Trình Quốc hội chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông, trẻ mầm non từ năm học 2025 -2026
Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập.

Theo quy định hiện hành, đến thời điểm hiện nay, đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí cho nhiều đối tượng: miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập.
Miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

Miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác. Đồng thời, giảm 50-70% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho nhiều đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc (học ở trường công lập và trường dân lập, tư thục).
Kể từ ngày 1/9/2025 mở rộng thêm đối tượng học sinh trung học cơ sở ngoài vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển được miễn, hỗ trợ học phí.
Ngoài quy định chung, hiện nay đã có 10 tỉnh/thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ học phí năm học 2024-2025 cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn.
.jpg)
Tuy vậy, đến nay ngoài các chính sách đã được ban hành, hiện còn nhiều đối tượng trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục vẫn đang phải đóng học phí.
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, phù hợp Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo nội dung đề xuất sẽ miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Theo thống kê năm học 2023–2024, cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó 21,5 triệu học sinh theo học tại cơ sở công lập và 1,7 triệu học sinh ngoài công lập. Cụ thể có 4,8 triệu trẻ em mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.
Dựa trên mức học phí bình quân tối thiểu ở 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi), tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cần đảm bảo để thực hiện chính sách được ước tính khoảng 30.600 tỷ đồng mỗi năm (mức cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí do Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành phố quy định), trong đó, khối công lập 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 1.900 tỷ đồng.
Hiện nay, ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn đang chi trả khoảng 22.400 tỷ đồng để thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí hiện hành. Như vậy, nếu chính sách mới được áp dụng, ngân sách cần bố trí bổ sung khoảng 8.200 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết chỉ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, không làm phát sinh các thủ tục hành chính hiện hành; góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được.
Chính sách cũng tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng và Chính phủ; phù hợp và không trái với các Công ước quốc tế, cam kết có liên quan Việt Nam; không ảnh hưởng, tác động tạo ra sự bất bình đẳng giới; không trái với các chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng về giới và chính sách dân tộc; góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam; không quy định về thẩm quyền của các cấp.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua và áp dụng từ năm học 2025-2026 trở đi cho đến khi có quy định khác.
Cũng trong sáng 22/5, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
.jpg)
Phiên họp ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị đã kết luận: Miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập; các đối tượng học sinh khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, tại Văn bản số 14251-CV/VPTW ngày 11/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo “Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bổ sung đối tượng học sinh các trường tư thục, dân lập được hỗ trợ học phí, bảo đảm công bằng trong tiếp cận chính sách của Đảng và Nhà nước”.