Trăn trở giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em
(Baonghean.vn) - Sáng 6/8, diễn ra hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.
Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng tham dự có đại diện Sở LĐTB & XH, Đoàn ĐBQH; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga |
Mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Đa số những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số trên chỉ mới là “phần nổi” của tảng băng chìm.
Ở “phần nổi” này có 28 tỉnh, thành phố một trong hai năm 2016 hoặc năm 2017 có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại đã bị xử lý hình sự. Hai năm nay, tuy số vụ việc không tăng, nhưng tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Sở dĩ tình trạng này diễn biến phức tạp và có chiều hướng nghiêm trọng, theo các đại biểu tham dự hội nghị là do công tác thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, trong đó có bạo lực trẻ em, chưa được chú trọng nên chưa có tác động phòng ngừa, răn đe tích cực. Khi xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền mà tìm cách xử lý vụ việc.
Chương trình truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức ở trường học tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) năm 2017. Ảnh: Tư liệu |
Đa số vụ việc khi đã bị xóa hết dấu vết chứng cứ mới được trình báo; nạn nhân còn nhỏ tuổi, tâm lý sau khi bị bạo lực, xâm hại còn hoảng loạn nên công tác khai báo còn chưa chính xác; gia đình nạn nhân đa phần muốn tự thỏa thuận.
Một số giải pháp được đưa ra tại hội nghị xoay quanh việc làm tốt hơn công tác truyền thông; Các quy trình về xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cần được nghiên cứu lại và có những mức hình phạt cao hơn; việc trang bị kỹ năng cho trẻ và người giám hộ trẻ trong đó tính chất đặc thù về môi trường, vùng miền được chú trọng.
Việt Nam có hơn 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm. Ảnh minh họa. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông cho biết: Năm 2017, Nghệ An có 10 vụ liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 vụ, xu hướng có giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga |
Đồng chí khẳng định, sắp tới các cấp ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xây dựng mô hình cung cấp kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột.
Đồng thời đồng chí mong muốn các cấp bộ, ngành trung ương quan tâm nhiều hơn công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em; cần kết nối tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thuộc cấp tỉnh, huyện. Đồng thời hỗ trợ các sản phẩm truyền thông nhất là các sản phẩm về tiếng Mông, Thái, Khơ mú.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trước tình hình trẻ em đang có nguy cơ bị tổn thương và xâm hại nghiêm trọng ở nhiều môi trường, không gian, các cấp, ngành địa phương cần nghiên cứu lại quy trình trong chăm sóc bảo vệ trẻ em. Theo đó cần trăn trở xem tại sao vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên thực tế rất nhiều nhưng đưa ra ánh sáng lại ít.
Các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương đã thực sự hiểu và chú trọng về 25 quyền trẻ em được nêu tại công ước quốc tế hay chưa? Việc xâm hại, bạo lực trẻ em đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp đã thực sự là nỗi lo của các cấp, ngành hay chưa? Có rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng trên thực tế việc trẻ em bị tổn thương xâm hại đang có chiều hướng nghiêm trọng, điều này một lần nữa chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại, và có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.
Thủ tướng yêu cầu: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các bộ ngành cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về quyền trẻ em; phải bảo vệ trẻ em hằng ngày, hằng giờ bằng các hình thức phù hợp. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường, gia đình. Cần phải tiếp tục cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; nghiên cứu mô hình bảo vệ trẻ em cấp xã.
Việc xử lý vụ việc về xâm hại, bạo lực trẻ em cần phải được xử lý thân thiện, hiệu quả, tạo niềm tin cho chính gia đình người bị hại và quần chúng nhân dân.
Trong số 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn cả nước mỗi năm, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi các đối tượng khác là 12,6%.
Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1- 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.