Giáo dục

Tín hiệu vui từ những ngôi trường miền rẻo cao Nghệ An

Tiến Hùng 17/09/2024 12:42

Tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, những năm trước, sau khai giảng học sinh vắng học rất nhiều, thì năm học này, học sinh đến lớp cơ bản đầy đủ. Số liệu từ địa phương cho thấy: Năm học 2023 - 2024 vừa qua có tới 154 em học sinh bỏ học để lấy chồng, lấy vợ; nhưng năm học 2024 - 2025 này, chỉ có 8 trường hợp tảo hôn...

Cơn “đau đầu dễ chịu” của thầy hiệu trưởng

Trung tuần tháng 9, thầy giáo Trịnh Hoàng Tuấn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Mường Lống 1 (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn), đang phải "đau đầu" lên phương án xếp lớp cho học sinh, vì số lượng học sinh năm học 2024 - 2025 vượt hàng chục em so với kế hoạch của nhà trường. “Phòng học ở trên này đặc thù là hơi chật, 30 em học sinh ngồi trong lớp cũng đã chật rồi. Nhưng bây giờ, có lớp phải xếp đến 32 em”, thầy giáo Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo thầy giáo Tuấn, đây là cơn “đau đầu dễ chịu”, bởi nhà trường rất vui vì học sinh không những đi học đầy đủ ngay từ ngày khai giảng, mà còn vượt xa so với kế hoạch. Nếu như những năm học trước, ở Mường Lống nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung, thầy cô vẫn phải thường xuyên đến tận nhà vận động học sinh đến trường trong những tuần đầu tiên sau khai giảng, thì trong ngày đầu của năm học mới này, không vắng một học sinh nào. “Đây là niềm vui lớn đối với những người làm giáo dục ở vùng cao như chúng tôi”, thầy Tuấn hồ hởi nói thêm.

Các giáo viên trả phép sớm, băng đường rừng vào các bản làng vùng sâu để phổ cập giáo dục cũng như tuyên truyền, vận động.
Các giáo viên ở Mường Lống (Kỳ Sơn) trả phép sớm, băng đường rừng vào các bản làng vùng sâu để phổ cập giáo dục cũng như tuyên truyền, vận động. Ảnh: Hoàng Tuấn

Để học sinh đến trường đầy đủ, trước ngày tựu trường tròn 3 tuần, toàn bộ giáo viên trong trường đã phải kết thúc kỳ nghỉ hè của mình, để tới trường bắt đầu công việc. “Mọi năm hầu hết các giáo viên nghỉ đến trung tuần tháng 8 mới trả phép, nhưng năm học 2024 - 2025 này, mới đầu tháng 8, toàn bộ giáo viên đã phải đến trường rồi”, thầy giáo Tuấn kể và cho hay, tuần đầu tiên khi tới trường, các giáo viên có nhiệm vụ chuẩn bị vệ sinh trường học, cơ sở vật chất. Đến tuần thứ 2, các giáo viên được chia thành từng tổ, đến từng bản, làng để phổ cập giáo dục, đồng thời nhiệm vụ chính là tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đến lớp đúng lịch.

“Chúng tôi gửi văn bản lên chính quyền địa phương để nhờ hỗ trợ, cử cán bộ xã đi cùng giáo viên đến các bản làng. Có thể nói là đến từng nhà rồi ăn, ngủ với người dân để tuyên truyền, vận động”, thầy Tuấn nói. Trong thời gian này, nhà trường cũng mở cửa, để học sinh vào thư viện, sân trường vui chơi. Không phụ lòng nhà trường, đến ngày tựu trường, tại trường học này, không vắng một em học sinh nào.

Giáo viên ở Mường Lống đến tận nhà vận động phụ huynh.
Giáo viên ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đến tận nhà vận động phụ huynh. Ảnh: Hoàng Tuấn

Tương tự Mường Lống, tại xã Keng Đu (Kỳ Sơn), hầu hết học sinh ở các trường học cũng đến trường đầy đủ ngay trong ngày khai giảng. Đây được xem là xã xa xôi nhất của Nghệ An, với khoảng cách gần 300km tính từ TP Vinh. “Nếu so với thống kê của những năm trước thì rất là bất ngờ, vì học sinh đến trường đầy đủ từ ngày khai giảng. Nhưng đối với nhà trường thì chúng tôi không bất ngờ. Vì để có được điều đó, ngay từ những ngày hè, nhà trường và cả chính quyền địa phương đã phải vào cuộc vận động rất quyết liệt”, thầy giáo Nguyễn Tất Chinh – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Keng Đu nói.

Còn tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, ngay từ ngày khai giảng, các học sinh của các trường học trên địa bàn đã đến trường đầy đủ. Không những thế, Trường Mầm non Na Ngoi 1 tăng đến 10 cháu so với kế hoạch của nhà trường. “Đó đều là con em có bố mẹ làm ăn xa ở miền Nam. Mọi năm các em đều theo bố mẹ vào trong đó, có khi Tết mới về đi học. Nhưng năm học 2024 - 2025 này, ngay từ tháng 8, xã đã phân công cụ thể cho từng cán bộ, phối hợp với các nhà trường đến tận nhà vận động, tuyên truyền, nên học sinh đi học nhiều hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Keng Đu đến trường khai giảng đầy đủ.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Keng Đu đến trường khai giảng đầy đủ. Ảnh: Tất Chinh

Giảm sâu tình trạng tảo hôn

Ông Phạm Viết Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, không chỉ ở các xã Mường Lống hay Na Ngoi, các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn năm học này đều ổn định sĩ số ngay từ ngày khai giảng. Thậm chí nhiều trường tăng hàng chục học sinh so với kế hoạch.

“Ngoài ra, có một niềm vui khác đó là trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tính từ đầu năm học 2023 - 2024 đến đầu năm học 2024 - 2025 này, chỉ có 8 trường hợp học sinh THCS bỏ học để lấy chồng, lấy vợ. Trong khi đó, con số này trong dịp ra Tết Nguyên đán năm 2023 là 154 trường hợp”, ông Phúc nói và cho hay, để có được những kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Những năm trước đây, tình trạng người lao động ở Kỳ Sơn đi làm ăn ở các tỉnh khác rất nhiều, trong đó nhiều gia đình mang theo cả con em đang độ tuổi đến trường. Chính vì thế, dù đã đến ngày tựu trường, nhưng nhiều em vẫn chưa được quay trở về để học tập.

Để giải quyết tình trạng này, ngày đầu kỳ nghỉ hè, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn đã có văn bản chỉ đạo, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được hoạt động vui chơi trong hè tại địa phương, đồng thời đảm bảo tỷ lệ học sinh đến trường trong năm học 2024-2025 theo kế hoạch. Trong đó, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, hiệu trưởng các nhà trường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đảm bảo quyền lợi của trẻ em ngoài việc học tập trong năm học, các em có quyền lợi được vui chơi hoạt động trong những ngày hè tại địa phương.

UBND huyện Kỳ Sơn cũng yêu cầu các xã tổ chức phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội tổ chức các hoạt động vui chơi trong hè tại địa phương để thu hút học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em có nhiều hoạt động bổ ích trong kỳ nghỉ hè 2024.

Trong kỳ nghỉ hè, khuyến khích các trường tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị như thư viện, nhà thể chất, sân chơi, để học sinh có thể vào ôn tập, đọc sách, đọc báo, tập luyện và vui chơi.

Hiệu trưởng các trường còn được giao phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt số lượng học sinh đã đi theo gia đình trong thời gian vừa qua, đồng thời nắm rõ nguyên nhân, lý do chuyển đi, có kế hoạch vận động phụ huynh các em trở về địa phương trước ngày tựu trường chuẩn bị cho năm học mới.

Không những tuyên truyền vận đồng, các phụ huynh còn phải viết cam kết.
Không những tuyên truyền vận động, các phụ huynh còn phải viết cam kết. Ảnh: Hoàng Tuấn

Ngoài ra, đến đầu tháng 8, ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức rà soát số con em đang đi thăm bố mẹ, người thân ở ngoài huyện và có kế hoạch để tuyên truyền, vận động nhân dân đưa con em trở về địa phương chuẩn bị cho công tác tựu trường và khai giảng…

Về đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, ông Phạm Viết Phúc cho biết, trước khi nghỉ hè các nhà trường bàn giao học sinh về các xã, thị trấn, các bản làng để thống nhất quản lý, phối kết hợp với các chi đoàn thanh niên của các bản, các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động Đội, Đoàn để các em tham gia. Cho học sinh và phụ huynh ký cam kết không bỏ học, không để xảy ra nạn tảo hôn. Khi có biến động về số lượng học sinh sau hè, sẽ tham mưu chính quyền địa phương thành lập ban vận động, đến tận từng gia đình nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyên nhân để có các giải pháp tương trợ, giúp đỡ, vận động học sinh đi học.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn mới đây còn ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này một cách căn bản. Từ đó trở đi, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn./.

Mới nhất
x
Tín hiệu vui từ những ngôi trường miền rẻo cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO