 2021 chính thức lần thứ hai bị dừng cũng với lý do tương tự, ảnh hưởng của Covid-19. Đến lúc này, Giải VĐQG 2021 đã tổ chức thành công 84 trận, 12 vòng đấu với số liệu chuyên môn ghi nhận: 194 bàn thắng; trung bình 2.31 bàn/trận; 344 thẻ vàng, trung bình 4,10 thẻ/trận; 15 thẻ đỏ, trung bình 0,18 bàn/trận; tổng số khán giả đến sân: 466.600 người (trong đó 29 trận tổ chức bình thường, 46 trận hạn chế khán giả và 9 trận không khán giả).
Một giải đấu xáo trộn
Đối với người hâm mộ xứ Nghệ, đây là quãng thời gian đáng quên khi SLNA thi đấu bệ rạc và xếp cuối cùng V.League 2021, một thành tích khiến cho niềm kiêu hãnh của người hâm mộ bị tổn thương. Việc Tân Long xuất hiện và trở thành nhà tài trợ cuối mùa giải đã phần nào khôi phục lòng tin của người hâm mộ xứ Nghệ. Tranh thủ việc Đội tuyển quốc gia tập trung, V.League tạm dừng, nhà tài trợ Tân Long đã có nhiều động thái mạnh để cải tổ SLNA lần thứ hai, từ nhân sự quản lý cấp cao CLB, BHL đội bóng, lẫn đầu tư cơ sở vật chất cho cả đội 1 và đội trẻ, điều trị chấn thương cho các cầu thủ.
Phan Văn Đức đã gia hạn hợp đồng với CLB SLNA. Anh sẽ gắn bó với đội bóng quê hương trong một bản hợp đồng có giá trị 3 năm tới 2024. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Mục tiêu lớn trước mắt của SLNA vẫn là rèn binh, để bằng mọi cách trụ hàng thành công, trong bối cảnh hàng loạt đối thủ cạnh tranh Hải Phòng, Sài Gòn FC, TP.HCM cũng có những động tác mạnh mẽ tương tự. Người hâm mộ xứ Nghệ đang dành nhiều tình cảm cho HLV Huy Hoàng và CEO SLNA Trương Mạnh Linh, cặp bài trùng có tuổi đời và tuổi nghề thấp nhất V.League 2021.
Trước SLNA thì Thanh Hóa, Hải Phòng cũng đã có những cuộc cải tổ mạnh ở cấp quản lý. V.League giờ đây không còn phù hợp với những cách làm ăn xổi, thiếu căn cơ, không theo đúng các mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Về chuyên môn, không chỉ Quang Trường mà hàng loạt tên tuổi khác như như Chu Đình Nghiêm (Hà Nội), Phạm Minh Đức (Hà Tĩnh) và mới nhất là Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng) đã phải lần lượt từ chức vì sức ép thành tích tại V-League 2021. Sài Gòn FC thậm chí đã thay 2 tướng mà số phận vẫn chưa thay đổi, còn HLV Phan Thanh Hùng cũng bất ngờ từ chức vì lý do sức khỏe ở Bình Dương để cầm quân SHB.Đà Nẵng.
Đuôi chưa lọt
Sau khi Đội tuyển quốc gia thi đấu tương đối thành công và lọt vào vòng đấu loại thứ 3 World Cup 2022 tưởng như V.League 2021 sẽ trở lại với lịch thi đấu tập trung bắt đầu từ 31/7/2021. Theo kế hoạch, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ diễn ra từ 2/9/2021 đến ngày 29/3/2022. Trong đó, U23 Việt Nam sẽ tham dự vòng loại U23 châu Á 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 23/10 đến 31/10. Đội tuyển quốc gia cần tập trung ít nhất 10 ngày trước khi đá trận đầu tiên của vòng loạt thứ 3 vào ngày 2/9/2021.
Với định hướng dành mọi điều tốt đẹp cho các Đội tuyển quốc gia thi đấu, các đội V.League phải chấp nhận lịch thi đấu dày đặc 23 ngày cho tối đa 8 trận. VPF có phương án đề xuất lựa chọn các cụm sân khu vực phía Bắc gồm 9 SVĐ: Hàng Đẫy (Hà Nội); LĐBĐVN (Hà Nội); Thanh Trì (Hà Nội); PVF (Hưng Yên); Việt Trì (Phú Thọ); Cẩm Phả (Quảng Ninh); Thiên Trường (Nam Định); Lạch Tray (Hải Phòng); Thanh Hóa.
V-League 2021 tiếp tục tạm hoãn, HLV Park Hang-seo lo lắng cho Đội tuyển Việt Nam. Ảnh tư liệu Hải Hoàng |
Các CLB V.League 2021 đều đưa ra các ý kiến đóng góp mang tính chất xây dựng với mong muốn hoàn thành mùa giải 2021 trong thời gian sớm nhất. Các CLB đề nghị VPF xây dựng các hướng dẫn, quy trình triển khai khi phương án thi đấu tập trung được thông qua, phải đặt yếu tố an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu, học tập các kinh nghiệm tổ chức giải đấu an toàn, quy tắc “bong bóng” trong công tác tổ chức giải mà AFC và UEFA áp dụng tại vòng loại World Cup 2022, cùng Euro 2020; xây dựng thêm các phương án dự phòng cho những biến cố có thể bất ngờ xảy ra; Tổ chức đoàn công tác địa phương khảo sát, làm việc với lãnh đạo địa phương để đảm bảo việc tổ chức giải diễn ra đúng quy định; Khảo sát điều kiện tập luyện, sinh hoạt cho các đội bóng… Ngoài ra, một số CLB cũng đề nghị VPF có các hỗ trợ phù hợp cho một số CLB khi phải di chuyển đến khu vực đá tập trung.
Dự kiến các giải đấu V.League 2021 sẽ khởi tranh trở lại từ ngày 31/7/2021 đã bị phá sản khi tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương diễn biến khá phức tạp. Các nhà tổ chức bóng đá hàng đầu Việt Nam cũng không bói đâu ra khoảng trống 23 ngày để tổ chức nốt các vòng đấu còn lại của V.League 2021.
Đi tìm cái kết
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Ngọc – TGĐ Công ty VPF, thay mặt Ban tổ chức giải cho biết: “Với ảnh hưởng của dịch Covid -19, Công ty VPF gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán để xây dựng các phương án có tính khả thi, phù hợp tình hình diễn biến của dịch Covid-19 tại các địa phương trong cả nước. Nếu các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia không được tiến hành tổ chức, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ thống thi đấu trong nước; ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của từng CLB; ảnh hưởng đến nguồn tài trợ của CLB và đơn vị tổ chức giải”.
Hà Nội FC (trái) chật vật ở chặng mở đầu V.League 2021. Ảnh tư liệu |
V.League 2021 đang chưa có lối thoát, người ta đã phải nghĩ đến phương án vắt giải đấu sang năm 2022, thậm chí dừng giải đấu. Thực tế năm ngoái, các giải đấu vô địch các quốc gia châu Âu cũng có khá nhiều phương án giải quyết khác nhau khi “tên sát nhân Covid-19” trở lại, có nước đã ngừng giải đấu.
Bất luận phương án nào thì để đảm bảo an toàn cho cầu thủ, BHL, khán giả và các thành viên BTC vẫn được VFF, VPF đưa lên hàng đầu, có điều V.League 2021 sẽ được nhắc mãi bởi nó đã được hoãn đi- hoãn lại và đến giờ vẫn chưa thể nào đưa ra một cái kết có hậu. Với SLNA, với sự xuất hiện của Tân Long, đội bóng phải trụ hạng V.League mới là cái kết mong chờ!