Phan Như Thuật: Từ 'chàng thơ sân cỏ' thành ‘phó tướng’ SLNA

Trung Kiên 25/03/2020 18:48

(Baonghean.vn) - Từ một tài năng được xếp vào diện xuất chúng, Như Thuật bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp đầy khó khăn. Nhưng sau khi giải nghệ một cách lặng lẽ, Phan Như Thuật cho thấy cái duyên với công việc đào tạo trẻ và đang trở thành cánh tay phải đắc lực của HLV Ngô Quang Trường.

Tài năng sớm nở

Có thể nói Phan Như Thuật là một cầu thủ đặc biệt. Anh đặc biệt không chỉ vì tài năng bóng đá, những đường chuyền “ma thuật” trên sân cỏ, mà Như Thuật là trường hợp hiếm có của bóng đá xứ Nghệ được kết nạp Đảng khi còn là một cầu thủ bóng đá. Và khi còn thi đấu cho SLNA, anh cũng là một thư ký kiêm kế toán của đội nhờ có tác phong, đạo đức chuẩn mực.

Cựu tiền vệ Phan Như Thuật sinh năm 1984 tại TP Vinh. Lớn lên trong một gia đình không có truyền thống thể thao, nhưng từ lúc 11 tuổi, anh bắt đầu gia nhập lò SLNA. Ngay trong năm đầu tiên trở thành một tài năng trẻ SLNA, Như Thuật và các bạn đồng trang lứa giành hạng Ba giải Nhi đồng toàn quốc 1996.

Phan Như Thuật, Phạm Văn Quyến và các đồng đội trong chức vô địch Thiếu niên năm 1998. Ảnh: NVCC
Phan Như Thuật (đứng ngoài cùng bên phải) và các đồng đội trong chức vô địch Thiếu niên năm 1998. Ảnh: NVCC

Một năm sau, Như Thuật và U14 SLNA đoạt chức vô địch Giải bóng đá Thiếu niên toàn quốc 1998. Sau vòng chung kết U16 châu Á năm 2000, Như Thuật nổi lên như một hiện tượng, cùng với anh là những Văn Quyến, Minh Đức, Văn Vinh, Đức Anh. Nhìn phong cách thi đấu đĩnh đạc và những đường chuyền tinh tế, nhãn quan chiến thuật tuyệt vời của anh, giới chuyên môn lúc đó đã nhận định Thuật sẽ là một Hồng Sơn phiên bản mới của bóng đá Việt Nam.

Có tài năng, ý chí và có thời cơ, Như Thuật dễ dàng được trao một vị trí ở SLNA. Tuy nhiên, cách chơi bóng hào hoa lãng tử, ngại va chạm của Thuật dường như không hợp với một tập thể có lối chơi sức mạnh, rắn rỏi như SLNA. Với vẻ bề ngoài thư sinh, da trắng, cao chưa đến 1m65, Như Thuật phù hợp hơn với một nghề nghiệp như thầy giáo hơn là một cầu thủ bóng đá.

Thời kỳ đỉnh cao nhất của Như Thuật có lẽ là tại JVC Cup 2003, giải đấu tiền SEA Games 22 với sự góp mặt của U22 Việt Nam, SLNA và một số đội bóng của Malaysia, Indonesia. Đó là thời điểm mà đội tuyển U22 Việt Nam có đến gần chục cầu thủ SLNA trong đội hình bao gồm Huy Hoàng ,Thế Anh, Hồng Sơn, Hải Nam, Lâm Tấn, Văn Quyến, Quốc Vượng...

Tiền vệ Phan Như Thuật ở tuổi 16 tại VCK U16 châu Á 2000. Ảnh: Quang Minh
Tiền vệ Phan Như Thuật (số 8) ở tuổi 16 tại VCK U16 châu Á 2000. Ảnh: Quang Minh

Lẽ đương nhiên, những cầu thủ chập chững lên đội 1 như Phan Như Thuật, Lê Công Vinh không có “cửa” để được HLV Alfred Riedl để mắt đến. Tuy nhiên, màn thể hiện ấn tượng của hai cầu thủ này trong màu áo SLNA đã giúp thầy trò HLV Hữu Thắng đi đến trận chung kết gặp CLB Perak của Malaysia.

Đó như là một trận chung kết trong mơ, SLNA bị dẫn trước 0-1 bởi sai lầm của trung vệ Aphonse, nhưng thêm một lần nữa, tiền vệ nhỏ con Phan Như Thuật đã cho thấy anh là tài năng đầy hứa hẹn khi có những đường chuyền phản công vừa sắc bén lại vừa cực kỳ chính xác.

Chỉ 4 phút sau khi bị dẫn điểm, SLNA cân bằng thế trận bằng một pha tấn công bài bản. Từ lưng chừng giữa sân bên cánh phải, Như Thuật phất một đường chuyền dài xuống trung lộ trước đầu vòng 16,50m cho Lê Công Vinh. Đường chuyền giúp Công Vinh đua tốc độ qua hàng phòng ngự Perak rồi vuốt bóng vào góc xa gỡ hòa 1-1. Sau đó, pha phối hợp giữa Như Thuật -Thanh Thưởng và Công Vinh mang về chiến thắng chung cuộc 2-1 đầy kịch tính cho SLNA.

Trận chung kết JVC Cup 2003. Nguồn: BLV Quang Huy

Lần thứ ba trong giải, Lê Công Vinh được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, đoạt luôn danh hiệu Vua phá lưới với 4 bàn thắng và giải thưởng đặc biệt dành cho cầu thủ xuất sắc nhất giải. Còn Phan Như Thuật được trao giải cầu thủ ghi bàn thắng đẹp nhất giải. Sau giải đấu thành công đó, Như Thuật và Công Vinh được HLV Alfred Riedl triệu tập dự SEA Games 22 theo diện bổ sung.

Gian nan khẳng định mình

Trở về SLNA, Như Thuật dần lấp bóng. Năm 2011, Như Thuật mất vị trí rồi phải vào tận Bình Định để tìm kiếm cơ hội. Ở đội bóng đất võ được 2 năm, Thuật lại về quê bởi không đáp ứng được kỳ vọng của đội bóng đất võ này. Năm 2013, Như Thuật trở lại quê hương với rất nhiều nỗi lo về tương lai. Chỉ quanh quẩn bên những giải bóng đá phong trào, rồi được động viên, Thuật cũng thẳng thắn đề đạt nguyện vọng với SLNA bởi lúc đó, chỉ đội bóng quê hương mới giúp được anh.

Ở thời điểm ấy, vì chưa tìm được ngoại binh cho tuyến giữa, lãnh đạo SLNA đã gọi Như Thuật lên bàn vấn đề hợp tác. Không có lót tay, lương chỉ là 7 triệu đồng/tháng và đội bóng xứ Nghệ để cho Thuật tự lựa chọn. Như Thuật lập tức đồng ý và về nhà soạn sửa đồ đạc để tiếp tục đam mê. Biết mình là giải pháp tình thế nhưng Thuật vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi tuổi đời còn cho phép anh tiếp tục sự nghiệp.

Thành tích thi đấu của Phan Như Thuật khá khiêm tôn. Đồ họa: TK
Thành tích thi đấu của Phan Như Thuật. Đồ họa: TK

Hai cầu thủ đá chính lúc đó là Quang Tình và Khắc Ngọc thì quá yếu và rất khó để đảm bảo thể lực đá 90 phút, trong khi thời điểm ấy, chấn thương của Hoàng Thịnh vẫn chưa hồi phục. Cơ hội đến với Như Thuật trong hoàn cảnh SLNA không còn những sự thay thế khác và buộc phải đặt niềm tin vào anh. Tuổi tác đã cao, thể lực không phải là điểm mạnh nhưng Như Thuật khi ra sân đã rất tròn vai, trở thành điểm tựa tinh thần cho các đồng đội.

Sau chuyến làm khách Hải Phòng ở vòng 26 tại V.League 2016, Như Thuật đáo hạn hợp đồng với SLNA và đó cũng là ngày anh nói lời chia tay sự nghiệp cầu thủ trong lặng lẽ. Sau giải nghệ, anh ngay lập tức đi học một khóa huấn luyện viên để mong tiếp tục gắn bó với quả bóng.

Cái duyên với nghề huấn luyện

Là một tài năng hiếm có của bóng đá xứ Nghệ, tư cách đạo đức mẫu mực, Như Thuật được tin tưởng giao cho đội U11 SLNA thi đấu tại Giải bóng đá TN-NĐ toàn quốc 2017 và đoạt chức vô địch. Mặc dù trước đó, anh mới chỉ là một trợ lý cho Huy Hoàng tại đội U11 SLNA thi đấu vòng loại. Chức vô địch đó mang rất nhiều ý nghĩa với bóng đá xứ Nghệ và cá nhân Phan Như Thuật, bởi đã khá lâu rồi, bóng đá trẻ xứ Nghệ không được nâng cúp.

Thầy trò HLV Phan Như Thuật ăn mừng chức vô địch U15 QG 2019. (Trong ảnh HLV Phan Như Thuật đội mũ). Ảnh tư liệu

Đến năm 2018, Như Thuật tiếp tục nằm trong thành phần BHL đội U11 SLNA tại giải toàn quốc. Các cầu thủ nhí SLNA bách chiến bách thắng, tiếp tục lên ngôi vô địch trong niềm phấn khởi của Như Thuật và các HLV trẻ. Bây giờ trong tay Như Thuật đã có bằng huấn luyện chứng chỉ A do Liên đoàn bóng đá châu Á cấp. Khẳng định được tâm huyết và năng lực khi dẫn dắt các cầu thủ nhí, năm nay Như Thuật lần đầu tiên được phân công làm HLV trưởng đội U15 SLNA năm 2019.

Trong lần đầu tiên được cầm đội U15 SLNA, Như Thuật cùng với những cộng sự đắc lực của mình là HLV Lê Kỳ Phương, HLV Phạm Văn Quyến..., dẫn dắt cầu thủ trẻ SLNA bảo vệ thành công chức vô địch sau khi đánh bại Thanh Hóa đầy kịch tích trên chấm luân lưu. Và ở hai chức vô địch của U11 SLNA và U13 SLNA sau đó, Như Thuật đều được tăng cường vào đội ngũ ban huấn luyện. Chỉ trong 3 tháng, Như Thuật 3 lần liên tiếp cùng các đội trẻ SLNA đoạt chức vô địch.

Khi đã 3-4 năm theo nghiệp đào tạo trẻ, Như Thuật vẫn như một chàng thư sinh ngày nào. Nhưng tố chất của một người thầy, một HLV vẫn được Như Thuật thể hiện trong từng buổi tập, trong từng trận đấu đầy căng thẳng. Nói về mình trên cương vị mới, Như Thuật khiêm tốn: “Tôi may mắn được lãnh đạo tin tưởng và giao nhiệm vụ. Vì còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên sự chỉ bảo của các anh, các bác đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều”.

Phan Như Thuật đang làm HLV phó tại SLNA. Ảnh: Trung Kiên
Phan Như Thuật đang làm HLV phó tại SLNA. Ảnh: Trung Kiên

Trước thềm V.League 2020, khi HLV Nguyễn Văn Thịnh trở lại công tác đào tạo trẻ, Phan Như Thuật tập tành làm phó tại SLNA. Anh cùng với đàn anh Huy Hoàng chính là hai trợ thủ đắc lực của HLV trưởng Ngô Quang Trường.

Từ một tài năng trẻ xuất chúng, mờ nhạt khi thi đấu đỉnh cao và thành công trong công tác đào tạo trẻ, Như Thuật đã đúng khi không bao giờ từ bỏ đam mê của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Anh là tấm gương sáng cho các tài năng trẻ SLNA về đam mê, đạo đức và nghị lực.

Mới nhất

x
Phan Như Thuật: Từ 'chàng thơ sân cỏ' thành ‘phó tướng’ SLNA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO