Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh thảo luận về tính chất 'trực thuộc' của các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, thời điểm này là một dấu mốc để hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sang một giai đoạn mới. Khi trở thành một ngôi nhà chung thì tiếng nói mạnh hơn.
Sáng 21/5, sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

"Đông tay thì vỗ nên kêu"
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, đang tiến hành song song việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên mình, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Vì vậy, thảo luận về dự thảo luật này cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các nội dung sửa đổi của Hiến pháp. Đặc biệt liên quan đến nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Xã hội, trong đó có ý kiến đề nghị “cơ quan chủ trì soạn thảo cần báo cáo, làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa MTTQ và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các nghị quyết của Trung ương”.
Theo quan điểm của đại biểu Võ Thị Minh Sinh, từ “trực thuộc” ở đây không tách nghĩa đứng một mình, mà trong một mối quan hệ vừa được tổ chức hoạt động thống nhất trong Mặt trận, vừa giữ nguyên tính độc lập tương đối, tự chủ, sáng tạo của các tổ chức thành viên.
Là người đã từng làm công tác Mặt trận từ cấp huyện đến cấp tỉnh, hiện nay đã hơn 6 năm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đã phân tích những mặt được và tồn tại, hạn chế hiện nay trong việc phát huy vai trò, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội quần chúng hiện nay ở cơ sở.
Đặc biệt, từ thực tiễn tại địa phương cho thấy, trong các hoạt động vận động xã hội hóa như giúp đỡ người nghèo, khắc phục hậu quả lũ lụt… các tổ chức thành viên đều cùng triển khai song song, khiến người dân phải tiếp nhận cùng lúc nhiều kênh vận động. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân là hội viên cùng lúc của nhiều tổ chức, dẫn đến tình trạng phải nộp nhiều loại hội phí…
“Thời điểm này là một dấu mốc để hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sang một giai đoạn mới. Khi trở thành một ngôi nhà chung thì tiếng nói mạnh hơn”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói: “Đông tay thì vỗ nên kêu, còn vỗ nhịp nhàng như thế nào thì sẽ cần phải có thêm quy chế chung về nguyên tắc hoạt động”.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam tỉnh Nghệ An đã góp ý về một số nội dung trong việc sử dụng từ ngữ để đảm bảo logic, mạch lạc liên quan đến đến sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn.
Trong đó, đại biểu đề nghị rà soát và thống nhất cách gọi các tổ chức thành viên của Mặt trận trong toàn văn bản luật để đảm bảo sự chặt chẽ và rõ ràng trong áp dụng; cân nhắc việc sử dụng từ “rộng lớn” trong định nghĩa về tổ chức Công đoàn Việt Nam…
Không quy hoạch nhà ở xã hội ở nơi "đầu thừa, đuôi thẹo"
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đối với việc xác định giá bán, giá thuê, mua nhà ở xã hội, dự thảo quy định chủ đầu tư sau nghiệm thu, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng phải thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng theo quy định để gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh “kiểm tra” giá bán, giá thuê, mua.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đánh giá quy định này tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội so với luật hiện nay, song kiến nghị sửa từ “kiểm tra” thành “thẩm định”, bởi sau khi đưa công trình vào sử dụng, giá bán, thuê, mua nhà ở xã hội phải thẩm định để đảm bảo tính chặt chẽ.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm với các dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực và đang triển khai thực hiện, nếu chủ đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì vẫn được Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ theo quy định.

Về điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, khái niệm “cách xa” hay “gần địa điểm làm việc” như trong quy định còn chung chung, chưa rõ ràng; do đó, đề nghị quy định rõ khoảng cách cụ thể, hoặc giao Chính phủ, bộ chuyên ngành hướng dẫn để thống nhất cách hiểu.
Về các điều kiện để được hưởng chính sách, “chưa được mua hoặc thuê, mua nhà ở xã hội”, “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở”, “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình đại biểu đánh giá ở chưa rõ đây là điều kiện “và” hay “hoặc”, cần làm rõ để tránh cách hiểu mâu thuẫn trong thực tiễn
Về xác định khoảng cách, dự thảo hiện quy định tính khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên. Tuy nhiên, theo đại biểu địa điểm làm việc trong nhiều trường hợp không cố định, có thể thay đổi liên tục. Do đó, bà đề nghị sửa quy định theo hướng: tính khoảng cách ngắn từ nhà ở thuộc sở hữu đến địa điểm của dự án nhà ở xã hội mà người dân có nhu cầu đăng ký từ 30km trở lên, thay vì tính đến địa điểm làm việc.
Cũng liên quan đến dự thảo nghị quyết, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành. Ông cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng, có cơ sở pháp lý và thực tiễn, song việc triển khai thời gian qua còn nhiều vướng mắc.

Vấn đề nổi bật là quy hoạch và bố trí quỹ đất là nhà ở xã hội, ông đề nghị quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong bố trí quỹ đất thuận tiện cho người lao động, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị quy hoạch vị trí “đầu thừa, đuôi thẹo”; cần yêu cầu các địa phương rà soát nhu cầu cụ thể để lập quy hoạch và kế hoạch đầu tư hợp lý, tránh lãng phí.
Ông lưu ý về tiêu chuẩn nhà ở, nếu quá thấp sẽ lạc hậu, nếu quá cao sẽ đẩy giá lên. Do đó, cần có thiết kế mẫu; đồng thời nhấn mạnh sự hài hòa lợi ích và cần cơ chế minh bạch để tránh trục lợi chính sách. Giá bán nên linh hoạt theo vùng miền, có lãi phù hợp cho nhà đầu tư và đa dạng hóa theo thu nhập. Ngoài ra, cần xây dựng gói tín dụng ưu đãi, cơ chế thanh toán linh hoạt cho người dân, đặc biệt là lao động thu nhập thấp.