Tổng thống Iran thăm Iraq: Siết tình đồng minh, phá vòng vây của Mỹ?
(Baonghean) - Chuyến thăm chính thức Iraq trong 3 ngày của Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tuần này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa 2 láng giềng có chung đường biên dài và quan hệ văn hóa, tôn giáo, lịch sử sâu sắc.
Mục tiêu của Iran trong chuyến đi này là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời phá vỡ vòng trừng phạt đang bóp nghẹt của Mỹ.
Mối quan hệ “đặc biệt”
Hãng tin AP cho biết, ông Hassan Rouhani đặt chân đến thủ đô Baghdad vào ngày 11/3, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống Iran tại quốc gia mà Tehran từng đụng độ trong cuộc chiến đẫm máu nhiều năm trước, rồi sau đó lại hậu thuẫn họ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang đi vào hồi kết.
Tổng thống Iraq Barham Salih và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: IRNA |
Tháp tùng Tổng thống Rouhani trong chuyến công tác 3 ngày là một phái đoàn cấp cao gồm nhiều quan chức chính trị và kinh tế và được tiếp đón trọng thị bởi Ngoại trưởng Iraq Mohammed Ali Al-Hakim khi máy bay đáp xuống Baghdad.
Trong chuyến đi, ông Rouhani tới thăm đền thờ Imam Kadhim - nhân vật số 7 trong 12 giáo sỹ được cộng đồng người Shiite tôn kính, hội kiến Tổng thống Barham Salih, Thủ tướng Abdel Abdul Mehdi, gặp gỡ các chính khách và lãnh đạo người Shiite…
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết thêm, trong chuyến thăm của ông Rouhani, 2 nước lên kế hoạch ký kết nhiều biên bản ghi nhớ quan trọng trong lĩnh vực quá cảnh, hợp tác năng lượng, các dự án công nghiệp chung,…
Theo trang web chính thức của ông Rouhani, trước khi khởi hành tới Iraq, phát biểu tại Cảng hàng không Mehrabad ở Tehran, Tổng thống Iran đã tô đậm tình đồng minh mật thiết giữa Iran và Iraq, khẳng định mục tiêu của chuyến công tác là “làm sâu sắc các quan hệ song phương”.
Ông Rouhani nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Iran và Iraq rất đặc biệt. Trong những năm gần đây, người Iran đã vượt qua một cuộc kiểm tra một cách đáng tự hào, đó là dù ở bất cứ nơi đâu nếu các dân tộc trong khu vực đối mặt với vấn đề rắc rối và đề nghị cần sự giúp đỡ từ đất nước và chính phủ Iran, chúng tôi sẽ nhiệt tình giúp đỡ họ”.
Đây được cho là sự ám chỉ đến việc kể từ khi ông Rouhani đắc cử vào năm 2013, Iraq đã dựa vào sự giúp đỡ của lực lượng bán quân sự Iran để chống IS, sau khi nhóm khủng bố này chiếm được thành phố Mosul cũng như những phần lãnh thổ khác ở cả Iraq lẫn Syria.
Đáp lại những lời lẽ nồng ấm đó, Tổng thống Iraq Barham Salih cũng cảm ơn “sự giúp đỡ” của Iran và khẳng định “may mắn” khi có một láng giềng như vậy.
Nhà lãnh đạo này còn đặc biệt lưu ý, chuyến thăm của ông Rouhani có tầm quan trọng to lớn, đem lại lợi ích cho cả đôi bên.
“Các lợi ích của Iraq nằm ở việc duy trì các quan hệ rất tốt đẹp với Iran. Tôi đã nhắc lại câu này vài lần một cách có chủ đích.
Người Iraq chúng tôi có lợi ích trong củng cố các quan hệ với Iran, và chúng tôi phải xem đó là vấn đề chính trong toàn bộ các quan hệ khu vực của mình”.
Ứng phó với Mỹ, thể hiện ưu thế tại khu vực
Chuyến thăm tới Iraq của Tổng thống Rouhani diễn ra trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang cố gắng đánh bại IS tại thành trì cuối cùng của nhóm này ở Syria.
Bên cạnh đó, IS đã tiến hành các vụ tấn công - tháo chạy trên khắp lãnh thổ Iraq hồi năm ngoái, và hiện có nhiều quan ngại cho rằng có thể bùng phát đợt trỗi dậy mới vào năm tới.
Hàng chục nghìn tay súng IS trốn khỏi Baghuz hoặc đầu hàng và có thể gây ra nguy hiểm. Iran đã nhấn mạnh rằng họ là một trong những nước hậu thuẫn chính cho Iraq để chống IS và Tehran muốn bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ Tehran - Baghdad.
Iran đang tìm kiếm sự ủng hộ của Iraq giữa lúc nước này đối diện với chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhân vật này quyết định rút xứ cờ hoa khỏi bản thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chuyến thăm bất ngờ tới Iraq cuối tháng 12/2018. Ảnh: Reuters |
Ông Rouhani đã không tiếc mỹ từ cho mối quan hệ giữa Iran với người láng giềng Iraq, và khẳng định mối quan hệ này không thể so sánh với quan hệ của Iraq “cùng một quốc gia hung hăng như Mỹ”.
“Nước Mỹ bị coi thường trong khu vực này. Những quả bom mà người Mỹ thả xuống người Iraq, Syria và các nước khác không thể bị lãng quên”, ông Rouhani nói.
Theo giới phân tích, Tehran xem sự hiện diện quân sự của Mỹ tại “cửa ngõ” Iraq là mối đe dọa, thứ có thể phá hỏng tầm ảnh hưởng của họ đối với Baghdad.
Không những thế, Iran còn xem Iraq là “con đường”có thể tiếp cận nhằm vượt qua trừng phạt của Mỹ. Hồi năm ngoái, xuất khẩu của Iran sang Iraq đạt ngưỡng gần 9 tỷ USD. Tehran hy vọng tăng kim ngạch thương mại giữa 2 nước láng giềng hiện vào khoảng 13 tỷ USD lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Điều này phù hợp với nhận xét của chuyên gia phân tích chính trị Iraq Hisham al-Hashemi, rằng lãnh đạo Iran đang tìm cách thúc đẩy thương mại với Baghdad và thảo luận các cách thức nhằm “phá vỡ các đòn trừng phạt của Mỹ”.
Trong bối cảnh như vậy, dễ thấy rằng Iraq - quốc gia có số đông là người Shiite đang phải tìm cách khéo léo “đi trên dây” để nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối tác quan trọng là Iran và Mỹ, khi 2 nước này lại là “kẻ thù” của nhau.
Baghdad vừa đón tiếp hàng xóm sang thăm, vừa chịu sức ép từ phía Washington, muốn họ không quá gần gũi nền Cộng hòa Hồi giáo láng giềng, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và tung đòn trừng phạt Tehran hồi năm ngoái.
Baghdad được trao quyền miễn trừ hạn chế, để họ có thể tiếp tục mua điện và khí tự nhiên từ Iran, song Washington đã hối thúc Iraq quay sang cộng tác với các công ty của Mỹ để trở nên độc lập về mặt năng lượng.
Cho đến thời điểm này, phía Washington đang khá “im hơi lặng tiếng” về chuyến công du của ông Rouhani, dù họ biết truyền thông Iran sẽ xem đây là dịp để phô trương điều mà một số trang gọi là “cú giáng mạnh đối với ông Trump”.
Mục đích chính của Iran là thể hiện sức mạnh cùng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực, cùng với đó là chiếm thêm ưu thế trên bàn cờ Trung Đông. Với thất bại hiển hiện của IS, thêm một quân cờ khác bị loại khỏi bàn cờ, và Iran muốn lấp đầy khoảng trống đó.