Trồng loài cây ra củ dài cả mét, trước ăn chống đói, nay là đặc sản
Từ năm 2014 trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang trồng thử nghiệm trong vườn nhà và thành công với cây khoai mài.
Khoai mài, một loại cây lấy củ, không chỉ là thực phẩm, mà còn là dược liệu có giá trị cao trong đông y, được nhiều người tìm mua.
Khoai mài-cây củ mài là loại cây có đặc tính mọc tự nhiên ở những vùng đất cát khô cằn, do đó rất khó đem về trồng trong vườn nhà.
Nhận thấy mô hình trồng khoai mài có thể nhân rộng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ trụ bê tông và giàn leo để các hộ mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập.
Khoai mài (củ mài) ở xã Phước Hội sau thu hoạch. |
Được sự hướng dẫn của người thân đã có kinh nghiệm trồng khoai mài, từ năm 2015, anh Nguyễn Thanh Tuấn, ở xã Phước Hội đầu tư trồng khoai mài trên mảnh vườn nhà, với diện tích khoảng 600m2.
Do đã nắm bắt được các đặc tính sinh trưởng của cây khoai mài, nên anh Tuấn chăm sóc vườn cây ngày càng phát triển đúng hướng, hiệu quả. Năm đầu tiên, vườn khoai mài cho thu hoạch, với lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.
Đến năm 2018, anh Tuấn vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội, anh đầu tư trụ bê tông, giàn leo và hệ thống tưới nước tự động, để mở rộng thêm diện tích trồng khoai mài lên hơn 1.000 m2. Hiện nay, vườn khoai mài của gia đình anh Tuấn đang cho thu hoạch, dự tính mang lại nguồn thu nhập từ 90-120 triệu đồng.
Giàn leo khoai mài ở xã Phước Hội. |
Anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, ở nhà có một số đất còn trống, nên anh tận dùng trồng khoai mài để kiếm thêm. Mấy năm trước do điều kiện không có, nên trồng 1 khoảng nhỏ. Sau này được hỗ trợ đoàn, nhà nước hỗ trợ vốn, anh mở rộng ra gấp bốn lần. Khoai mài chỉ kiếm thêm thôi, nhưng sau 1 năm thì cũng cho em 1 số tiền xoay sở cuộc sống.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Phước Hội tham gia đầu tư trồng khoai mài từ năm 2015 và đến nay cũng khá thành công, khi mô hình cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Hồng cho biết: khoai mài cũng tương đối dễ trồng nếu như đã nắm bắt được các quy tắc chăm sóc cây. Theo thời vụ, khoảng tháng 9, cây héo, rụng lá, đây là thời điểm thu hoạch củ. Đến tháng 2 năm sau chỉ cần tưới nước, bón phân hữu cơ để cây ra lá, tạo củ trở lại.
Củ khoai mài sau thu hoạch được thương lái tới tận nơi mua với giá khá cao. Như vụ thu hoạch này, mỗi gốc khoai mài có từ 2 đến 3 củ trọng lượng khoảng 1kg, có giá từ 70 - 80 ngàn đồng. Mà trên 1.000m2 đất vườn trồng khoai mài của ông Hồng có đến cả ngàn gốc.
Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ phấn khởi thu hoạch củ mài. |
Ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ thêm: mô hình trồng khoai mài này rất hiệu quả, đem lại kinh tế cho gia đình rất là cao. Từ đó mà gia đình mới tìm tòi, vô rừng đào khoai hoang dã đem về trồng nhân tạo. Từ đó tới giờ mô hình trồng đạt kinh tế rất cao. Đem lại ổn định, hiện nay cũng khá hơn trước rất nhiều.
Khoai mài vốn chỉ sinh trưởng ở rừng, tưởng khó phát triển ở thổ nhưỡng đã qua trồng tỉa tại địa phương, nhưng thật bất ngờ, một số hộ dân đào củ mài đem về nhà trồng thử đã thấy phát triển ổn định.
Củ khoai mài sau thu hoạch được thương lái tới tận nơi thu mua. Theo tính toán của người nông dân: 1ha khoai mài có thể đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, gấp nhiều lần so với nhiều loại cây trồng khác.
Củ khoai mài dài được thu hoạch ở xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Anh Lê Hùng Quốc Thái, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hội cho biết: Địa phương đánh giá mô hình trồng khoai mài này rất là cao. Được sự quan tâm của huyện, vừa qua đã hỗ trợ cho bà con giàn leo, trụ bê tông cho bà con trồng khoai mài. Lúc trước do bà con trồng bằng trụ tạp, nên gió nó ngã không hiệu quả, năng suất giảm. từ ngày hỗ trợ thì bà con đã mở rộng thêm diện tích và nâng cao hiệu quả.
Từ vài hộ nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn xã Phước Hội có khoảng 32 hộ trồng khoai mài, với diện tích hơn 5 hecta. Hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các hộ trồng khoai mài đang được ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ trụ bê tông, giàn leo và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, để mở rộng thêm diện tích khoai mài.