Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận các dự án luật về tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân

Thành Duy - Tuấn Tài 19/05/2025 17:55

Ngày 19/5, đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đóng góp nhiều ý kiến về các dự án sửa đổi, bổ sung về tổ chức TAND, Viện KSND.

bna_z6616371216545_8c0b8fbf32cca57658afd39d062072f9.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 19/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Chuyển tiếp hợp lý án hành chính, dân sự khi tổ chức lại hệ thống Tòa án

Trong sáng 19/5, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định chưa thống nhất liên quan đến việc tổ chức lại hệ thống Tòa án và các luật liên quan, đồng thời đề xuất phương án chuyển tiếp phù hợp để tránh gây quá tải cho hệ thống tòa án mới.

Theo đó, tại dự thảo quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước có bổ sung một số trường hợp Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao, đại biểu đồng tình với các nội dung quy định bổ sung của dự thảo luật.

Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, ông cho rằng, các trường hợp này đều quy định việc huỷ quyết định của TAND cấp cao, nhưng theo dự thảo Luật thì TAND cấp cao không còn là một cấp trong cơ cấu, tổ chức của hệ thống TAND.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An nhận định: quy định này chỉ mang ý nghĩa giải quyết những trường hợp chuyển giao nhiệm vụ trong hệ thống Toà án khi thực hiện tổ chức Toà án 3 cấp để giải quyết những việc phát sinh trước khi TAND cấp cao kết thúc hoạt động, do đó nó mang ý nghĩa chuyển tiếp giữa Luật hiện hành và Luật sửa đổi, bổ sung.

Vì thế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chuyển các trường hợp liên quan đến quy định này sang quy định tại Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, các Luật tố tụng và Luật khác có liên quan.

bna_z6616370486029_9fff277ecc2b92b67ef0e3d02fe6d1b6.jpg
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Về quy định sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, vị đại biểu đoàn Nghệ An kiến nghị làm rõ cấp chính quyền nào có thẩm quyền nhận báo cáo hoặc thông báo của Tòa án và Viện Kiểm sát. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc sử dụng cụm từ “Tòa án nhân dân địa phương”, “Viện Kiểm sát nhân dân địa phương” là chưa chính xác, bởi không phản ánh đúng cơ cấu tổ chức mới theo mô hình Tòa án nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.

Về dự thảo Nghị quyết thi hành Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, các luật tố tụng và các luật có liên quan, đại biểu Trần Nhật Minh lưu ý đến một số quy định liên quan đến việc chuyển tiếp các vụ án hành chính, dân sự từ Tòa án nhân dân cấp tỉnh sang Tòa án nhân dân khu vực.

Theo phản ánh từ các địa phương, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện đang thụ lý một lượng lớn vụ án dân sự, hành chính ở giai đoạn sơ thẩm. Nếu tất cả vụ việc này được chuyển về Tòa án nhân dân khu vực sau khi luật có hiệu lực, sẽ tạo áp lực rất lớn cho hệ thống tòa án mới.

Trong khi nếu để xảy ra tình trạng quá tải thì không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án mà còn ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cho nên, ông đề xuất cần có lộ trình xử lý phù hợp, theo đó: những vụ án đã qua giai đoạn đối thoại, chuẩn bị xét xử thì để Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giải quyết; những vụ án mới ở giai đoạn khởi kiện, thụ lý sơ bộ thì chuyển sang Tòa án nhân dân khu vực thụ lý lại từ đầu.

Ngoài ra, để tránh kéo dài thời gian chuyển tiếp, cần có quy định cụ thể đối với các vụ việc Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý nhưng sau đó ra quyết định đình chỉ, do hiện luật Tố tụng chưa quy định rõ thời hạn cho việc đình chỉ.

Đảm bảo thống nhất quy định về thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng cần làm rõ sự thiếu thống nhất giữa hai dự thảo luật đang được trình Quốc hội xem xét.

Cụ thể, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, có quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bao gồm việc quy định thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại không bổ sung nhiệm vụ nêu trên. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Nghệ An cũng nêu vấn đề liệu có cần bổ sung quy định mới này hay không, bởi theo ông, thẩm quyền của Viện Kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát tố tụng đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trong ngày làm việc, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra các nội dung: chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận các dự án luật về tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO