Tri ân bao quản gian nan
(Baonghean) - Tháng Bảy - tháng tưởng nhớ và tri ân, chúng tôi ngược Quốc lộ 7A, vượt nắng gió về miền quê trung du Anh Sơn, nơi có Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào. Trời chan nắng xuống miền đất ví như “chảo lửa” miền Trung ngày hạ này khiến hành trình của những thân nhân đến từ khắp các vùng miền như dài ra.
Ấy nhưng, khi dừng chân nơi thị trấn nhỏ, bước chân vào khuôn viên nghĩa trang, những mỏi mệt đường xa tan biến, thay vào đó là cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản. Phía trước nghĩa trang, một không gian tĩnh lặng với những hàng cây xanh tươi, lũy tre uốn mình trong gió, rặng thông vi vút hòa tấu tiếng đàn chim chuyền cành ríu rít. Cái nóng bức mùa Hè phần nào được xua tan.
Ngoài kia, nơi những khu mộ ngay hàng, thẳng lối, những nhân viên của Ban quản lý (BQL) nghĩa trang vẫn mải miết với công việc của mình. Người quét nhóm những chiếc lá vừa rụng xuống, người tỉ mẩn gỡ những khóm cỏ vừa bám vào mộ, người sửa lại bát hương, tất cả đều phơi tấm lưng giữa cái nắng bỏng rát.
Quang cảnh Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Ảnh: Quang Dũng |
Đang làm việc trong khu mộ, thấy có thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng, anh Nguyễn Sỹ Sáu - nhân viên quản lý danh sách và phần mộ liệt sỹ lại gần thăm hỏi và nhiệt tình hướng dẫn. Khi được hỏi về công việc hàng ngày, anh Sáu chia sẻ: “Về danh nghĩa, ở đây mỗi người được phân công một nhiệm vụ, nhưng thực tế một người phải đảm trách nhiều việc. Còn việc chăm sóc, hương khói cho gần 11.000 phần mộ trong khuôn viên là công việc chung hàng ngày của các nhân viên, bất kể trời mưa hay nắng...”.
Viếng mộ người thân xong cũng vừa lúc xế chiều, chúng tôi đến gần những nhân viên quản lý nghĩa trang để có dịp được chuyện trò với những người làm công việc lặng thầm nhưng rất đỗi ý nghĩa này. Ngoài anh Nguyễn Sỹ Sáu (SN 1973) còn có 5 nhân viên khác cũng đang miệt mài với công việc, dù đã hết giờ hành chính.
Người có thâm niên làm việc lâu nhất là chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1977), tính đến nay đã được 18 năm. Tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, đúng lúc BQL Nghĩa trang Việt – Lào tuyển nhân viên, chị Hiền nộp hồ sơ và trúng tuyển. Ban đầu, chị Hiền và gia đình không khỏi ái ngại và lo lắng. Bởi một cô gái vừa bước qua tuổi 20, nhận nhiệm vụ chăm sóc gần 11.000 phần mộ liệt sỹ, hàng ngày làm việc ở chốn linh thiêng nên sự lo lắng ấy cũng là lẽ thường tình. Vì thế, ý định của chị là sẽ làm tạm một thời gian, chờ liên hệ được công việc khác sẽ xin chuyển. Nhưng rồi, lâu dần, nỗi lo lắng ban đầu không “nhạt” đi, chị cảm thấy ngày càng gắn bó với nghĩa trang này.
Hàng ngày, công việc của chị là tiếp đón thân nhân liệt sỹ, khách thăm viếng nghĩa trang và quét dọn vệ sinh các khu mộ. Trời nắng to trùm kín đầu, đeo khẩu trang, khoác áo chống nắng; trời mưa đội nón, khoác áo mưa, cùng các đồng nghiệp tổ chức vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang gần 7 ha.
Nhân viên BQL Nghĩa trang Việt - Lào quét dọn và nhổ cỏ quanh các phần mộ liệt sỹ. Ảnh: Công Kiên |
Chừng ấy năm gắn bó với nơi đây, chị Nguyễn Thị Thu Hiền có biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng chị không bao giờ quên một lần, có hai thân nhân liệt sỹ từ huyện Thanh Chương lên, đi chung một chiếc xe đạp, giữa đường bị thủng săm nên lên đến nghĩa trang đúng lúc trời vừa tối, lại đúng ngày mưa gió. Đói và lạnh, lại không còn tiền, bác Nguyễn Xuân Uy (Trưởng BQL lúc ấy) và chị đã dành bữa cơm tối cho hai thân nhân liệt sỹ ấy. Ăn tối xong, hai người xin được ngủ nhờ tại BQL, chị Hiền lại dọn dẹp phòng khách, về nhà lấy chăn, màn đem sang...
Anh Nguyễn Sỹ Sáu cũng là một trong những người có thâm niên làm việc ở Nghĩa trang Việt - Lào. Năm 2004, đang làm công nhân giao thông, anh xin chuyển công tác về đây và được giao nhiệm vụ quản lý danh sách, phần mộ liệt sỹ. Hơn 13 năm làm việc, anh Sáu thông thuộc từng lối mộ, nắm rõ từng vị trí, số hiệu của từng phần mộ và nhớ được mộ chí của khoảng 3.000 liệt sỹ có đầy đủ thông tin; 500 liệt sỹ thiếu thông tin về quê quán, đơn vị và tên tuổi (biết tên nhưng không biết quê, hoặc biết quê nhưng chưa biết tên).
Bên cạnh đó, cũng như các nhân viên khác, hàng ngày anh Sáu còn tham gia đón tiếp thân nhân và vệ sinh khuôn viên, chăm sóc các phần mộ. Có một điều đặc biệt, trong số gần 11.000 liệt sỹ đang yên nghỉ ở đây, có người anh trai của anh Nguyễn Sỹ Sáu hy sinh ở chiến trường Lào. Đó cũng là thêm nguồn động lực, sự níu gọi để anh gắn bó với chốn linh thiêng này.
Ngày rằm và lễ, tết, các khu mộ liệt sỹ được chăm sóc hương khói và hoa tươi. Ảnh: Công Kiên |
Thêm nữa, gia đình anh Sáu hiện ở Đô Lương, mỗi tháng anh chỉ về thăm nhà được 5 - 6 ngày, thời gian còn lại anh dành cho công việc ở nghĩa trang. Vợ anh thường đùa rằng chồng mình dành phần lớn thời gian chăm sóc cho người âm, chỉ dành một phần rất ít cho gia đình, vợ con. Những lúc như thế, anh chỉ biết cười nói rằng: “Các anh hùng, liệt sỹ đã chẳng tiếc máu xương và sự sống, công việc của mình chỉ là hạt cát giữa biển khơi!”.
Quản lý danh sách và phần mộ liệt sỹ, để mỗi khi có thân nhân tìm đến xin cất bốc hài cốt về quê, hoặc chuyển từ nơi khác về Nghĩa trang Việt - Lào, anh Sáu là người chịu trách nhiệm về các thủ tục và công việc liên quan. Thân nhân đến liên hệ ít khi báo trước, việc cất bốc phần mộ lại thường diễn ra lúc đêm khuya, anh luôn phải có mặt và hỗ trợ trong mọi việc. Thậm chí, có những lần vào ngày nghỉ, vừa chạy xe 50 cây số về nhà, mới ăn cơm tối, chưa kịp nghỉ ngơi đã có điện báo có thân nhân đến xin chuyển hài cốt liệt sỹ về quê. Dù giữa đêm tối và trời đang đổ mưa, anh Sáu vẫn phóng xe ngược lên làm nhiệm vụ. Và, tuần ấy xem như không có ngày nghỉ, chỉ gặp vợ con không đầy 1 giờ đồng hồ. Công việc là vậy, nhưng anh Sáu luôn tâm niệm một điều: phải làm hết trách nhiệm với những người đã ngã xuống...
Trong số 6 nhân viên, Nguyễn Thị Ngân (SN 1985) là người có tuổi đời và tuổi nghề ít nhất. Ngân nhận công việc từ năm 2009, nhiệm vụ chính là thuyết minh, giới thiệu những thông tin liên quan về nghĩa trang cho các đoàn khách về thăm viếng. Bao nhiêu người đã rơi nước mắt khi về đây, họ khóc vì chứng kiến bạt ngàn những ngôi mộ, vì giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và lay động con tim. Ít ai biết rằng, hoàn cảnh gia đình của Ngân rất đỗi vất vả khi vợ chồng mỗi người một nơi. Chồng là giáo viên, nhà ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, cách thị trấn Anh Sơn khoảng 40 cây số. Ngân và con đang phải ở tạm nhà bố mẹ đẻ ở xã Tường Sơn (Anh Sơn), cách chỗ làm hơn 10 cây số, mỗi tháng gia đình nhỏ của cô chỉ đoàn tụ được một vài lần. Vì công việc, với sự cảm thông và chia sẻ, chồng Ngân luôn động viên cô khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Hoàng Danh Trung - Trưởng BQL Nghĩa trang Việt - Lào cho biết: “Ban quản lý gồm 2 lãnh đạo và 6 nhân viên, chừng ấy con người quản lý và chăm sóc gần 11.000 phần mộ với diện tích 7 ha thực sự là quá sức, công việc lại rất thầm lặng, không mấy ai biết đến. Trong khi thu nhập hàng tháng chỉ ở mức 3 - 4 triệu đồng, cuộc sống còn khó khăn, nhưng tất cả đều gắn bó với công việc, luôn tâm niệm một điều là góp phần cùng xã hội tri ân, đáp nghĩa những người ngã xuống vì độc lập, tự do”.
Công Kiên
TIN LIÊN QUAN |
---|