Toàn văn Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025

VOV.VN 04/04/2019 04:39

Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Xin giới thiệu toàn văn Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư tại các văn bản số 10018-CV/VPTW ngày 31 tháng 3 năm 2015; số 26-KL/TW ngày 29 tháng 12 năm 2017; số 8785-CV/VPTW ngày 01 tháng 02 năm 2019;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

3. Nhà nước có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

4. Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Đối với báo và tạp chí in

1.1. Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh, thành phố, cơ quan cấp Bộ, ngành, cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.

Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

1.2. Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện:

a) Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, trên cơ sở và lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

b) Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in.

c) Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo in hoặc 01 cơ quan tạp chí in.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí in.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp, đến hết năm 2020 được có tối đa 02 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an Nhân dân trong năm 2020.

d) Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.

Lộ trình thực hiện: Đến năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

đ) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo chí in.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020, tối đa được có 05 cơ quan báo in (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

e) Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí in.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đến hết năm 2020, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tối đa được có 03 cơ quan báo in; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

g) Đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hiện đang có báo phải chuyển thành tạp chí hoặc ngừng hoạt động; nếu giữ báo thì phải thay đổi cơ quan chủ quản theo quy định.

Các tạp chí của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp; khi giấy phép hết hiệu lực thì thực hiện theo Luật báo chí.

Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước nếu có thay đổi mô hình tổ chức mà Nhà nước không còn nắm quyền chi phối thì cơ quan báo chí trực thuộc phải chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc ngừng hoạt động.

h) Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 01 cơ quan tạp chí in.

Lộ trình thực hiện: Đến năm 2025, các tổ chức tôn giáo hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

2. Đối với phát thanh, truyền hình

2.1. Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó. Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước.

2.2. Đối với hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, số lượng kênh chương trình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

2.3. Các kênh Truyền hình Thông tấn của Trung tâm Truyền hình Thông tấn (chủ quản Thông tấn xã Việt Nam), kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình Công an Nhân dân của Cục Truyền thông Công an nhân dân (chủ quản Bộ Công an), kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam của Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội (chủ quản Bộ Quốc phòng), kênh Truyền hình Quốc hội của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (chủ quản Văn phòng Quốc hội), kênh Truyền hình Nhân dân của Báo Nhân dân (chủ quản Ban Chấp hành Trung ương Đảng) không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt; các Trung tâm truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.

2.4. Phương án sắp xếp:

Mô hình tổ chức của hệ thống phát thanh, truyền hình gồm:

a) Đài Truyền hình Quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam;

b) Đài Phát thanh Quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam (bao gồm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC);

c) Các đơn vị hoạt động truyền hình của bộ, ngành gồm: Trung tâm Truyền hình Thông tấn; Cục Truyền thông Công an nhân dân (thuộc Bộ Công an); Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Báo Nhân dân; Truyền hình Quốc hội Việt Nam;

d) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 đài phát thanh và truyền hình; riêng thành phố Hồ Chí Minh có 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình. Mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

2.5. Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.

3. Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử

3.1. Định hướng sắp xếp hệ thống báo, tạp chí điện tử tương tự như báo, tạp chí in. Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in thì được xuất bản báo, tạp chí điện tử.

3.2. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

3.3. Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản, chuyển thành tạp chí cho phù hợp với quy hoạch hoặc ngừng hoạt động.

3.4. Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

3.5. Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

3.6. Lộ trình thực hiện: Việc sắp xếp thực hiện theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in.

IV. CÁC GIẢI PHÁP QUY HOẠCH

1. Giải pháp về thông tin, tuyên truyền

1.1. Tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự đồng thuận triển khai thực hiện Quy hoạch.

GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên nâng cao khả năng tự bảo vệ trước những thông tin tiêu cực, độc hại, lừa đảo trên mạng; trước nguy cơ lộ, lọt thông tin bí mật của tổ chức, cá nhân. Tăng cường hướng dẫn kỹ năng, thói quen khai thác, sử dụng mạng, thông tin mạng một cách an toàn, hiệu quả.

2. Giải pháp xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách

GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER

2.1. Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về báo chí và về viễn thông, công nghệ thông tin một cách đồng bộ để phát triển đi đôi với quản lý tốt hơn các loại hình báo chí và thông tin mạng phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới và điều kiện nước ta.

2.2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, thông tin Internet theo hướng tăng cường chế tài xử phạt vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

3. Giải pháp về tổ chức bộ máy

3.1. Thực hiện sắp xếp lại hệ thống báo chí theo Quy hoạch nhằm giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, gắn với xây dựng cơ chế đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.

3.2. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực về quản lý báo chí, thông tin mạng của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí các cấp; xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của từng ngành, từng cấp trong các vấn đề liên quan tới báo chí, thông tin mạng. Nâng cao vai trò người phát ngôn trong các cơ quan, tổ chức.

3.3. Trước năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân có đề án xây dựng thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt.

4. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành

4.1. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan giúp việc Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch.

4.2. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo về công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự đồng thuận triển khai thực hiện Quy hoạch.

5. Giải pháp về nâng cao năng lực thực thi pháp luật

5.1. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí. Kiên quyết xử lý kỷ luật người có trách nhiệm và xử phạt, đình bản, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm nghiêm trọng nhiều lần. Rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, xuất bản ấn phẩm của các cơ quan báo chí. Tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp sở hữu, vận hành các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhằm phát huy tác dụng của loại hình thông tin này trong công tác tuyên truyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.

5.2. Chú trọng công tác phối hợp, nâng cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo.

6. Giải pháp về tài chính

6.1. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cơ quan báo chí giảm chi phí, tăng nguồn thu để phát triển. Phân định rõ cơ chế tài chính đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và báo chí chủ yếu phục vụ giải trí, thương mại. Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách (theo hình thức đặt hàng) đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực.

6.2. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về tài chính trong hoạt động liên kết, sản xuất nội dung, chuyên mục, chương trình khoa học, phổ biến kiến thức, giải trí của các cơ quan báo chí.

7. Giải pháp về nguồn nhân lực

7.1. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định có liên quan về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan báo chí về tuổi, trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý.

7.2. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý kinh tế báo chí cho đối tượng lãnh đạo cơ quan báo chí. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí.

7.3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin trong các cơ quan nhà nước; tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, nhất là kiến thức, kỹ năng xử lý thông tin và sự cố thông tin.

8. Giải pháp về khoa học, công nghệ

8.1. Tăng cường đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực, có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí để tiếp cận công nghệ truyền thông tiên tiến.

8.2. Đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình thông tin mạng khác. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, các chương trình bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng nhằm tăng diện bao phủ thông tin chính thống, có định hướng đồng thời ngăn chặn, hạn chế tác động của thông tin độc hại, tiêu cực.

9. Giải pháp về hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại

9.1. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong nước với các cơ quan báo chí nước ngoài, các tổ chức báo chí khu vực, quốc tế. Phát huy hiệu quả cơ quan đại diện thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

9.2. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực báo chí, thông tin truyền thông. Phối hợp xử lý vi phạm trong cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

9.3. Nâng cao hiệu quả các chương trình thông tin đối ngoại, tăng cường thông tin về Việt Nam bằng tiếng nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

1.1. Chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch; trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp.

1.2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

1.3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật báo chí năm 2016; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí cho phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch và tạo điều kiện cho báo chí phát triển.

Rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch này và quy định của Luật báo chí.

1.4. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sửa đổi Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 21 tháng 8 năm 2007 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.

1.5. Chủ trì xây dựng Đề án phân vùng ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực báo chí; hướng dẫn các đài phát thanh, truyền hình xây dựng phương án dự phòng, đảm bảo hoạt động liên tục, không gián đoạn trong mọi tình huống.

1.6. Xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia đáp ứng yêu cầu giám sát, phân tích, đánh giá chuyên sâu phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí.

2. Bộ Tài chính

2.1. Bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định của Nhà nước.

2.2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tài chính phù hợp trong hoạt động của các cơ quan báo chí.

2.3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, cước phí… đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạp chí khoa học - kỹ thuật của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương, các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình đặc thù: dân tộc, đối ngoại, thiếu nhi, khoa giáo.

2.4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện việc đặt hàng báo chí phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

2.5. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tài chính đối với cơ quan báo chí.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

3.1. Nghiên cứu, xem xét, cập nhật những nội dung của Quy hoạch này vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

3.2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách đầu tư, phát triển báo chí phù hợp với Quy hoạch này.

4. Bộ Nội vụ

4.1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng mô hình tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan báo chí.

4.2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về đào tạo, thăng hạng, quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp viên chức ngành báo chí.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

5.1. Triển khai thực hiện quy hoạch báo chí phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và với Quy hoạch này.

5.2. Tổ chức sắp xếp mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí ở địa phương phù hợp với Quy hoạch này và Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.

5.3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và từng giai đoạn thực hiện Quy hoạch với Bộ Thông tin và Truyền thông; phản ánh, kiến nghị biện pháp xử lý những vướng mắc phát sinh.

6. Các cơ quan chủ quản báo chí

6.1. Triển khai thực hiện Quy hoạch đúng định hướng và lộ trình. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng; thường xuyên làm tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền, công tác cán bộ, tăng cường công tác quản lý, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động báo chí tại đơn vị thuộc quyền.

6.2. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, đề án cụ thể để sắp xếp lại các cơ quan báo chí trực thuộc phù hợp với quy định tại định hướng của Quy hoạch này. Trong đó, chú trọng công tác tư tưởng và các giải pháp cụ thể đối với những người làm báo bị ảnh hưởng khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí làm việc, cống hiến và phát triển.

6.3. Chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc quyền nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy trình biên tập; tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

6.4. Thực hiện chế độ báo cáo hàng năm và từng giai đoạn với Bộ Thông tin và Truyền thông; phản ánh, kiến nghị biện pháp xử lý những vướng mắc phát sinh.

6.5. Các cơ quan chủ quản báo chí từ trung ương đến địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện tốt nội dung Quy hoạch này.

7. Hội Nhà báo Việt Nam

Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo về báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí và triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí, Tổng giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập các cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Mới nhất

x
Toàn văn Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO