Triệu Lạc Tế: 'Bàn tay sắt' chống tham nhũng mới của Trung Quốc
Triệu Lạc Tế sẽ là người kế thừa và tiếp tục chiến dịch truy quét tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
» Chân dung 7 lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc
Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hôm nay ra mắt 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19, gồm ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Hàn Chính và Triệu Lạc Tế.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn ông Triệu Lạc Tế, 60 tuổi, được chọn làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng của CPC.
Cái tên Triệu Lạc Tế lập tức gây chú ý bởi giờ đây, ông sẽ trở thành "bàn tay sắt" truy quét tham nhũng mới ở Trung Quốc, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chú trọng mục tiêu làm trong sạch bộ máy chính quyền trong tham vọng "mở ra kỷ nguyên mới" cho quốc gia, như lời ông khẳng định tại lễ khai mạc Đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước.
Từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương CPC, ông Triệu được đánh giá là gương mặt xứng đáng để thay thế ông Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm CCDI, người được coi là "cánh tay phải" của ông Tập trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi".
Dưới "bàn tay sắt" của Vương Kỳ Sơn, CCDI đã điều tra, kỷ luật và chuyển hồ sơ truy tố hàng trăm nghìn đảng viên, quan chức tham nhũng, trong đó có những "hổ lớn" như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai... Tuy nhiên, ông Vương năm nay đã 69 tuổi, không còn đủ điều kiện để tiếp tục đảm nhiệm vị trí theo quy tắc bất thành văn của CPC.
Sinh năm 1957, Triệu Lạc Tế là thành viên trẻ nhất trong 7 ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông lớn lên ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc, nhưng bố mẹ ông là người gốc Thiểm Tây, cùng quê với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Triệu tốt nghiệp khoa Triết, đại học Bắc Kinh, từng dạy học ba năm ở trường Thương mại Thanh Hải. Năm 1993, ông đảm nhận chức vụ phó thị trưởng kiêm bí thư thành phố Tây Ninh.
7 năm sau, ở tuổi 42, ông trở thành tỉnh trưởng Thanh Hải và là lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhiệm kỳ của ông tại Thanh Hải được đánh dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở tỉnh này, GDP tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2007.
Năm 2007, Triệu Lạc Tế được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, nơi người dân vẫn gọi ông là "bí thư nhân dân" vì những chuyến thăm thường xuyên tới các khu vực nghèo khó.
Năm 2008, Thiểm Tây đạt mức tăng trưởng GDP 15%, trở thành một trong hai đơn vị cấp tỉnh khi đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trên 13%.
7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 ngày 25/10 ra mắt truyền thông trong nước và quốc tế. Ảnh: AP. |
Trong Đại hội đảng lần thứ 18 năm 2012, ông Triệu được chọn làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách việc bổ nhiệm nhân sự đảng và biên soạn các báo cáo chi tiết về những lãnh đạo tiềm năng của đảng, dù ông lúc đó không phải gương mặt nổi bật trong bộ máy đảng.
Theo Nikkei Asian Review, Triệu trở thành cố vấn thân cận cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong quá trình ông xây dựng nền tảng bộ máy ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Khi cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị cách chức và điều tra tham nhũng hồi tháng 7, chính ông Triệu đã tới thành phố này, giải thích tình hình cho các quan chức địa phương.
Trên cương vị mới là người đứng đầu CCDI, ông Triệu sẽ phải "dồn nỗ lực để giải quyết vấn nạn tham nhũng" trong xã hội, như tuyên bố của Chủ tịch Tập tại lễ bế mạc Đại hội đảng hôm 24/10, theo Straits Times.
Nỗ lực này bao gồm việc thiết lập một hệ thống kiểm tra kỷ luật cho các đảng ủy cấp quận và thành phố, thông qua một bộ luật phòng chống tham nhũng quốc gia, đồng thời xây dựng một cơ chế tố cáo tham nhũng hiệu quả dựa trên các ủy ban điều tra kỷ luật và cơ quan giám sát.
Theo VNE