P.V: Là 1 trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019, tốp 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, đạt giải thưởng Sao Đỏ…, động lực nào đã đưa chị đến với những danh hiệu này?
Chị Nguyễn Thị Vân: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể lại một câu chuyện. Dù chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in. Lần đó, tôi ra đường đón taxi để đi có việc. Trên chiếc xe lăn của mình, tôi đã đợi rất lâu. Suốt thời gian chờ đợi, 4 chiếc xe taxi đi qua tôi, họ dừng lại, nhìn tôi ái ngại rồi đi tiếp. Trời đổ mưa tầm tã, tôi nhỏ thó, co ro, ướt như chuột lột…
Như rất nhiều người khuyết tật khác, mỗi lần đi ra đường, tôi thường nhận được cái nhìn tò mò của những người xung quanh. Ngay cả việc bản thân muốn đi cà phê, trà đá hay làm đẹp… cũng bị dò xét, phân biệt. Chính vì thái độ đó nên dù Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật, chúng ta vẫn thấy rất ít người khuyết tật ở những nơi công cộng.
Từ trăn trở này, tôi quyết tâm phải làm được nhiều việc hơn nữa, phải để mọi người công nhận mình và để tất cả những người khuyết tật, yếu thế khác có thể hòa nhập cộng đồng… Đó chính là một trong những lý do, động lực cho những gì tôi đã làm, đã đạt được cho đến thời điểm này.
P.V: Với quyết tâm của mình, chị đã xây dựng nhiều doanh nghiệp, dự án hướng đến người yếu thế?
Chị Nguyễn Thị Vân: Từ xuất phát điểm Trung tâm Nghị lực sống, do anh trai tôi – cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng thành lập, chúng tôi đã đào tạo miễn phí, hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật mỗi năm. Năm 2016, khi nhận thấy khó khăn trong vấn đề tài chính chính là rào cản đối với người khuyết tật trong xã hội, tôi đã thành lập Imagtor – một agency chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh với đội ngũ hơn 60% là người khuyết tật. Công ty đang tăng trưởng tốt và giúp các bạn nhân viên có tiền để trang trải cuộc sống.
Cuối năm 2022, tôi cùng những cộng sự của mình thành lập doanh nghiệp xã hội Công ty cổ phần Nghị lực sống. Công ty hoạt động với nguyên tắc sử dụng phần lớn lợi nhuận vào mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế. Cụ thể, chúng tôi sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế, đồng thời, đầu tư lợi nhuận vào các trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người khuyết tật và người yếu thế.
Mới đây, chúng tôi vừa cho ra mắt dịch vụ chăm sóc đồ hiệu do các bạn khuyết tật đảm nhận và đang kêu gọi các nhà hảo tâm đầu tư cho dự án nuôi ong để hỗ trợ bà con nông dân làm nông nghiệp sạch… Dù có rất nhiều ý tưởng, nhưng sức khỏe hạn chế, nên tôi sẽ có sự cân nhắc kỹ và triển khai lần lượt. Tôi nguyện dành tất cả thời gian của mình để giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, tạo thêm được nhiều giá trị hơn.
P.V: Không chỉ giúp đỡ bằng việc làm cụ thể, rất nhiều người chia sẻ rằng, họ nhận được rất nhiều lời khuyên bổ ích, thiết thực từ chị?
Chị Nguyễn Thị Vân: Tôi đặc biệt thích ở gần bạn bè, người thân và luôn muốn kéo mọi người lại gần mình. Cũng vì thế, nên suốt thời gian sống tại Hà Nội, tôi không bao giờ cảm thấy xa quê, bởi họ hàng, bạn bè thân thiết của tôi đều được tôi “kéo” ra đây sống xung quanh mình, đông đến mức nhiều người trêu chúng tôi “xây làng Nghệ An” ở bán đảo Linh Đàm. Tôi thích trò chuyện với họ, dành nhiều thời gian để lắng nghe họ, cùng họ giải quyết vấn đề và tìm ra các định hướng… Một trong những cách định hướng đem lại hiệu quả cao nhất, chính là giao tiếp trên tinh thần tôn trọng. Thông qua giao tiếp, những cuộc trò chuyện, chúng tôi hiểu nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và làm rõ vấn đề để đi đến những quyết định sáng suốt trong công việc, sự nghiệp, tình cảm… Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ thể hiện chính kiến riêng, sáng tạo cuộc đời của riêng mình và thực tế các em, các bạn của tôi đã làm rất tốt điều này.
P.V: Có phải từ thế mạnh trò chuyện, giao tiếp đó, chị đã xây dựng chuỗi clip mang tên “Vân kể chuyện”? Và kênh này đã phát triển rất nhanh và được cộng đồng mạng rất đón nhận?
Chị Nguyễn Thị Vân: Thật ra đã có thời gian tôi trốn tránh truyền thông và ngại chia sẻ về mình. Thời gian đó kéo dài khoảng suốt 5 năm. Nhưng bây giờ, khi cảm thấy những chia sẻ của mình có ích, cảm thấy những chia sẻ đó mang được điều gì đó đến cho mọi người, thì tôi quyết định lập kênh “Vân kể chuyện”.
Những clip trên kênh không quá dài, không quá ngắn, xoay các chủ đề mà các bạn trẻ quan tâm như tình cảm, khởi nghiệp, chữa lành, trải nghiệm… Đó đều là những câu chuyện thật, những lời tâm huyết, chân thành được ghi một cách tự nhiên với bối cảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, tôi quay khi đang đi du lịch, đang ngồi chơi với bạn bè. Rất nhiều người chia sẻ rằng, xem clip có cảm giác như thể Vân đang ngồi cạnh, uống trà, trò chuyện với các bạn ấy vậy. Có lẽ chính sự tự nhiên, chân thực đó đã dễ dàng “chạm” đến mọi người.
Thật vui vì những quan điểm, chia sẻ đó đã được mọi người đón nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, facebook của kênh đạt 175 nghìn lượt theo dõi, tiktok là 64,5 nghìn lượt theo dõi với hơn 762 nghìn lượt thích. Thông qua sự ủng hộ của mọi người, tôi và những anh em, cộng sự của mình đã có thể thực hiện rất nhiều dự án ý nghĩa cho cộng đồng.
P.V: Sau 18 năm xa quê lập nghiệp và sống ở nhiều vùng đất, chị thấy bản thân mình còn mang nhiều đặc điểm của một người Nghệ An không, nó được thể hiện như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Vân: Tôi tự thấy mình mang rất nhiều nét tính cách của người Nghệ An, trong đó điển hình nhất là tính chiến đấu. Một khi đã muốn làm điều gì thì tôi sẽ chiến đấu đến cùng để đạt được điều đó. Với xuất phát điểm và tình trạng sức khỏe của bản thân, tôi phải vượt qua cả những nỗi sợ hãi bên trong và những rào cản bên ngoài. Hơn thế, sức mạnh, sự quyết tâm của tôi nằm ở những khoảnh khắc cùng cực nhất, khi bị từ chối, bị bỏ rơi, bị gạt ra… Nếu không có đặc điểm đó, có lẽ tôi không thể nào được như ngày hôm nay.
Ngoài ra, cách nói chuyện của tôi cũng nhanh, gọn, đi thẳng vào vấn đề với khả năng linh hoạt khá tốt. Những điều này được thể hiện rất rõ. Rõ đến mức, nhiều người lần đầu tiên gặp tôi, dù mới chỉ tiếp xúc xã giao, cũng đoán già, đoán non rằng, tôi là người Nghệ An. Theo tôi, những đặc điểm tính cách đó là điển hình của người dân Nghệ An – quê Bác và tôi tự hào mình có những đặc điểm này.
P.V: Cộng đồng những người Nghệ quanh chị có vẻ rất thân thiết với nhau. Có khó để xây dựng sự gắn bó đó giữa xô bồ, bận rộn của nhịp sống không?
Chị Nguyễn Thị Vân: Chúng tôi như một gia đình lớn và luôn gặp nhau hàng tuần. Mọi người gắn bó với nhau đến nỗi, nếu một người trong nhóm ốm đau phải đi viện, những người còn lại, thay vì đi thăm, sẽ lần lượt đến túc trực, chăm sóc. Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, chúng tôi không làm việc mà dành trọn thời gian bên nhau, cùng nhau đi uống trà đá, hàn huyên, cùng nhau nấu ăn, tâm sự. Đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn để sự kết nối thật sự chất lượng, ý nghĩa, đậm tính cộng đồng.
Không chỉ riêng tôi đâu, tất cả những người đồng hương xứ Nghệ quanh tôi đều tự hào về cộng đồng này. Chúng tôi tự hào vẫn giữ được bản tính cần cù, chịu khó, ngay thẳng, thật thà và gắn bó với nhau dù ở bất kỳ đâu.
P.V: Cảm ơn chị vì những chia sẻ đầy ý nghĩa!