Tín ngưỡng và nói “không” với mê tín dị đoan

(Baonghean) - Sau khi báo chí phanh phui và sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan chức năng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN), chùa Ba Vàng đã dừng hoạt động thỉnh vong giải oan gia trái chủ.
Tuy nhiên, câu chuyện mang tên “Ba Vàng” đã thực sự là một cơn chấn động mạnh, không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Giáo hội mà còn gây hoang mang trong dư luận. Dưới góc độ văn hóa, câu chuyện cũng gợi nên nhiều vấn đề về sự cần thiết phải rạch ròi giữa tín ngưỡng và tình trạng mê tín dị đoan. 
Trong cuộc pháp thỉnh với gần 1.000 phật tử vào tối 21-3, trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định pháp thỉnh
Trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định pháp thỉnh "oan gia trái chủ" là chính pháp… những gia đình nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo. Ảnh: Báo giáo dục Việt Nam
Có lẽ đến bây giờ, cho dù đã có nhiều ý kiến phân tích từ các vị chức sắc lãnh đạo Giáo hội PGVN, các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo… cho rằng việc thỉnh vong giải trừ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng – Quảng Ninh là không đúng với giáo lý của đạo Phật, thì có lẽ, nhiều người vẫn chưa thể khẳng định là có hay không có “vong linh”! Bởi xưa nay, với người Việt Nam, cứ có người chết là mời nhà chùa cúng vong. Hầu hết chùa chiền ở nước ta, bên cạnh thờ Phật, bao giờ cũng có bàn thờ vong ở phía sau.
Đó là bàn thờ những Phật tử đã quy y hoặc chưa quy y nhưng sau khi mất, được gia đình “gửi” lên chùa để vong linh người thân của mình được sớm tối nghe kinh mà siêu thoát. Chuyện cúng vong ở các ngôi chùa Việt cứ thế mà tồn tại. Mà đã cúng vong thì phải có thỉnh vong. Đó chính là tín ngưỡng phổ thông của đại đa số người dân tin vào đạo Phật. 
Tuy nhiên, Phật giáo trong sự tín ngưỡng của đại đa số người đi chùa sẽ khác với Phật giáo – với tư cách là một tôn giáo của những Phật tử chính thức, lại càng khác với những người đã xuất gia tu hành. Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện có hay không có vong linh là tùy thuộc vào quan niệm, vào cách hiểu của mỗi người. Các chùa cúng vong, thỉnh vong chính là sự dung hòa của đạo Phật trong đời sống của người Việt. 
Chùa Ba Vàng vắng khách sau sai phạm “thỉnh vong”. Ảnh: Internet
Chùa Ba Vàng vắng khách sau sai phạm “thỉnh vong”. Ảnh: vnexpress.net
Phật giáo du nhập vào nước nào đều thu nhập tín ngưỡng bản địa của nước đó và lấy cơ sở giáo lý của đạo Phật để hướng dẫn. Hiếu đạo đã có từ trước, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên có trước khi đạo Phật đến Việt Nam. Không dung hòa với tín ngưỡng dân gian truyền thống, đạo Phật chắc chắn sẽ không thể bám rễ vào đời sống của người Việt và phát triển được như hôm nay. 
Tín ngưỡng đạo Phật với tôn giáo đạo Phật là hoàn toàn khác nhau. Tín ngưỡng đạo Phật là tín ngưỡng phổ thông chiếm đại đa số những người đi chùa, lễ Phật nhưng không tu theo đạo Phật, không tìm hiểu giáo lý đạo Phật mà chỉ đến chùa thắp hương lễ Phật trong các ngày Rằm, mùng Một, hay dịp lễ, Tết. Còn những người đi theo đạo Phật, những người xuất gia tu Phật thì chỉ chiếm số ít, số tu sỹ thực sự hiểu sâu về đạo Phật càng ít hơn.
Chả thế mà Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội PGVN khi nói về Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng là “thầy ấy học hành Phật pháp chưa có gì bài bản..., thể hiện theo kiểu nhảy cóc”. 
Việc thỉnh vong vẫn được diễn ra tại chùa Ba Vàng sau khi có dư luận từ truyền thông. Ảnh: nld.com.vn
Việc thỉnh vong vẫn được diễn ra tại chùa Ba Vàng sau khi có phản ánh trái chiều từ truyền thông. Ảnh: nld.com.vn
Nói vậy để thấy rằng, cúng vong, thỉnh vong ở chùa đúng hay sai, có vong hay không có vong là tùy quan niệm, tùy đức tin ở mỗi người. Ai cho có thì là có, ai cho là không thì là không. Tuy nhiên, khi chùa Ba Vàng tổ chức mời vong nhập vào người nào đó để nói chuyện, để ra giá, vòi tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, dưới hình thức cúng dường cho chùa để giải tội; biến không thành có, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người có bệnh (cả thể xác và tinh thần) để lấy tiền, khiến bao người phải khốn đốn thì rõ ràng là biết sai mà vẫn làm.
Không ai có khả năng mời vong linh đã chết nhiều đời, nhiều kiếp về hiện thân nhập vào người để nói chuyện. Chẳng những không nằm trong giáo lý Đạo Phật (vì Phật không bao giờ nói đến việc này) mà về đạo lý ở đời, không ai có thể hành đạo bằng cách thu tiền kiểu ấy. Đó là chưa kể, chẳng có “vong” (là cái không hiện hữu) nào lại biết tiêu tiền thật do Ngân hàng Nhà nước phát hành cả! 
Lễ cầu quốc thái dân an đã được nhà Chùa tổ chức nhiều năm, nhưng năm nay Chùa đón nhiều nhất quý phật tử và du khách về đảnh lễ. Thông qua khóa kinh cầu nguyện được đại đức Thích Định Tuệ xướng lên quý phật tử sẽ cùng ước nguyện những điều tốt đẹp nhất, cầu cho quốc thái dân an.
Lễ cầu quốc thái dân an tại Chùa Đức Hậu vào tháng 2/2019. Thông qua khóa kinh cầu nguyện được đại đức Thích Định Tuệ xướng lên quý phật tử sẽ cùng ước nguyện những điều tốt đẹp nhất, cầu cho quốc thái dân an.
Ranh giới giữa tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín rất khó phân định. Mê tín là tin mà không hiểu, tin một cách mù quáng.  
Đức Phật Thích Ca nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Phật là Đức giác ngộ toàn năng. Phật giáo khuyên con người tin bằng trí tuệ, bằng thực nghiệm chứ không tin qua tuyên truyền, mê hoặc, đi theo mà chẳng hiểu gì.
Dưới góc độ văn hóa và đạo đức thì người Việt từ cổ xưa đã có tục thờ cúng tổ tiên. Đó là việc làm rất văn hóa, nhân văn. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là đạo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã có công sinh thành, dưỡng dục với mình. Trong nhà là thờ cúng tổ tiên, ngoài xã hội chúng ta có tục thờ Quốc Tổ, thờ Mẹ Âu Cơ.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại cũng bởi đó là tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa sâu sắc về đạo lý làm người, là cơ sở văn hóa để dân tộc trường tồn. 
Đại lễ Phật Thành Đạo ở chùa Viên Quang năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa như: thuyết giảng, tọa thiền, tụng kinh Bát Chánh Đạo, tụng sám Thành đạo, Dâng hoa…
Đại lễ Phật Thành Đạo ở chùa Viên Quang năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa như: thuyết giảng, tọa thiền, tụng kinh Bát Chánh Đạo, tụng sám Thành đạo, Dâng hoa…
Dẫu không thể khẳng định có vong linh ông bà, tổ tiên về ăn cỗ hay không nhưng người Việt Nam từ bao đời nay vẫn cúng giỗ ông bà. Cúng giỗ là để kỷ niệm, để tưởng nhớ những người đã khuất chứ không phải cúng để ông bà, tổ tiên về ăn rồi phù hộ cho mình. Cúng giỗ còn là cách để tụ hội, gắn kết gia đình, con cháu. Nhờ đó mà mối quan hệ gia đình, dòng họ, xóm làng mới trở thành một phần làm nên sức mạnh của cả dân tộc. 
Phân biệt rạch ròi giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan để biết đâu là chính pháp, đâu là tà đạo; đâu là hoạt động tôn giáo, tâm linh đúng nghĩa, đâu là hành vi trục lợi trên sự mê muội của những người có vấn đề trong cuộc sống. Lợi dụng lòng tin của người khác để mưu cầu vật chất, tiền bạc thì đó là hành vi trục lợi.
Ví như mùa Vu lan báo hiếu, nhà chùa tổ chức lễ cúng vong để mọi người đến tụng kinh cầu siêu cho vong linh ông bà, tiên tổ, sau đó giảng dạy đạo lý, khuyên con người ta sống hiếu đạo thì đó là tín ngưỡng thuần túy. Nhưng nếu cứ xoáy vào việc vong là báo oán, là oan gia, phải bỏ tiền ra để mua lấy sự bình yên, nếu không phải mắc bệnh tật, thế này thế kia thì rõ ràng đó là hành vi trục lợi.

tin mới

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Vẻ đẹp đền Cuông

Vẻ đẹp cổ kính của đền thiêng trên núi Mộ Dạ

(Baonghean.vn) - Với vẻ đẹp độc đáo, linh thiêng, đền Cuông ở xã Diễn An (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách muôn phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội. 

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm trước, một ngôi làng ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được gọi với cái tên chẳng mấy tự hào là “làng giả sư”, bởi người dân học theo nhau đóng giả nhà sư, đi rong ruổi xin tiền, khất thực. 

Tế tổ

Ấm áp ngày Rằm tháng Giêng ở các vùng quê Nghệ An

(Baonghean.vn) - Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, khắp các vùng quê Nghệ An rộn ràng tiếng trống tế và niềm vui hội ngộ của con cháu các dòng họ. Đây là dịp để người dân hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính với những thế hệ đã khuất.

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết nguyên đán Giáp Thìn huyện Yên Thành

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, ngày 1/2, Toà Giám mục Giáo phận Vinh do Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các phòng, ban huyện Yên Thành.

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

(Baonghean.vn) - Hiện Nghệ An có hơn 30 nghìn thanh niên công giáo. Thời gian qua, lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong tiên phong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.