"Trao quyền" chủ động cho cấp xã trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức
(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ở Nghệ An đối với cấp xã đang triển khai nhiều giải pháp.
Bất cập trong sắp xếp, bố trí
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, thông qua đường dây điện thoại trực tuyến, bà Nguyễn Thị Thuý, trú tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn phản ánh đến kỳ họp về chủ trương bố trí công chức văn hóa - xã hội đối với xã loại 2 và loại 3 chỉ có 1 người là chưa phù hợp, bởi khối lượng công việc ở hai mảng “văn hóa - thông tin” và “lao động - chính sách” nhiều, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
Đây cũng là ý kiến, tâm tư của một số công chức cấp xã mà chúng tôi (PV) ghi nhận được trong những chuyến về cơ sở. Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh - Công chức văn hóa - xã hội, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, khi đảm nhận cả hai lĩnh vực văn hóa xã hội và lao động, thương binh - xã hội, khối lượng công việc nhiều nên khá vất vả. Như trong thời điểm tháng 8 và 9 vừa qua, ngoài các công việc chuyên môn và trực “Bộ phận nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa” để tiếp nhận, hướng dẫn người dân các thủ tục liên quan chính sách người có công, bảo hiểm y tế, ma chay, hộ nghèo… vào các buổi sáng ngày làm việc, thì cùng một thời điểm phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, vừa tham mưu và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; vừa tham mưu chỉ đạo các trường học chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân…
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa |
Thừa nhận công việc mà công chức văn hóa - xã hội phải “gánh trên vai” khá nặng khi chỉ được bố trí số lượng 1 người ở xã loại 2 và loại 3, ông Nguyễn Đình Dương - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Lộc cho rằng: Một người đang phải phụ trách nhiều đầu việc, từ tham mưu quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao, gia đình – trẻ em, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm… Do hiện nay đã bỏ chức danh phụ trách đài truyền thanh nên nhiệm vụ này được nhiều xã giao cho công chức văn hóa xã hội, rồi còn được giao phụ trách công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Mảng văn hóa đã nhiều, còn “gánh” thêm mảng lao động, chính sách với các nhiệm vụ liên quan đến lao động - việc làm, xuất khẩu lao động, chế độ chính sách cho người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, bình đẳng giới…
Công chứcvăn hóa - xã hội chỉ có 1 người phụ trách mảng văn hóa đã nhiều, còn “gánh” thêm mảng lao động, chính sách nên khó đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cũng đề cập vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn cũng chia sẻ trong giai đoạn xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc chỉ đạo thực hiện các thiết chế văn hóa thì công chức văn hóa - xã hội cũng khá nặng.
Phụ nữ ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn đảm nhận việc trồng và chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Ảnh tư liệu: Mai Hoa |
Cùng với ý kiến về số lượng công chức cấp xã, một số địa phương cũng phản ánh trong bố trí chức danh công chức văn phòng - thống kê 2 người, trong đó 1 người làm văn phòng tổng hợp, người còn lại làm 2 nhiệm vụ văn phòng thống kê và văn phòng đảng ủy, chịu sự chi phối, điều hành, chỉ đạo bởi 2 đầu mối cấp uỷ và chính quyền chưa thật sự hợp lý. Hay đối với xã loại 2, loại 3, chức danh công chức tài chính - kế toán chỉ bố trí 1 người, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn, ngay việc rút tiền từ kho bạc cũng chỉ có kế toán có đăng ký chữ ký tại kho bạc mới rút được, cho nên nếu có ốm đau hay công chức là phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản 6 tháng thì rất “bế” cho địa phương.
Hiện nay, các địa phương đều nhận thức rõ, số lượng cán bộ, công chức đã được quy định “cứng” tại Nghị định số 34 của Chính phủ, ban hành ngày 24/4/2019: xã loại 1 tổng số tối đa 23 người; xã loại 2 là 21 người; xã loại 3 là 19 người. Trong trường hợp xã đã bố trí công an chính quy thì giảm 1 người, tương ứng còn 22 - 20 và 18 người.
Trên cơ sở tổng số người làm việc theo Nghị định số 34 và quy định 12 chức danh cán bộ chuyên trách, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 80, ngày 28/12/2021 ban hành quy định số lượng, cơ cấu chức danh công chức cấp xã gắn với quy định chuyên ngành đào tạo được dự tuyển vào các vị trí chức danh công chức cấp xã.
Cụ thể, số lượng công chức đối với xã, thị trấn loại 1 là 10 người (phường loại 1 là 11); xã, thị trấn loại 2 được bố trí 8 người (phường là 9 người); xã, thị trấn loại 3 là 7 người (phường là 8 người).
Biểu đồ số lượng, cơ cấu chức danh công chức cấp xã theo Quyết định số 80, ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh. Đồ họa: H.Q |
Từ tổng số công chức đó được bố trí theo cơ cấu: các chức danh chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã, tư pháp - hộ tịch được bố trí 1 người và văn phòng – thống kê được bố trí 2 người đối với tất cả các xã. Còn địa chính – nông nghiệp - xây dựng – môi trường được bố trí 2 người đối với xã loại 1, loại 2 và bố trí 1 người ở xã loại 3. Tài chính - kế toán bố trí 2 người ở xã loại 1 và 1 người ở xã loại 2, loại 3. Văn hóa - Xã hội được bố trí 2 người đối với xã loại 1 và xã loại 2, loại 3 bố trí 1 người.
Nghị định số 34 của Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã tối đa 23 người đối với với xã loại 1; 21 người đối với xã loại 2; 19 người đối với xã loại 3. Trong trường hợp xã đã bố trí công an chính quy thì giảm 1 người, tương ứng còn 22 - 20 và 18 người.
"Trao quyền" chủ động cho cơ sở
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành công việc, một số địa phương đề xuất Trung ương và tỉnh, trên cơ sở số lượng, cơ cấu chức danh cán bộ, công chức cần tạo sự chủ động cho cơ sở trong việc sắp xếp, bố trí theo yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ của địa phương. Như theo quy định được bố trí 2 công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường, tuy nhiên thực tế có những địa phương, khối lượng công việc đối với công chức này ít hơn với các chức danh công chức khác như văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch; trong trường hợp này có thể trao quyền cho cơ sở tự bố trí, sắp xếp để đảm bảo việc điều hành có hiệu lực, hiệu quả.
Công chức văn hóa - xã hội xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong trao đổi công việc. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng với công chức, hiện nay, theo quy định xã loại 2 được bầu 2 phó chủ tịch UBND, song theo ý kiến một số địa phương, đối với chức danh này không cần phải 2 người và thực tế hiện nay có nhiều địa phương vẫn chưa bầu đủ 2 phó chủ tịch UBND xã; vì vậy nên điều chuyển chức danh này sang để tăng thêm công chức làm việc cho các xã.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Nghĩa Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn, Quyết định số 80 của UBND tỉnh ban hành đã dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và xin ý kiến tử cơ sở, nên số lượng, cơ cấu chức danh công chức cấp xã được tỉnh quy định là phù hợp. Quan trọng là việc quản lý, phân công công tác cho công chức cũng như giám sát việc thực thi công vụ của công chức cấp xã nghiêm túc, chặt chẽ, tin tưởng hiệu lực, hiệu quả công tác của công chức sẽ được nâng lên.
Các địa phương phải chủ động rà soát, tổng hợp và có văn bản gửi Sở Nội vụ có cơ sở tham mưu đề xuất với tỉnh kiến nghị với Trung ương cho phép cơ sở được điều chuyển giữa các chức danh công chức và chuyển 1 phó chủ tịch UBND xã đối với xã được bố trí 2 người để tăng số lượng công chức".
Ông Lang Văn Quế - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ cho biết: Liên quan đến việc bố trí số lượng, cơ cấu công chức cấp xã ở một số chức danh được cơ sở phản ánh thời gian qua, Sở đã tiếp nhận và đã có trả lời cụ thể.
Liên quan đến việc điều chuyển công chức và chuyển 1 phó chủ tịch đối với xã quy định có 2 phó chủ tịch để tăng thêm số lượng công chức làm việc, thì các địa phương phải có rà soát, tổng hợp có văn bản gửi Sở Nội vụ có cơ sở tham mưu đề xuất với tỉnh kiến nghị với Trung ương trên cơ sở không làm thay đổi tổng số cán bộ, công chức theo quy định.
Đoàn công tác huyện Thanh Chương giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức tại xã Thanh Phong. Ảnh: Mai Hoa |
Ngoài vấn đề nêu trên, theo ông Lang Văn Quế, hiện toàn tỉnh đang còn dôi dư 176 công chức cấp xã, vì vậy vấn đề đặt ra cho các địa phương là tập trung sắp xếp, tinh giản biên chế để đưa số lượng cán bộ, công chức về đúng quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ, đảm bảo ổn định bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với xã sáp nhập và không sáp nhập.