Sau nhiều lần nỗ lực tìm kiếm thông tin, liên hệ với nhiều cán bộ Nông trường Đông Hiếu qua các thời kỳ, cuối cùng tôi cũng tìm gặp được kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, người có công lớn trong việc phục dựng ngôi nhà khách của Nông trường Đông Hiếu, nơi Bác Hồ đã từng nghỉ trưa trước đây.
Giờ đây, ngôi nhà này đã trở thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại thị xã Thái Hòa, nằm trong khuôn viên UBND xã Đông Hiếu. Dù không còn được sử dụng như chức năng nhà khách trước đây, nhưng nét độc đáo về kiến trúc của nó là một dấu ấn khó phai mờ, lưu dấu cả một giai đoạn thăng trầm của vùng đất Phủ Quỳ từ khi còn là các đồn điền cà phê thời Pháp thuộc, rồi sau đó là hệ thống nông trường quốc doanh trong phong trào xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Ông Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1950, là công dân thế hệ thứ 2 của vùng đất đỏ bazan này. Trước đó, bố mẹ ông cũng từ miền xuôi lên vùng đất này làm công nhân đồn điền cà phê, sau này trở thành những công nhân đầu tiên của Nông trường Đông Hiếu. Vì vậy mà không ngạc nhiên khi tuổi thanh xuân của ông được chứng kiến giai đoạn sôi nổi của vùng đất màu mỡ bậc nhất Đông Dương này.
Năm 1969, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Hùng thi đậu vào khoa Công trình xây dựng của Trường Đại học Thủy Lợi. Vừa mới chân ướt chân ráo vào trường thì cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Lúc này, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác, ông Hùng “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ. Trong giai đoạn từ năm 1969 đến 1972, ông theo đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Nam Lào, sau đó vòng xuống tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Từ năm 1973 đến năm 1974 ông lại tham gia bảo vệ tuyến đường Trường Sơn trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ và tay sai. Trong thời khắc lịch sử mùa Xuân 1975, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng ngã ba Đông Dương, qua Kon Tum, xuống Pleiku, Buôn Ma Thuột, đến sông Bé và vào giải phóng Sài Gòn. Sau đó chốt chặn ở sân bay Biên Hòa cho đến tháng 10/1975 mới quay trở lại trường tiếp tục theo học.
Nói về nhà khách của Nông trường Đông Hiếu, ông Hùng nhớ lại: Từ khi ông lớn lên đã thấy có nhà khách này rồi, có thể nó được người Pháp xây dựng trước đây, khi tiến hành bao chiếm đất xây dựng các đồn điền. Bởi kể từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914), trong đó chú trọng khai phá, lập nhiều đồn điền trên khắp Đông Dương. Năm 1913, hai tên tư bản Pháp là Vonte và Muttong đã lập ra những đồn điền đầu tiên ở khu vực phía Đông sông Hiếu, các đồn điền này là tiền thân của Nông trường Đông Hiếu sau này.
“Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, các chủ đồn điền người Pháp hay là người Việt thân Pháp lần lượt bỏ chạy, các đồn điền về tay chính quyền cách mạng, được gọi chung là Ban tổng quản đồn điền. Các tài sản mà các chủ đồn điền cũ để lại, từ nhà cửa, xưởng sản xuất, hệ thống cây trồng đều được sử dụng, phục vụ cho công cuộc xây dựng các nông trường Quốc doanh sau này. Vì thế, có thể nhận định nhà khách của Nông trường Đông Hiếu được xây dựng từ thời các chủ đồn điền người Pháp, sau này được cải tạo, sử dụng cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của nông trường” – ông Hùng chia sẻ.
Ngày 10/12/1961, trong lần thứ 2 Bác Hồ về thăm quê hương, Nông trường Đông Hiếu, đã vinh dự được Người đến thăm. Vào thời điểm bấy giờ, Nông trường Đông Hiếu là một trong những “lá cờ đầu” trong sản xuất nông nghiệp của khối các nông trường Quốc doanh miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mặc dù thời gian về thăm Nghệ An chỉ có 3 ngày, công việc rất bận rộn nhưng Bác vẫn dành thời gian về thăm nông trường.
Vào lúc 8 giờ 30 phút, máy bay trực thăng chở Bác đáp xuống “sân bay”. Nói là “sân bay” nhưng thực chất là một khoảng đồi thuộc thôn Đông Hồng (nay là Trường Tiểu học Đông Hiếu), được cán bộ, công nhân nông trường san phẳng để đón Bác. Từ nơi máy bay hạ cánh, Bác đi thẳng đến sân vận động thuộc thôn Đông Mỹ, nơi hàng nghìn cán bộ, công nhân các nông trường, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đang tập trung đón chờ. Tại đây Bác đã ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện đắc lực cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau cuộc mít tinh, Bác về nghỉ và ăn cơm trưa tại nhà khách của Nông trường Đông Hiếu. Buổi chiều, Bác đi thăm đội cà phê 119 và thăm đội chăn nuôi số 1, là các đội sản xuất, chăn nuôi giỏi của nông trường. Sau đó, Bác quay lại nhà nghỉ và đến 15giờ 30 phút, Bác lên máy bay ra Thủ đô Hà Nội. Chuyến thăm Nông trường Đông Hiếu của Bác chỉ vẻn vẹn 7 giờ đồng hồ nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp không bao giờ phai trong lòng cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu và các tầng lớp nhân dân huyện Nghĩa Đàn.
Sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu lúc bấy giờ có ảnh hưởng rất lớn đối với Nông trường Đông Hiếu nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung. Bởi điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với mô hình kinh tế quốc doanh tại nông trường Đông Hiếu. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của cán bộ, công nhân nông trường nhưng đồng thời cũng là hành động động viên, khích lệ để không những cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu mà cả cán bộ, công nhân các công trường khác, nông dân huyện Nghĩa Đàn cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Trở lại câu chuyện phục dựng và bảo vệ nhà khách Nông trường Đông Hiếu kể từ sau ngày Bác Hồ về thăm. Ông Hùng còn nhớ, năm 1983 sau một thời gian ra trường và công tác tại Bến Tre, ông về nhận nhiệm vụ tại Nông trường Đông Hiếu. Thời điểm này nhà khách của nông trường đã bị xuống cấp, nhiều ý kiến cho rằng, nên phá bỏ để xây dựng lại nhà khách khác. Tuy nhiên, với sự hiểu biết của một kỹ sư xây dựng và sự am tường về những giá trị lịch sử văn hóa của công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Đặc biệt ngôi nhà này còn là nơi lưu dấu chân Bác Hồ, vì thế ông Hùng đã đề xuất với lãnh đạo nông trường cho phép phục dựng lại theo đúng nguyên trạng kiến trúc, kích thước từ ngôi nhà cũ.
“Ngày đó Nông trường Đông Hiếu là đơn vị trực thuộc Bộ Nông lâm nên sau khi lãnh đạo nông trường cho chủ trương, tôi đã phải lặn lội ôm bản vẽ và các hồ sơ liên quan ra Hà Nội để Bộ ký duyệt hồ sơ và các thủ tục pháp lý liên quan. Việc phục dựng được thực hiện theo nguyên trạng, mà không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc ban đầu. Sau khoảng 5 tháng thì việc phục dựng cũng đã hoàn tất. Trong đó, nhà gồm 3 gian, nguyên xưa gian giữa được sử dụng làm nơi tiếp khách, gian hai bên là phòng nghỉ, có diện tích hơn 200m2, trên mái lợp ngói tây” – ông Hùng kể lại.
Ngôi nhà này tuy nhỏ nhưng lại mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp với màu vàng nổi bật cùng hàng hiên rộng 1,2m phía trước và bao quanh hai đầu hồi. Phía trước nhà là dãy cột dù không có cốt sắt, được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, nhưng rất chắc chắn, chịu lực cho toàn bộ không gian ngôi nhà. Cột có phần đế và phần bệ đỡ. Nối với hệ thống cột trụ là lan can cao 0,4m, được cách điệu bằng hình thức con tiễn đan xen hình hoa thị. Bên ngoài ngôi nhà này được chăm chút tỉ mỉ. Từ mặt tiền, ngoại thất thể hiện sự tinh tế và cẩn trọng. Ngay dưới mái là hệ thống đường diềm hoa văn cách điệu bằng chất liệu xi măng làm tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà mà vẫn đảm bảo độ thông thoáng. Việc sử dụng phào chỉ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, kết hợp với gạch xuyên hoa, tạo nên nét đặc trưng cho kiến trúc tổng thể.
Kể từ khi được phục dựng lại từ 40 năm trước, ngôi nhà này chưa hề phải sửa chữa nhiều, thỉnh thoảng chỉ phải đảo ngói và quét vôi ve lại các bức tường. Hiện tại, trong ngôi nhà này đang lưu giữ những hiện vật có giá trị như: Chiếc giường Bác nằm, bát đũa Bác ăn, quần áo Bác mặc, những bức ảnh cảm động nơi Bác đến thăm…
Trân quý những giá trị của ngôi nhà này, năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho Di tích nhà khách Nông trường Đông Hiếu. Đến ngày 23/12/2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với các địa điểm lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu. Trong đó có nhà khách của nông trường.
Rời vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ, tôi cứ mãi ấn tượng với ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ, vốn là nhà khách của Nông trường Đông Hiếu trước đây. Dưới bóng mát của cây hoa sữa cổ thụ, bức tường vàng cùng mái ngói rêu phong của ngôi nhà càng làm tôn lên vẻ cổ kính, trầm mặc. Đây có lẽ là công trình duy nhất trên thị xã Thái Hòa còn lưu giữ được những đường nét kiến trúc Pháp. Thầm nghĩ, nếu không có những người như ông Hùng hay những cán bộ lãnh đạo nông trường trước đây thì chắc gì đã còn lại ngôi nhà này để cho các thế hệ đi sau biết được rằng, khu vực Đông Hiếu từng sôi động đến thế nào…