Pháp luật

Trắng tay, lâm cảnh nợ nần vì tin lời bạn rủ 'lướt sóng' đất

Trần Vũ 05/08/2024 09:03

Quyết định rời gia đình, xa quê hương để xuất ngoại với mong muốn kinh tế ổn định, nhưng người đàn ông quê ở Nghệ An đã mất tất cả vì sập bẫy thủ đoạn đặt cọc đất và “lướt sóng”, khiến phải ôm nợ…

Thủ đoạn hùn tiền để “ôm đất”

Có mặt tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An từ khá sớm, anh Lê Minh C. (40 tuổi), trú xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu không nghĩ rằng cuộc đời mình phải lâm cảnh nợ nần vì tin đồng hương - Trần Văn Nam (40 tuổi, trú xã Quỳnh Hậu). Không chỉ sống cùng làng, hai người còn là bạn bè của nhau. Vì tin tưởng mà anh C. đã mất sạch khoản tiền tích góp sau nhiều năm lăn lộn làm thuê nơi xứ người. Chưa hết, anh còn phải ôm thêm cục nợ vì đã vay mượn tiền để đưa cho Nam.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2021, lúc đó anh C. đang làm việc tại Singapore. Thời điểm này, thị trường bất động sản trong nước bắt đầu “sốt”. Do đó, khi đọc được các bài Nam viết và đăng trên mạng xã hội về việc bán đất, rủ người đầu tư, anh C. đã hỏi thăm.

Thực chất, Trần Văn Nam không buôn đất mà do đầu tư tiền trên mạng bị thua lỗ dẫn đến nợ nần nên đối tượng này này sinh ý định lừa đảo. Thời điểm đó, do anh C. đang ở nước ngoài nên để tạo niềm tin, Nam đã dẫn vợ của anh C. đi xem một số thửa đất nhưng chị này không thích mảnh nào.

bat dong san
Bị cáo Trần Văn Nam lĩnh án 12 năm tù về tội lừa đảo. Ảnh: Trần Vũ

Sau đó, Nam gọi điện cho anh C. rủ cùng góp tiền cọc mua đất “lướt sóng” để kiếm lời. Tưởng thật nên người đàn ông đang làm việc ở nước ngoài đồng ý. Nam đưa ra thông tin gian dối về các thửa đất không có thật, giá bán và số tiền phải đặt cọc mua đất, gửi hình ảnh “giấy đặt cọc”. Do đang ở nước ngoài lại tin tưởng vào người bạn cùng xã nên nhiều lần anh C. chuyển tiền cho Nam.

Cụ thể, ngày 17/4/2021, Trần Văn Nam đưa ra thông tin với anh C. hiện đang có 1 thửa đất ở xã Quỳnh Hoa có diện tích 200m2, giá 1,2 tỷ đồng, tiền cọc mua đất 300 triệu đồng. Nam rủ anh C. mỗi người góp một nửa tiền cọc. Tin tưởng, anh C. đã nhờ người chuyển 160 triệu đồng tiền cọc mua đất cho Nam.

Tiếp đến ngày 22/4, Nam thông báo cho anh C. “tin vui” đã bán được thửa đất thứ nhất, tiền lãi mỗi người hưởng 40 triệu đồng và nói anh C. đầu tư thửa thứ hai với giá 1,7 tỷ đồng, tiền cọc 500 triệu đồng. Sau khi tính toán tiền cọc và lãi của thửa thứ nhất, Nam yêu cầu anh C. chỉ cần góp tiền cọc đất 20 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Nam tự viết “Giấy cọc tiền” và ghi đầy đủ các thông tin rồi chụp ảnh gửi cho anh C.

Thấy mọi việc suôn sẻ, ngày 24/4, Nam tiếp tục lừa anh C. mua thửa đất thứ 3 với giá 2,3 tỷ đồng, tiền cọc 1 tỷ đồng. Lần này, Nam yêu cầu anh C. đặt cọc 500 triệu đồng thì chủ mới giữ đất. Tin tưởng lời Nam, anh C. đã nhờ người chuyển 50 triệu đồng. Một ngày sau, Nam thông báo với anh C. đã bán được đất, tiền lãi 200 triệu đồng, mỗi người được 1 nửa. Tin tưởng việc Nam làm là hiệu quả, anh C. tiếp tục nhờ người chuyển vào tài khoản của Nam số tiền 120 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nam còn nói dối về việc bìa đất của nhà mình đang cầm cố để vay quỹ tín dụng, từ đó yêu cầu anh C. gửi tiền để rút bìa đỏ ra. Nam hứa hẹn sẽ cầm cố bìa đỏ vào ngân hàng để vay số tiền lớn hơn để cùng đầu tư đất với anh C. Tin tưởng lời Nam nói, anh C. đã nhiều lần chuyển cho Nam với tổng số tiền 175 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 4/2021 đến 2/2022, Trần Văn Nam đã lừa đảo, chiếm đoạt của anh C. hơn 520 triệu đồng.

Tay trắng vì tin lời kẻ lừa đảo

Quá trình sinh sống và làm việc ở nước ngoài, anh C. không hề biết mình bị lừa. Người đàn ông này chỉ biết mình “sập bẫy” kẻ lừa đảo khi về nước. Cụ thể, tháng 3/2022 sau khi về nước, anh C. nói Nam dẫn đi xem những lô đất đã mua và cọc. Tuy nhiên, Nam luôn lấy các lý do để trốn tránh. Qua tìm hiểu, anh C. biết mình bị lừa nên làm đơn tố cáo công an.

luot song dat
Anh C. cho hay đã mất trắng vì tin lời của bị cáo. Ảnh: Trần Vũ

Với hành vi trên, Trần Văn Nam bị bắt và truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Nam khai do đầu tư tiền trên mạng thua lỗ, nợ nần túng quẫn nên đã lừa đảo bị hại. Số tiền có được từ lừa đảo, bị cáo đã tiêu xài hết. Khi bị tòa xét hỏi về thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo trình bày đã tìm hiểu trên mạng xã hội rồi áp dụng.

Đến tham dự tòa với tư cách bị hại, anh C. buồn bã trình bày, vốn là bạn bè, lại cùng quê nên khi được Nam rủ góp vốn bị hại đã đồng ý. Nhưng không ngờ vì tin tưởng mà bị hại đã lâm vào cảnh nợ nần. “Toàn bộ số tiền tích góp trong thời gian đi xuất khẩu lao động của tôi đã mất trắng”, anh C. nói. Không những vậy, nhiều năm qua anh còn phải còng lưng trả nợ vì trước đó có vay tiền để đưa cho Nam đầu tư.

Tại phiên tòa, HĐXX đã xét hỏi về việc trả lại tiền đã chiếm đoạt cho bị hại thì Nam cho hay hiện không có tài sản gì. Ngôi nhà của bị cáo ở hiện đã bị bên thi hành án kê biên. Bị cáo trình bày hiện không còn khả năng trả nợ cho bị cáo và hẹn “ra tù sẽ kiếm tiền trả lại”.

Trước câu trả lời của bị cáo, bị hại thể hiện rõ sự chán nản. Anh trình bày hiện cuộc sống rất khó khăn chỉ vì hành vi lừa đảo của Nam. Do đó, bị hại đề nghị tòa xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã lợi dụng lòng tin của bị hại để chiếm đoạt tiền. Vì lòng tham, bị cáo đã bất chấp để lừa đảo nên cần xử lý nghiêm. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Trần Văn Nam 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và buộc phải trả lại tiền cho bị hại.

Phiên tòa kết thúc với bản án 12 năm tù dành cho bị cáo, tuy nhiên, lời nhắc nhở của HĐXX tới người dân là cần cảnh tỉnh trong việc quản lý tài sản. Bởi hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo, đầu tư làm ăn được các đối tượng xấu sử dụng nên người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh “sập bẫy”.

Mới nhất

x
Trắng tay, lâm cảnh nợ nần vì tin lời bạn rủ 'lướt sóng' đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO