Ngược lên huyện núi Con Cuông tuần đầu tháng 4, chúng tôi được nghe kể về cảnh khó của đồng bào Đan Lai vùng Bá Hạ. Những năm 2017 – 2018, từng ngược sông Giăng vào đại ngàn Pù Mát, đến những địa danh Cò Phạt, Pủng… tham gia tuyên truyền, vận động các hộ dân Đan Lai về nơi ở mới Bá Hạ, nên khi nghe chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Dành thời gian vào Bá Hạ khi bóng chiều đỏ ối sau những ngôi nhà sàn có hàng cột bê tông, bản vắng lặng, đìu hiu. Người Đan Lai đầu tiên chúng tôi gặp được là một phụ nữ đã luống tuổi. Hỏi chị họ tên là gì? Vẻ ngần ngại đến sợ sệt, người phụ nữ lí nhí đáp: Em tên Khương.
– Chị họ gì?
– Em không biết.
– Chị về đây lâu chưa?
– Lâu rồi.
– Lâu rồi là mấy năm?
– Không biết nữa… Nhiều tháng rồi.
– Cuộc sống ở đây thế nào, về nơi ở mới có thích không?
– Thích. Nhưng ở đây không có canh ăn…
Người thứ hai chúng tôi gặp cũng là một phụ nữ có tên là Bốn. Bốn cũng không biết về họ và tên lót của bản thân. Cao khoảng 1,3m, địu trong lòng một em bé và dắt theo một đứa trẻ, ban đầu ai cũng tưởng là 3 chị em. Nhưng Bốn cho biết, mình đã 23 tuổi, và hai đứa trẻ là con đẻ. Hỏi thăm về gia đình, Bốn trả lời chồng đang làm ăn trong Nam, mỗi tháng gửi về cho ba mẹ con 300 nghìn đồng để sinh sống. Về cuộc sống hiện tại, gia đình Bốn đang thiếu thốn trầm trọng. “Nhà em không còn gạo. Cũng đã hết lúa…” – Bốn nói.
Đến Bá Hạ, chúng tôi còn gặp thêm người đàn ông Đan Lai La Văn Tuấn. Khác với Khương và Bốn, anh La Văn Tuấn nhanh nhẹn, trả lời lưu loát các câu hỏi. Theo lời Tuấn kể, các hộ dân Đan Lai rời bản Pủng, Khe Khặng về Bá Hạ năm 2019. Tại đây, ai cũng có nhà để ở, nguồn nước cũng ổn định, nhưng ruộng quá ít. Anh nói: “Ruộng bà con làm đều quanh năm, không phun thuốc để còn hái cái rau. Nhưng ruộng ít. Bên xã nói cho 230 m2 đất ruộng, khoảng 400 m2 đất trồng ngô, nhưng thực tế rất ít. Đất đồi rừng thì cộng đồng thôn, bản quản lý chung, trước đây được nhận gạo hỗ trợ nhưng nay không còn…”. Rồi Tuấn kể, bản thân để đảm bảo cuộc sống cho gia đình nên đi làm tại một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Anh nói: “Ở đây cần người đàn ông khỏe. Nếu người bố khỏe thì nhà đủ ăn. Nếu người bố không khỏe thì nhà không đủ ăn…”.
Băn khoăn với diện tích đất ruộng được giao, gặng hỏi Tuấn, nếu chỉ sản xuất nông nghiệp thì có đảm bảo đủ gạo ăn? Tuấn trả lời: “Làm ruộng cho vui thôi chứ không đủ ăn. Như nhà em có 7 khẩu, với đám ruộng được giao, làm thì chỉ đủ ăn trong vòng một tháng…”.
Sau ít ngày, chúng tôi lại trở lại Bá Hạ. Cùng với cấp ủy, chính quyền xã Thạch Ngàn, Hạt Kiểm lâm Con Cuông chuyển đến bà con Đan Lai một số lương thực, thực phẩm thiết yếu, thì được nghe kỹ hơn về tình hình ở đây.
Vào năm 2006, xã Thạch Ngàn đón 42 hộ, 214 khẩu đồng bào Đan Lai từ xã Môn Sơn đến định cư tại bản Thạch Sơn. Đến năm 2019, có thêm 35 hộ, 129 khẩu đồng bào Đan Lai về định cư tại bản Bá Hạ. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu giúp đồng bào Đan Lai thoát khỏi đời sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí. Đến nơi ở mới, đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ nhà ở kiên cố; có các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt như điện lưới, đường giao thông, trường học, y tế, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, lương thực, thực phẩm… Cấp ủy, chính quyền xã Thạch Ngàn cũng đã phân công cán bộ có năng lực, thường xuyên bám địa bàn để giải quyết công việc; thực hiện kịp thời các chế độ an sinh xã hội theo Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ…
Tuy nhiên, đời sống kinh tế – xã hội nói chung của đồng bào Đan Lai vẫn hết sức khó khăn, đặc biệt là ở bản Bá Hạ. Ở xã Thạch Ngàn hiện có 90 hộ đồng bào Đan Lai, trong đó, 89 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Trình độ dân trí còn thấp, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang tồn tại; vẫn còn đó tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; một số học sinh còn bỏ học giữa chừng, hoặc đi học không đúng độ tuổi. Đáng nói, diện tích đất nông nghiệp ít, manh mún, trong khi đồng bào thiếu việc làm, chưa có kỹ năng sản xuất kinh tế nên luôn xảy ra tình trạng thiếu lương thực vào các dịp giáp hạt.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn, ông Nguyễn Đàm Minh, trước thực tế khó khăn của đồng bào Đan Lai, cấp ủy, chính quyền đã kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ; mặt khác, đã báo cáo lên cơ quan cấp trên, đề nghị nghiên cứu tìm giải pháp dài hơi, để người dân từng bước tự lập cuộc sống. Cụ thể, như tại báo cáo gửi lên cấp trên, đề nghị có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với đồng bào Đan Lai; thực hiện hỗ trợ đào tạo các ngành nghề phù hợp như chăn nuôi, trồng rừng, thú y, mộc, xây dựng… và các loại giống gia súc, gia cầm để bà con tổ chức chăn nuôi; hỗ trợ gạo cứu đói kịp thời vào các dịp giáp hạt…
Ở huyện Con Cuông, việc hoàn thành mục tiêu giúp đồng bào Đan Lai chủ động tạo lập cuộc sống mới, nâng cao trình độ dân trí là trăn trở của cấp ủy, chính quyền. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Đình Việt, huyện đã chỉ đạo các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xã Thạch Ngàn nắm tình hình; bên cạnh đó, đã báo cáo Huyện ủy. Ông Lương Đình Việt trao đổi: “Bí thư Huyện ủy khi nghe UBND huyện báo cáo đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác thực tế tại các bản Thạch Sơn, Bá Hạ. Mục đích là để nắm chắc tình hình, tìm đúng giải pháp giúp đỡ đồng bào Đan Lai nơi đây…”.
Thực tế nhiều năm chứng minh, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào Đan Lai từng bước thay đổi cuộc sống. Nhưng do những hạn chế khách quan, để đạt được mục tiêu này sẽ là một hành trình dài, có thể trải dài qua cả một thế hệ. Dù vậy, mục tiêu này là hết sức nhân văn, cần tiếp tục được đẩy mạnh, cho cả đồng bào Đan Lai Bá Hạ, Thạch Sơn, và cả trong các bản thuộc vùng lõi rừng Pù Mát!