Chắc chắn không lâu nữa, thành phố Vinh sẽ bao gồm cả thị xã Cửa Lò và một số xã phía Nam giáp sông Lam của huyện Nghi Lộc. Lúc ấy, Vinh sẽ có biển làm mặt tiền của thành phố. Vinh sẽ là thành phố biển. Nhưng từ rất lâu, Vinh đã có tính sông nước, tính biển.
Ngày 2/5/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, sáng lập ra triều Nguyễn. Năm 1803, Gia Long quyết định dời lỵ sở Nghệ An về Yên Trường, huyện Chân Lộc/Nghi Lộc. Tháng 5 năm Giáp Tý (1804), Gia Long xuống chiếu xây thành Nghệ An để chuyển lỵ sở từ Lam thành về Vĩnh Yên và Yên Trường. Lịch sử Vinh với tư cách là trung tâm của Nghệ An bắt đầu từ đó.
Năm 1885, thực dân Pháp tiến chiếm Nghệ An. Để phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, năm 1898, Nam triều và chính quyền bảo hộ thành lập thị xã Vinh; Năm 1914, thành lập thị xã Bến Thủy; Năm 1917, thành lập thị xã Trường Thi. Ngày 10/12/1927, sáp nhập 3 thị xã thành thành phố Vinh – Bến Thủy.
Như vậy, thuở ban đầu, Vinh đã là đô thị quy hoạch theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Chạy dọc theo trục này có sông Vinh/kênh nhà Lê/sông Cồn Mộc. Cửa Tiền thành Nghệ An hướng ra sông Vinh (nên còn có tên là sông Cửa Tiền). Phía Đông Nam của thành phố Vinh là sông Lam, là Cảng Bến Thủy.
Sông Vinh, vốn là sông Cồn Mộc, lúc đầu nông và hẹp, đến đời nhà Lê thì được đào sâu, mở rộng, nối với hệ thống kênh được các triều đại phong kiến Tiền Lê, Hậu Lê kế tục nhau đào thông suốt từ Ninh Bình vào đến Hà Tĩnh. Sông Vinh cũng chảy ra sông Lam, có điểm cuối ở phía Tây núi Dũng Quyết, cách Cảng Bến Thủy khoảng 500m. Từ xưa, sông này là huyết mạch giao thông đường thủy của Nghệ An với các tỉnh phía Bắc. Và vượt qua sông Lam, là sông Minh Lương/sông Mênh, cũng là sông đào, là kênh nhà Lê, chảy tiếp vào tận Nam Hà Tĩnh.
Lại nói về sông Lam và Bến Thủy. Sông Lam chảy từ miền Tây về đến Lam Thành thì nhập với sông La rồi đổ ra biển ở Cửa Hội. Bến Thủy ở tả ngạn sông Lam, là điểm đầu cầu phía Nam của thành phố Vinh. Từ Bến Thủy xuôi khoảng hơn 10 km là đến biển, đến Cửa Hội.
Vinh là đô thị tiếp nhận vai trò lỵ sở – trung tâm chính trị, hành chính của Lam thành. Lam thành xây trên rú Rum/Hùng Sơn/núi Thành, là lỵ sở của Nghệ An trải qua nhiều triều đại. Dưới chân Lam thành là ngã ba Phủ, nơi hợp lưu sông Lam và sông La. (Như vậy, dù ở đâu thì lỵ sở của Nghệ An cũng đóng ở gần sông. Bạch Ngọc – thời Uy Minh vương Lý Nhật Quang (thế kỷ XI), sát kề sông Lam; Trấn lỵ Dinh cầu (thế kỷ XVII) nằm sát sông Trí (Kỳ Anh).
Trong lịch sử trung đại Việt Nam, từ Cửa Hội đến ngã ba Phủ/Lam thành, dọc hai bờ hạ lưu sông Lam đã lần lượt xuất hiện các thương cảng sau khi người Việt giành lại quyền độc lập tự chủ (thế kỷ X) rồi trỗi dậy mạnh mẽ để Đại Việt trở thành quốc gia có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông thương mại của khu vực. Các thương cảng này đã thúc đẩy kinh tế xứ Nghệ phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong nhiều thế kỷ thời trung đại.
Đó là thương cảng Hội Thống, nằm ở phía Nam Cửa Hội, còn có tên gọi là Đan Nhai (có nghĩa là bến thuyền), được hình thành từ thế kỷ XI và phát triển cho đến thế kỷ XIX. Trong nhiều thế kỷ liên tục, Hội Thống hoạt động thương mại sôi nổi, không chỉ nội thương mà cả ngoại thương. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết, từ thời Lý, thương nhân người Hoa đã vào đây buôn bán rồi ngược lên phía Bắc ra Xã Đằng (Hưng Yên). Tiếp theo đó là thương nhân Nhật Bản và các nước khác đến từ châu Âu, Ấn Độ, Đông Nam Á. Hội Thống đã từng là một trung tâm buôn bán quốc tế, là cảng trung tâm ở Bắc Trung Bộ qua nhiều thế kỷ.
Từ Hội Thống, tàu thuyền ngược dòng sông Lam vào Đền Huyện, Xuân Phổ, Phù Thạch (Hà Tĩnh), Triều Khẩu (Nghệ An).
Thương cảng Đền Huyện cách Hội Thống khoảng 7 km, có lịch sử phát triển tương ứng và phụ thuộc vào Hội Thống (thế kỷ XI – thế kỷ XIX). Nghệ An Ký của Bùi Dương Lịch tả: “Cờ đỏ phấp phới khắp vùng chợ Tả Ao/ Sáo thuyền chài véo von theo nhịp sống Đan Nhai/Khách qua lại còn nhớ bến sông này/Vào Nam ra Bắc thuyền ghé đỗ chật bến sông”. Cách khoảng 3 km về phía hạ lưu, cùng thời với Đền Huyện còn có thương cảng Xuân Phổ là trị sở của huyện Nghi Xuân vào hồi thế kỷ XVI. Có những thời điểm thương cảng này còn tấp nập hơn cả thương cảng Đền Huyện.
Thương cảng Triều Khẩu nằm ở bờ phía Bắc sông Lam, trên địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay. Lịch sử và không gian sinh thành của thương cảng Triều Khẩu gắn liền với lỵ sở Nghệ An suốt gần 400 năm (1428 – 1803) đặt tại núi Thành sát ngay bờ sông Lam – xứ Nghệ (ngoài mấy chục năm lỵ sở chuyển vào Dinh Cầu – Kỳ Anh). Nói đến Triều Khẩu là nói đến chợ Tràng. Chợ Tràng là một bộ phận thiết yếu tạo thành cảng – thị Triều Khẩu.
Gắn với Lam Thành và sông Lam – con đường giao thương kết nối cả vùng xứ Nghệ rộng lớn, và từ đó kết nối với các tuyến giao thương trên biển nên Triều Khẩu có mối giao thương rộng mở. Vào cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, tàu buôn Nhật Bản, Trung Hoa, phương Tây vượt qua Cửa Hội tiến vào Triều Khẩu. Alexandre de Rhodes cho biết, đã từng đi theo một thương thuyền người Bồ đi từ Bố Chính (Quảng Bình) đến Triều Khẩu và được quan tỉnh niềm nở đón tiếp. Hay năm 1637, tàu Grol của Hà Lan đã đến Hội Thống rồi vào Triều Khẩu. Sự hiện diện của thương nhân nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của chợ Tràng: “Chợ Tràng tháng hăm bảy phiên/Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi”. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX thì thương cảng Triều Khẩu sa sút và lụi tàn dần, vì sông Lam đổi dòng và lỵ sở Nghệ An chuyển về Yên Trường.
Thương cảng Phù Thạch nằm ở bờ Nam sông Lam, đối diện với Triều Khẩu. Từ cuối thế kỷ XIV, đây là nơi buôn bán nổi tiếng của xứ Nghệ. Từ giữa thế kỷ XVII, Phù Thạch có bước phát triển vượt trội khi làn sóng người Hoa trốn chạy nhà Thanh sang đây buôn bán, lập nghiệp. Phù Thạch trở thành phố thị của người Hoa với những thương gia giàu có. Khi trấn lỵ Nghệ An dời ra Yên Trường/Vinh thì Phù Thạch vẫn còn là một nơi đô hội. Đến đời Minh Mệnh (1820-1841), người Hoa được lệnh chuyển ra Vinh, Phù Thạch sa sút dần từ đó.
Khi các thương cảng dọc sông Lam thời trung đại mất dần vị trí, tỉnh lỵ chuyển về Yên Trường/Vinh thì Bến Thủy xuất hiện với vai trò là thương cảng trung tâm của Nghệ An.
Bến Thủy là cảng sông, lấy tên từ Đồn Thủy – một căn cứ thủy quân thời Lê để phòng ngự khi đối phương tiến đánh từ biển vào hoặc từ đây xuất phát để tiến ra biển. Đồn Thủy – Bến Thủy là cửa ngõ ra biển của Vinh, xưa và nay.
Tuy vậy, dưới thời Nguyễn, do chính sách bế quan tỏa cảng, nên thương cảng Bến Thủy không phát triển, chủ yếu là nội thương. Cho đến khi người Pháp đến đây thì Bến Thủy mới lại một lần nữa được đánh giá đúng vị thế của nó. “Cảng Bến Thuỷ trong tương lai gần đây sẽ trở thành một trong các cảng hoạt động nhất bờ bể gần giữa Sài Gòn và Hải Phòng” [Kỷ yếu kinh tế Đông Dương]. “Bến Thủy là một cảng giao thương buôn bán dọc theo sông Cả (48.453 tấn hàng, trong đó có 32.508 tấn xuất), sẽ có một tương lai rực rỡ khi con đường Thakhet được khai thông và sẽ biến Bến Thủy là nơi tiêu thụ hàng hóa của Lào (thiếc, gỗ, súc vật)”.
Bến Thủy là cảng đầu mối mở lối ra biển cho Vinh nói riêng và Trung Kỳ, cụ thể là Bắc Trung Kỳ nói chung. Bến Thủy là hải cảng sông gần cửa biển lớn nhất Bắc Trung Kỳ, là trung tâm kết nối khai thác dịch vụ đường sắt, đường thủy, đường bộ ở Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Quy mô khai thác thuộc địa ngày càng được mở rộng thì vị trí cảng Bến Thủy càng nổi bật trên bản đồ kinh tế Đông Dương đầu thế kỷ XX, trở thành yết hầu kinh tế của Bắc Trung Bộ và Lào. J.Bouault và E De Razariô đã viết trong “Địa dư Đông Dương” như sau: “Bến Thủy là một cảng thiên nhiên vào hạng tầm thường, nhưng lại là một cảng có tương lai rực rỡ về kỹ nghệ và thương mại”; “…Bến Thủy sẽ trở thành một trong các cảng quan trọng nhất ở Đông Dương”.
Quả là đúng như vậy, đến những năm 1920, với sự đầu tư của Chính phủ Pháp và các nhà tư bản Pháp, tư bản bản xứ, Vinh – Bến Thủy đã trở thành một đô thị có quy mô và tầm vóc kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và thương mại sầm uất nhất khu vực miền Trung và cả nước. Theo đó, Vinh dần từng bước phát triển về văn hóa, xã hội. Điều đó chứng tỏ rằng, sông nước và biển đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội của Vinh trong thời cận đại.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Vinh sẽ mở rộng, bao gồm cả thị xã Cửa Lò và một số xã ven hạ lưu sông Lam. Lúc đó, mặt tiền của Vinh sẽ là hơn 10 km bờ biển, là đảo Song Ngư, đảo Mắt và khoảng 15 km giáp sông Lam, 20 km giáp sông Vinh/kênh nhà Lê. Vinh sẽ bốn bề là sông và biển. Không thể phủ nhận, trong tương lai gần, Vinh sẽ là đô thị biển.
Là đô thị biển, Vinh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ biển trên rất nhiều phương diện, từ địa chính trị đến địa kinh tế, địa văn hóa. Biển là “cánh đồng cuối cùng của nhân loại”. Hai cửa biển là Cửa Lò và Cửa Hội sẽ mở ra tương lai phát triển mới cho Vinh. Cửa Hội và cả Cửa Lò sẽ là điểm xuất phát cho Vinh đến với những nguồn tài nguyên vô cùng lớn của biển. Không chỉ là tài nguyên vật chất mà biển sẽ đem lại những giá trị về địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cái mênh mông của biển chắc chắn sẽ đem lại sự phóng khoáng và rộng mở trong tư duy và các cơ hội giao lưu, phát triển. Biển sẽ đưa Vinh trở thành giao điểm cho phần lục địa không chỉ của Nghệ An mà cả khu vực Bắc miền Trung và nước bạn Lào với thế giới.
Kinh nghiệm lịch sử và những tri thức mới chắc chắn sẽ chỉ dẫn, gợi ý cho Vinh những tầm nhìn mới về biển để có những quyết sách mới, khoa học và chính xác về biển trong hành trình phát triển trong tương lai, gần và xa, với tư cách là một đô thị biển. Bài học rất cũ và rất mới là phải biết bảo vệ biển, khai thác biển một cách khoa học, hợp lý và nhân văn nhất.
Không hề ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đặt mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP; 55 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Biên chép lại mục tiêu này để thấy rõ hơn lợi thế tính biển của Vinh trong tương lai.
Vấn đề còn lại là Vinh sẽ ứng xử và sử dụng yếu tố biển như thế nào trong hành trình phát triển sắp tới của mình.