Toyota Hilux mới - những thay đổi thức thời tại Việt Nam

30/12/2016 16:33

Hilux lắp động cơ và hộp số mới, bước tiến đáng kể để lấn sâu hơn vào phân khúc bán tải, nơi Ford Ranger đang chiếm giữ.

Chưa bao giờ khách hàng Việt thấy Toyota thay đổi nhiều như 2016. Vios có động cơ mới, hộp số mới, thêm một phiên bản; Innova thế hệ mới như một cuộc lột xác. Camry thêm số lượng túi khí; và đến lượt Hilux cũng có cỗ máy cùng hộp số mới. Những nâng cấp cốt lõi này, vốn không phải cách làm thường thấy của hãng xe Nhật.

Động cơ 3.0 và 2.5 cũ đều thay mới bằng loại 2.8 và 2.4. Bản 2.8 tăng áp trên Hilux G cho công suất 174 mã lực, mô-men xoắn cực đại 450 Nm, trong khi bản 3.0 cũ là 161 mã lực và 360 Nm. Tăng 13 mã lực và 90 Nm khiến chiếc bán tải có khả năng vận hành khác hẳn.

Bản 2.4 tăng áp mới có chỉ số sức mạnh là 147 mã lực và 400 Nm, bản 2.5 cũ là 142 mã lực và 343 Nm, tức bản mới tăng 5 mã lực và 57 Nm. Toyota quyết tạo ra một hình ảnh khác cho Hilux trong phân khúc.

Toyota Hilux mới không còn hốc gió trên nắp ca-pô.
Toyota Hilux mới không còn hốc gió trên nắp ca-pô.

Hilux mới có 3 phiên bản, trong khi bản 2.4 lắp hộp số sàn 6 cấp thì 2.8G có bản số sàn 6 cấp hoặc số tự động 6 cấp, thay cho loại tự động 5 cấp trước đây. Ngoài thay đổi "trái tim", Hilux chỉ có chút ít nâng cấp nhỏ ở thiết kế, hốc gió trên nắp ca-pô không còn, trả lại bề mặt phẳng và cảm hứng đô thị hơn.

Phân khúc bán tải phát triển nhanh bậc nhất thị trường cùng áp lực ngày càng bành trướng của Ford Ranger khiến Hilux cần trở mình, lợi thế bền bỉ là chưa đủ để thuyết phục khách hàng Việt mua pickup. Họ cần nhiều hơn thế, là sức mạnh động cơ, công nghệ an toàn và tiện nghi nội thất.

Toyota chứng minh không chỉ Ford Ranger mà Hilux 2016 cũng có những thứ như vậy. Trên bản 2.8 AT, nội thất có vô-lăng bọc da, ghế bọc da, ghế lái chỉnh điện, điều hòa tự động tích hợp cửa gió cho hàng ghế sau, hệ thống âm thanh 6 loa, đọc DVD, AUX, USB và kết nối Bluetooth, khởi động bằng nút bấm, cửa sổ một chạm.

Những tích hợp trong nội thất là vừa đủ tiện nghi cho những yêu cầu cơ bản của khách hàng hiện nay, nhưng vận hành mới là điểm đáng chú ý nhất của Hilux mới. Từ một Hilux lầm lì, chậm chạp và ồn ào trước đây trở thành gã khỏe mạnh, nhanh nhẹn và ổn định.

Toyota đưa chuyên gia từ Nhật sang Việt Nam để tạo địa hình khắc nghiệt nhất cho Hilux thử thách. Cài cầu điện tử về chế độ dẫn động hai cầu chậm L4 để Hilux vượt qua con dốc dựng đứng, ngay sau đó là lao xuống hố sâu khoảng 8 m với độ dốc tương tự. Bài thử này không mấy khó khăn khi mô-men xoắn 450 Nm của 2.8G AT kết hợp cầu chậm dù đường đất trơn ướt vì trời mưa.

Những địa hình tiếp theo như chạy vòng tròn quanh hố sâu, vượt địa hình mấp mô cho thấy độ ổn định của thân xe khi tiết diện khung hai bên sườn tăng thêm đồng thời gia cố nhiều mối hàn.

Để chạy dốc khoảng 10% phổ biến tại Việt Nam, chỉ cần để chế độ một cầu H2 là đủ. Công nghệ hỗ trợ khởi hành ngang dốc giúp ích nhờ tự động phanh khoảng 3 giây khi tài xế bỏ chân phanh qua chân ga, đặ biệt hữu dụng trong trường hợp đi đường núi và tải nặng.

Trong khi những thách thức địa hình cho thấy tác dụng của hệ dẫn động 4 bánh và độ cứng vững, ổn định thân xe thì sức mạnh của động cơ mới cùng độ linh hoạt hộp số 6 cấp thể hiện trên đường trường.

Thân xe cứng vững hơn.
Thân xe cứng vững hơn.

Cùng đề-pa trên một đoạn đường, nếu Hilux cũ đạt tốc độ khoảng 90 km/h thì Hilux mới đã chạm 110 km/h. Ngay sau đó, giảm tốc về khoảng 50-60 km/h và đánh lái liên tục tránh cọc tiêu, công nghệ cân bằng thân xe điện tử ESC phát huy tác dụng giúp xe không văng đuôi như bản trước. Giữ nguyên tốc độ vào cua gấp 90 độ, tiếng lốp rít ken két nhưng ngắn, nhỏ, lốp không bị rê hay văng đuôi cá. Phanh và ga đều nhạy và có độ đàn hồi tốt.

Trên đường trường Hilux tạo thêm khá nhiều bất ngờ. Tiếng động cơ không còn "rên" mà kêu "o o" đều đều mỗi khi cần tăng tốc. Một chiếc bán tải cồng kềnh bỗng hóa thành êm ái lướt. Dĩ nhiên đó là mặt đường tốt, còn đường xấu thì hệ thống treo nhíp khiến mọi thứ nảy tưng tưng. Sự cải tiến của Hilux nằm ở sau mỗi cú đạp ga. Hộp số 6 cấp. Xe đáp ứng tốt hơn, khỏe hơn và ổn định hơn. Chế độ lái Power khá ấn tượng với khả năng dồn hết năng lượng cho cú vọt ga, nhưng ồn và giật cục, không thích hợp khi đi cùng gia đình.

Hệ thống cách âm của Hilux cũng tốt hơn. Nhưng giống như các mẫu bán tải khác, tiếng động cơ dầu vẫn không thực sự dễ chịu khi phải nghe một thời gian dài. Âm thanh không to nhưng xuất hiện liên tục dễ khiến tài xế nảy ra ý tưởng "giá đây là máy xăng".

Công nghệ an toàn trên Hilux 2.8G AT gồm phanh với ABS, EBD, BA, thêm cân bằng thân xe ESC, kiểm soát lực kéo chủ động TRC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, đèn báo phanh khẩn cấp, camera lùi và 7 túi khí.

Sau những thay đổi đáng kể, Hilux cho dấu hiệu khả quan khi tháng 11 doanh số đạt 182 xe, cao hơn nhiều so với những tháng trước đó quanh quẩn trên 100 xe. Lượng bán này vẫn còn cách một khoảng lớn so với mục tiêu 300 xe mà hãng đề ra, lại càng xa mức gần 1.200 xe mỗi tháng của Ranger.

Toyota Hilux có giá 697 triệu cho bản 2.4 MT, 806 triệu bản 2.8G MT và 870 triệu cho 2.8G AT. Mức giá này hẹp hơn phổ sản phẩm của Ranger, với 8 phiên bản, từ 619 tới 921 triệu đồng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Toyota Hilux mới - những thay đổi thức thời tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO