Thời sự

Đại biểu Quốc hội Nghệ An góp ý sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước

Thành Duy -Tuấn Tài 17/05/2025 20:18

Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiều góp ý thẳng thắn, sâu sắc về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

bna_quoc-hoi.jpg
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức

Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 4, cùng với các đoàn TP Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giữ nguyên thẩm quyền quyết định mức chi cụ thể của Quốc hội

Thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc Quốc hội quyết định mức chi cụ thể cho một số lĩnh vực trọng yếu, như: giáo dục - đào tạo, dạy nghề. Bà cũng đề xuất bổ sung thêm nội dung liên quan đến mức chi cho hoạt động khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chi cho công tác xây dựng pháp luật.

bna_thai-thi-an-chung.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

“Hiện nay, chúng ta xác định giáo dục, đào tạo và khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, việc duy trì quy định về mức chi cụ thể cho các lĩnh vực là cần thiết để thể hiện rõ sự ưu tiên trong đầu tư ngân sách”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, bà Thái Thị An Chung cho rằng cần quy định rõ hơn về tỷ lệ chi cho hoạt động xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, sáng 17/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó quy định tỷ lệ chi không quá 0,5% và có lộ trình tăng dần qua các năm.

Đại biểu nhận định: Nếu không quy định thẩm quyền này của Quốc hội thì vô hình trung chúng ta đang đi ngược với tinh thần Hiến pháp, đạo luật gốc xác lập rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định mức chi cụ thể cho các lĩnh vực này.

img_6081.jpeg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại cuộc làm việc chiều 17/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Về tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ sự đồng thuận với phương án hai trong dự thảo luật, theo đó quy định nguyên tắc phân chia trong luật và giao Chính phủ xây dựng phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định theo từng thời kỳ ổn định ngân sách hoặc điều chỉnh hàng năm khi cần thiết.

Góp ý thứ ba được đại biểu nêu liên quan đến nội dung các khoản thu của ngân sách địa phương. Bà cho biết, trong Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, có quy định bãi bỏ khoản thu phí, lệ phí môn bài kể từ ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) vẫn giữ khoản thu này là một phần nguồn thu ngân sách địa phương.

Do đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị rà soát, điều chỉnh lại nội dung này trong dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, tránh mâu thuẫn pháp lý khi triển khai.

Làm rõ thẩm quyền bãi bỏ văn bản trái pháp luật

Tham gia ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu cũng góp ý hai nhóm vấn đề cụ thể nhằm hoàn thiện dự án luật.

Trước hết, góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, theo đại biểu, dự thảo quy định HĐND được bãi bỏ các văn bản vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, nhưng không nêu rõ các văn bản đó do cơ quan nào ban hành. Điều này có thể dẫn tới nhận thức rằng HĐND các cấp có quyền bãi bỏ mọi loại văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, kể cả các văn bản không thuộc thẩm quyền theo luật hiện hành.

Đại biểu cũng lưu ý, luật hiện hành quy định rõ HĐND chỉ có quyền bãi bỏ các văn bản trái pháp luật của UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Tuy nhiên, quy định này đã bị lược bỏ trong dự thảo, dẫn đến sự thiếu cụ thể về thẩm quyền xử lý văn bản vi phạm.

Đồng thời, dự thảo cũng chưa đề cập tới quyền đình chỉ thi hành văn bản trái pháp luật, một nội dung đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

bna_tran-nhat-minh.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Vì vậy, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị sửa đổi theo hướng: HĐND các cấp có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật về tài chính, ngân sách của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp; đồng thời có quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của HĐND cấp dưới trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Góp ý thứ hai, đại biểu Trần Nhật Minh đề cập quy định trao quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định giao HĐND cấp xã ban hành các chính sách, chế độ phù hợp với trình độ phát triển và khả năng ngân sách. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn quy định này để đảm bảo không mâu thuẫn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là các nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đại biểu Quốc hội Nghệ An góp ý sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO