Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp cả nước vào ngày 1/7/2025
Lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Thống kê quy định Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong các cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia do Cơ quan Thống kê Trung ương (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được tiến hành theo chu kỳ 10 năm 1 lần vào ngày 01 tháng 7 các năm có số tận cùng là 5. Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần thứ 6 sẽ được tiến hành vào ngày 01/7/2025.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các bộ chỉ tiêu, văn bản điều hành khác của Đảng và Nhà nước.
Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp và cải thiện mức sống cư dân nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn giúp cho công tác nghiên cứu chuyên sâu và chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm thuộc lĩnh vực thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các yêu cầu thống kê khác; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là cuộc điều tra có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, thu thập thông tin từ nhiều loại đơn vị điều tra (hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, Ủy ban nhân dân xã...), với nhiều nội dung phức tạp. Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp cần phải huy động một lực lượng đông đảo điều tra viên thống kê, tổ trưởng và giám sát viên các cấp tham gia.
Từ nay đến thời điểm Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) phải làm tốt công tác chuẩn bị cuộc Tổng điều tra, tập trung vào các nội dung: xây dựng phương án, xác định nội dung, chỉ tiêu điều tra, thiết kế phiếu và tài liệu điều tra; nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới trong thu thập, xử lý và công bố thông tin; tổ chức điều tra thí điểm để hoàn thiện nội dung và quy trình điều tra; tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ thống kê và tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra cho điều tra viên thống kê, tổ trưởng và giám sát viên các cấp; bảo đảm hậu cần và hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông để chuẩn bị, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích và công bố thông tin; dự trù kinh phí Tổng điều tra.
Để thực hiện thành công Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 với các thông tin:
Nội dung chính của Tổng điều tra gồm: (i) Thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (ii) Thông tin về nông thôn; (iii) Thông tin về cư dân nông thôn.
Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp: Ban Chỉ đạo Trung ương do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương là lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan trực tiếp gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (làm Phó Trưởng ban thường trực); Tổng cục Thống kê; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban; Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Trưởng ban thường trực; Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) các cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Nông dân và Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Ủy viên.
Ban Chỉ đạo cấp xã gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, cán bộ phụ trách lĩnh vực Thống kê, Nông nghiệp, Địa chính xã làm uỷ viên, trong đó cán bộ thống kê xã làm Uỷ viên thường trực.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo cấp đó, do cơ quan Thống kê cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện.
Đối với các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, các phường và thị trấn: Chỉ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra đối với những đơn vị có tỷ lệ hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm trên 30% tổng số hộ trên địa bàn của từng đơn vị. Những quận, thành phố trực thuộc tỉnh, phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo và đơn vị thống kê cấp huyện, cán bộ thống kê là đơn vị thường trực.