Đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị quy định rõ ràng hơn trong xử phạt và phân cấp hành chính
Chiều 16/5, các ĐBQH Đoàn Nghệ An thảo luận tại Tổ 4, cùng các đoàn: TP. Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nội dung thảo luận tập trung vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Quy định chặt chẽ hơn các quy định về xử phạt vi phạm hành chính
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An bày tỏ sự đồng thuận cao với nhiều điểm sửa đổi, nhưng cho rằng, vẫn cần chỉnh lý một số quy định để tránh lúng túng trong thực tiễn.
Trước hết, về quy định lập biên bản vi phạm hành chính, dự thảo bổ sung quy định: Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm thì ghi rõ không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm. Đại biểu đồng tình nhưng cho rằng, quy định này vẫn chưa đủ chặt chẽ và đề nghị bổ sung thêm trong biên bản phải ghi rõ lý do không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm.

Liên quan đến thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt, dự thảo thay thế quy định “trong 24 giờ” của luật hiện hành bằng cụm từ “kịp thời”. Ông Trần Nhật Minh cho rằng, “kịp thời” là khái niệm định tính, thiếu rõ ràng nên đề nghị quy định rõ khoảng thời gian cụ thể, ví dụ từ 24 đến 72 giờ, để bảo đảm tính minh bạch.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị cũng cần quy định rõ mốc thời gian chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định đối với chuyển hồ sơ vi phạm hành chính; tránh chung chung không rõ mốc thời gian cụ thể, để đảm bảo thống nhất, chặt chẽ.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, có ý kiến đề xuất rút ngắn thời gian phát biểu thảo luận của đại biểu từ 7 phút xuống 5 phút.
Nêu quan điểm về nội dung này, biểu Trần Nhật Minh đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành: Mỗi đại biểu được phát biểu không quá 7 phút và tùy diễn biến kỳ họp, chủ tọa có thể đề nghị rút xuống 5 phút. Quy định như hiện nay đã đủ linh hoạt, giúp đại biểu trình bày đầy đủ ý kiến, đặc biệt, với các nội dung phức tạp như ngân sách, pháp luật, tổ chức bộ máy…
Đề nghị bỏ quy định lấy ý kiến Đoàn ĐBQH về dự án luật khi chưa trình Quốc hội
Phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Hiến pháp và các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc.

Về phản biện xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung tán thành với dự thảo khi quy định chỉ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, dự kiến bỏ “các tổ chức chính trị - xã hội” là phù hợp với tinh thần sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét sửa quy định về thời điểm tổ chức phản biện xã hội, vì hiện nay việc phản biện được thực hiện trước khi cơ quan soạn thảo gửi đến cơ quan tư pháp để thẩm định và trước khi trình Chính phủ xem xét đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, các nghị định của Chính phủ.
Quy định này khiến việc phản biện sẽ không phát huy được hết ý nghĩa vì không bám sát được các thay đổi sau này trong quá trình lập pháp, có những nội dung được phản biện không còn hoặc nhiều nội dung mới sẽ không được phản biện.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị bỏ quy định lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH khi chưa trình Quốc hội. Vì các đoàn là tổ chức tập hợp đại biểu, trong khi chính các đại biểu sẽ thảo luận, xem biểu quyết tại Quốc hội sau khi dự luật chính thức được trình.

Bên cạnh đó, liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền cho HĐND và UBND cấp xã là phù hợp trong bối cảnh tổ chức chính quyền theo mô hình 2 cấp.
Theo đó, dự thảo quy định HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao, phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Tuy nhiên, cần bảo đảm sự thống nhất với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được sửa đổi tại kỳ họp này vì dự thảo luật này chỉ cho phép UBND cấp tỉnh phân cấp cho UBND cấp xã và phòng chuyên môn; HĐND cấp xã không có thẩm quyền nhận phân cấp.
Đây cũng là nội dung được đại biểu Trần Nhật Minh nêu ý kiến. Ông cho rằng, mặc dù Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định UBND cấp xã phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình tại cùng kỳ họp lại không quy định UBND cấp xã có quyền được phân cấp.
Vì vậy, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ điểm chưa thống nhất này để tránh mâu thuẫn khi áp dụng. Đồng thời, về vấn đề này, ông đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp rằng, thay vì “phân cấp" nên sử dụng cơ chế “phân công, ủy quyền linh hoạt” để UBND cấp xã có thể giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc công chức thực hiện.
Trong ngày, Quốc hội cũng đã làm việc toàn thể tại hội trường thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; nghe báo cáo quyết toán, báo cáo kiểm toán và báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023.