Triển vọng ứng dụng tế bào gốc trong điều trị xơ gan?
Ở giai đoạn xơ gan, bệnh gan được cho là không thể hồi phục và phương pháp tối ưu nhất là ghép gan nguyên vị trí.
Ở giai đoạn xơ gan, bệnh gan được cho là không thể hồi phục và phương pháp tối ưu nhất là ghép gan nguyên vị trí. Tuy nhiên, sự thiếu hụt gan lành để ghép ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân chính giới hạn ưu thế của phương pháp này, đòi hỏi những chiến lược điều trị mới, trong đó tế bào gốc là một phương pháp khả quan.
Các loại tế bào gốc thường được sử dụng
Tế bào gốc tuỷ xương tự thân
Nghiên cứu sử dụng ghép tế bào gốc tự thân từ tuỷ xương (autologous bone marrow cell infusion- ABMi) được ứng dụng từ năm 2003. Khoảng 400ml tế bào tuỷ xương tự thân được thu thập sử dụng gây mê toàn thân, sau đó cô đặc và rửa trôi để thu được tế bào tuỷ xương, tinh lọc lấy tế bào đơn nhân trong hỗn dịch tế bào, sau đó truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch ngoại vi trên cùng một bệnh nhân. Kết quả cho thấy có sự cải thiện rất đáng kể về nồng độ albumin huyết thanh, protein toàn phần và điểm Child-Pugh sau 6 tháng điều trị.
Một nghiên cứu khác sử dụng tế bào gốc tuỷ xương bởi Lyra (Brazil) và cộng sự cho thấy việc sử dụng liệu pháp ABMi qua đường động mạch gan có tác dụng hơn so với qua đường tĩnh mạch ngoại vi ở bệnh nhân chờ ghép gan.
Quy trình ghép tế bào gốc tủy xương tự thân điều trị xơ gan. |
Tế bào tuỷ xương tự thân được nuôi cấy
Tế bào tuỷ xương có 2 loại tế bào gốc chính: tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô. Các nghiên cứu cơ bản trước đây đã chứng minh hiệu quả của những tế bào này trong điều trị bệnh gan tiến triển ở động vật thực nghiệm. Sau khi tế bào gốc được tách, nuôi cấy và cấy ghép trở lại vật chủ, chúng có tác dụng tái sinh tế bào gan, cải thiện chức năng gan. Nếu việc nuôi cấy và áp dụng trong điều trị thành công thì việc sử dụng các loại tế bào trên sẽ được áp dụng rộng mở hơn và không cần thiết phải lấy dịch tuỷ xương, không cần phải thực hiện dưới gây mê nữa.
Vai trò tế bào CD34+ trong điều trị xơ gan
Các năm sau, nhiều nghiên cứu tiếp tục thực hiện nhằm chứng minh vai trò và tiềm năng ứng dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị xơ gan hoặc bệnh gan mạn tính. Năm 2011, Li Nan (Trung Quốc) và cộng sự báo cáo kết quả lâm sàng nghiên cứu ghép tế bào gốc tự thân CD34+ trong điều trị các bệnh nhân suy gan do viêm gan. 27 bệnh nhân Child-C tham gia vào nghiên cứu trong đó có 22 bệnh nhân nhiễm HBV và 5 bệnh nhân nhiễm HCV. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các bệnh nhân cải thiện chức năng gan sau một tuần điều trị. Sự hồi phục có ý nghĩa nhất đạt được sau 3 tháng ghép tế bào gốc khi bilirubin toàn phần và nồng độ albumin ở mức cao nhất. Nhìn chung, kết quả lâm sàng được cải thiện ở hầu hết các bệnh nhân, hết vàng da và mức độ cổ chướng giảm.
Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản báo cáo kết quả điều trị 10 bệnh nhân xơ gan mất bù bằng tế bào gốc CD34+. Sau 24 tuần điều trị, nồng độ albumin huyết thanh tăng lên có ý nghĩa ở nhóm được điều trị bằng tế bào gốc CD34+ với liều trung bình và liều cao. Nhóm nghiên cứu kết luận phác đồ điều trị bằng các tế bào CD34+ khả thi, an toàn và hiệu quả trong việc làm chậm lại sự suy giảm chức năng hồi phục của gan.
Các nghiên cứu về tế bào gốc tại Việt Nam
Sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh đã được áp dụng khá sớm ở nước ta từ năm 1995 và chủ yếu ứng dụng trong điều trị các bệnh của máu và cơ quan tạo máu (ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự thân), một số bệnh ác tính (tế bào gốc ngoại vi tự thân điều trị bệnh non-hodgkin), tế bào gốc CD34+ được tách từ xương chậu trong điều trị thoái hóa khớp và đạt được những kết quả khả quan.
Như vậy, các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đều cho thấy việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh nói chung và bệnh gan mạn tính nói riêng có rất nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, loại tế bào sử dụng, đường sử dụng, quy trình tinh lọc và bảo quản/ nuôi cấy tế bào gốc trước khi ghép để đạt được hiệu quả cao nhất vẫn còn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Theo Sức khỏe và đời sống
TIN LIÊN QUAN |
---|