Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.
Đến thăm gia đình bà Vi Thị Tín, thôn Hùng Thành, xã miền núi Thành Sơn của huyện Anh Sơn vào cuối buổi trưa một ngày đầu tháng 4/2024, thời điểm này bà Tín vẫn đang cuốc cỏ trên mảnh vườn gần nhà.
Trên khoảng đất khá dốc và khô cằn sỏi đá rộng hơn 3 sào, bà Tín đang vun xới gốc cho lứa khoai mài thứ hai. Giới thiệu những cây khoai mài vừa mọc cao tầm 1 gang tay, bà Tín cho biết, những cây có lá màu xanh là cây nhân giống từ cành. Còn những cây có lá màu đỏ tía là nhân giống từ củ khoai.
“Đây là giống cây trồng hoàn toàn mới đối với người dân Thành Sơn, tôi may mắn được hỗ trợ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lần đầu tiên thử nghiệm loại cây này. Sau 11 tháng, khoai cho thu hoạch, đạt năng suất rất cao, thu nhập gấp đôi so với trồng sắn. Còn cây chuối sáp thì năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên” – bà Tín cho biết.
Nói thêm về mô hình này, chị Lương Thị Hảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Sơn cho hay, giống cây khoai mài và chuối sáp được ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn liên hệ mua từ miền Nam. Khi được lãnh đạo xã giới thiệu giống cây trồng mới, dựa vào điều kiện địa phương, Hội Phụ nữ đã xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thay thế một số diện tích sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả thấp.
Theo đó, tiến hành thử nghiệm trồng cây khoai mài tại ruộng của bà Vi Thị Tín hơn 600 gốc. Từ nguồn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ hỗ trợ bà Tín 4,5 triệu đồng mua giống khoai mài và 1,5 triệu đồng giống cây chuối sáp.
Cây khoai mài được trồng thử từ tháng 3/2023 và sau 11 tháng thì cho thu hoạch. Được biết, đây là loại khoai mài lai giống mới được trồng khá phổ biến ở miền Nam. Khoai mài có màu tím nhạt, mềm ngọt hơn loại khoai mài tự nhiên mọc ở rừng.
Loài cây này chăm sóc khá dễ, cần tưới nước đầy đủ trong khoảng 2 tháng vào mùa khô hạn, sau đó cắm choãi cho dây khoai leo cao và làm sạch cỏ. Nguồn phân bón cho cây chủ yếu là nguồn phân hữu cơ ủ hoai mục từ gia súc gia cầm tự chăn nuôi của các hộ gia đình.
Nói đến hiệu quả, bà Vi Thị Tín đã bế củ khoai mài còn để giống từ vụ thu hoạch đầu tiên ra khoe, cho hay, đây là củ khoai mài duy nhất mà bà cố tình để dành. Bởi toàn bộ số khoai thu hoạch đều đã bán hết. Trên diện tích 3 sào, hơn 600 gốc khoai trừ chi phí tiền giống, phân bón, chăm sóc bà còn thu về 10 triệu đồng.
“Trước đây, cũng trên diện tích 3 sào gia đình tôi trồng sắn thì mỗi vụ thu về khoảng 3 triệu đồng. Còn khoai mài thì thu nhập gấp ba, lại dễ bán” – bà Tín vui vẻ cho biết.
Chị Lương Thị Hảo cho biết thêm, sau thành công thử nghiệm hỗ trợ bà Tín sản xuất, năm 2024 Hội Phụ nữ tiếp tục hỗ trợ 2 hộ khác thực hiện trồng cây khoai mài.
Giá bán củ khoai mài tươi trung bình trên thị trường khoảng 20-25 ngàn đồng/kg. Mỗi gốc khoai mài cho thu hoạch từ 5-10kg, cá biệt có những củ khoai mài nặng 5-8kg. Chất lượng khoai vừa bùi, vừa mềm, ngọt vừa, có thể luộc hoặc chế biến nấu chè, nấu bánh đều ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh vườn khoai mài đang độ phát triển tốt của bà Vi Thị Tín là khoảng vườn trồng chuối sáp cũng mơn mởn không kém. Bà Tín cho hay, chuối sáp cũng là cây trồng lần đầu tiên xuất hiện ở Thành Sơn, cũng được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ cây giống với số tiền 1,5 triệu đồng.
Cũng là loài cây dễ chăm sóc, sau hơn 6 tháng trồng là cây đã bắt đầu cho quả. Bước đầu cho thấy quả chuối không mập, lá cây chuối có biểu hiện vàng viền, chưa thích nghi hoàn toàn với môi trường sống mới, song bước đầu thu hoạch cũng bán được với giá 25 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi nải chuối nặng khoảng 1kg, mỗi buồng chuối cho thu hoạch từ 3-7 nải, tương đương khoảng 7kg, thu về khoảng 150 ngàn đồng.
Bà Vi Thị Tín khẳng định, gia đình bà sẽ tiếp tục chăm sóc các loại cây trồng mới này để duy trì nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trồng các loài cây trước đây.
Ngoài tư vấn hỗ trợ người dân trồng các loại cây mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, các hội viên còn duy trì phong trào đổi công, hỗ trợ gia đình hội viên khó khăn trong sản xuất, thu hoạch mùa màng.