Trạm BTS có gây hại đến sức khỏe con người ?

31/08/2016 07:36

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất với 2,3 triệu thuê bao được phục vụ bởi 3.800 trạm BTS 2G và 3G.

Trong những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã có bước phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hệ thống các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực đông dân cư, đặc biệt là các đô thị lớn.

Cùng với việc các nhà mạng đẩy mạnh xây dựng trạm BTS, vấn đề ảnh hưởng của sóng điện từ trạm BTS cũng đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân đã thấu hiểu và nhận biết sự an toàn của sóng điện từ trạm BTS đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như xã Yên Sơn, Lưu Sơn ( Đô Lương), khu vực thị trấn, xã Diễn Minh (Diễn Châu), xã Hưng Mỹ, Hưng Thông (Hưng Nguyên), các xã Nghi Thạch, Nghi Vạn (Nghi Lộc), xã Công Thành (huyện Yên Thành)... vẫn còn một số trường hợp thắc mắc về ảnh hưởng của trạm BTS đến sức khỏe con người.

Việc này không những khiến người dân lo lắng mà còn cản trở các nhà mạng trong việc phát triển mới các trạm BTS, đặc biệt trong bối cảnh các công nghệ mới như 4G, 5G phát triển thì số trạm BTS càng phải nhiều hơn và phải lắp đặt trong khu dân cư để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho người sử dụng.

Tại sao trạm BTS ngày càng được xây dựng càng nhiều?

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất (Vinaphone, Mobifone, Viettel, Gtel, Vietnamobile). Tổng số thuê bao di động trên toàn tỉnh khoảng 2,3 triệu thuê bao được phục vụ bởi 3.800 trạm BTS 2G và 3G. Với số lượng thuê bao lớn và ngày càng tăng, đặc biệt là tại thành phố Vinh, trung tâm các thị xã, thị trấn... các nhà mạng phải xây dựng các trạm BTS với mật độ cao để đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ cho người sử dụng.

Đặc biệt những năm gần đây, các nhà mạng phải tăng cường mở rộng hạ tầng mạng thông tin di động để đáp ứng các dịch vụ trên nền tảng 3G, vì vậy các trạm BTS ngày càng nhiều hơn, dày hơn. Khoảng cách giữa các trạm BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G ở vào khoảng 2 km thì nay rút ngắn còn 300m, tại thành phố Vinh bán kính phục vụ của mỗi trạm BTS đạt 0,46km/trạm, ở TX. Cửa Lò khoảng 0,59km/trạm...

Trên thực tế, trong quá trình xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng đã có nhiều nghiên cứu qua đó kết luận: “Với dải tần số của sóng vô tuyến với công suất của các thiết bị của các trạm thu, phát và các thông số kỹ thuật của các máy điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để có thể khẳng định rằng sóng do các trạm thu, phát kể cả các máy điện thoại di dộng từng cá nhân sử dụng, gây ảnh hưởng xấu, có hại đến sức khỏe con người”.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định mức giới hạn phơi nhiễm không do nghề nghiệp (đối với người dân sinh sống, làm việc lâu dài trong phạm vi của trạm BTS) đối với các tần số của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất, dẫn xuất dưới dạng mật độ công suất sóng phẳng tương đương là 2W/m2 (điểm 6.3, TCVN 3718-1:2005). Mức này thấp và nghiêm ngặt hơn so với quốc tế và các nước khác như Liên minh châu Âu, Nhật, Mỹ và Úc.

Từ các tính toán trên cơ sở TCVN quản lý an toàn bức xạ tần số radio và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại mặt đất công cộng cho thấy ngoài phạm vi 2-5 m theo phương nằm ngang, kể từ cột ăngten trạm BTS, thì mức độ phơi nhiễm điện từ trạm BTS đã giảm xuống dưới mức quy định an toàn bảo đảm sức khỏe người sinh sống xung quanh lâu dài, và các trạm BTS hiện nay đều đáp ứng được điều kiện này.

Trạm BTS không gây ảnh hưởng đến sức khỏe những người dân sống xung quanh
Nghệ An hiện có 3800 trạm BTS của 5 nhà mạng, chủ yếu nằm ở các khu dân cư.

Từ năm 1996, khi các mạng di động phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Uỷ ban quốc tế về phòng, chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) đã tổ chức nghiên cứu sâu, dài hạn và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này.

Cho đến hiện nay, các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với cuộc sống lâu dài của người dân tại khu vực xung quanh trạm BTS.

Các cơ quan y tế của các nước phát triển cũng đã có những nghiên cứu sâu về phơi nhiễm điện từ các trạm BTS và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là: Cơ quan Bảo vệ bức xạ của Úc công bố đánh giá khoa học quốc gia: “Chưa có bằng chứng thuyết phục sự phơi nhiễm trường điện từ do phổ vô tuyến mức công suất thấp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”.

Tương tự như vậy, Cơ quan an toàn sức khỏe môi trường của Cộng hòa Pháp kết luận: “Với sự quan tâm đối với bệnh ung thư xuất hiện, chúng tôi chấp nhận mức công suất thấp trong điện thoại di động và mức bức xạ không gây ảnh hưởng đến các mô sống, các thí nghiệm trên động vật phơi nhiễm thời gian dài trong trường sóng điện từ, không gây xuất hiện ung thư hoặc thúc đẩy ung thư phát triển”.

Quy trình xây dựng trạm BTS như thế nào?

Trên cơ sở Thông tư 10/2012/TT-BXD về hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 92/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 quy định cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó doanh nghiệp thông tin di động khi xây dựng, lắp đặt trạm BTS thì phải được phê duyệt chấp thuận vị trí của Sở Thông tin và Truyền thông, lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo quy định đối với tất cả các công trình xây dựng trạm BTS. Thẩm quyền cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp phép đối với cột có độ cao trên 35m, do UBND cấp huyện cấp đối với cột ăng ten có chiều cao dưới 35m.

Ủy ban truyền thông Hoa Kỳ kết luận: “Không có bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa các trạm thu phát gốc BTS với bệnh ung thư và các bệnh khác như đau đầu, choáng váng, hoa mắt hoặc mất trí nhớ”. Uỷ ban bảo vệ sức khỏe Canada khẳng định: “Cho đến nay không có bằng chứng vững chắc chứng tỏ các bức xạ điện từ từ điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến con người”.

Các cơ quan có thẩm quyền của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cùng kết luận: “Không có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do các hệ thống trạm thu, phát sóng di động, các máy cầm tay có công suất dưới mức do Uỷ ban Quốc tế về phòng, chống bức xạ phi ion hoá.

Tại Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, Trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định thì đủ điều kiện hoạt động, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống xung quanh.

Kết quả thanh tra chuyên ngành về chấp hành quy định kiểm định phơi nhiễm điện từ trạm BTS năm 2015 của Sở TT&TT cho thấy 90% tổng số trạm BTS đã được kiểm định (1682/1867), số còn lại là mới lắp đặt trong năm 2015 và đang được gia hạn kiểm định.

Với những quy định và cơ chế giám sát hiện nay, nếu các công ty viễn thông tuân thủ đúng quy trình, chúng ta có thể yên tâm về sự ảnh hưởng của sóng BTS với sức khỏe người dân.

Phan Mạnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Trạm BTS có gây hại đến sức khỏe con người ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO