Trong ‘nước sôi lửa bỏng’, cán bộ, đảng viên càng phải tiên phong, gương mẫu
(Baonghean.vn) - Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên lúc nào, ở đâu, trên lĩnh vực công tác nào cũng cần được phát huy. Nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” của cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 này thì tinh thần ấy càng cần phải được phát huy cao độ. Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa ý thức rõ điều này.
Các kiểu vi phạm quy định phòng, chống dịch
Nhìn lại thời gian qua chúng ta thấy đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định và tích cực chung tay cùng Đảng và Chính phủ quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạngvi phạm các quy định phòng, chống dịch vẫn diễn ra khá phức tạp.
Các sai phạm diễn ra dưới nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau, từ thái độ chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm đến việc không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách; khai báo y tế không trung thực; tung tin thất thiệt; chống lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và ứng trực tại các chốt phòng dịch; lợi dụng tình hình dịch để đột nhập nhà dân, bệnh viện trộm cắp tài sản; đóng giả công an, bộ đội, dân phòng, dân quân để chiếm đoạt tài sản của người dân...
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực hồ điều hòa, TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Quang An |
Đáng buồn là trong đó các sai phạm đó có không ít trường hợp thuộc cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ chủ trì, chủ chốt. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định cùng một số người đã không chấp hành nghiêm túc các quy định về thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vẫn tụ tập đi chơi golf. Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Khắc Lập, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hay trường hợp ông Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh bị đình chỉ công tác do lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Gần đây nhất là ba cán bộ gồm: ông Phan Sĩ Long, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc; ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường và ông Nguyễn Nhị Đoài, Bí thư Đảng ủy phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm do làm trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đến lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng. Còn nữa nhiều những cán bộ, đảng viên, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, không gương mẫu chấp hành, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Chiêu trò lợi dụng các vụ vi phạm để xuyên tạc chống phá
Những vụ việc vi phạm trên không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Việt Nam. Một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài đã xem những sai phạm ấy như một sự “tiếp đạn” để họ “bắn” vào chủ trương, đường lối, giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 của Đảng và Chính phủ ta.
Từ những vụ việc ấy, họ suy diễn, quy chụp để phán bừa rằng “xã hội Việt Nam bất ổn”, nhân dân Việt Nam “đang bất bình”, phản đối trước biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Từ một số vụ “thông chốt” phòng, chống dịch, họ xuyên tạc rằng việc đưa Quân đội hỗ trợ Công an trong kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh “không đơn thuần là dịch tễ mà là an ninh, quốc phòng”, do Việt Nam “lo sợ hiệu ứng từ Cuba khi người dân quá bất mãn với cách chống dịch của Nhà nước”...
Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những vụ vi phạm để xuyên tạc chống phá. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Đặc biệt dựa theo những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng do một số người dân nhận thức hạn chế, thiếu thông tin, thiếu kiến thức về pháp luật chia sẻ trên không gian mạng, một số tổ chức phản động, cá nhân thù địch đã cóp nhặt, cắt ghép, nhào nặn tạo ra những bài viết, vidio thất thiệt, thổi phồng diễn biến tình hình dịch, xuyên tạc công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cùng các bộ ngành, cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang trong dư luận, kích động tạo bức xúc, chia rẽ người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo thông tin của cơ quan chức năng, chỉ tính trong tháng 7/2021 đã có trên 100 bài viết được ngụy tạo núp bóng đại dịch COVID-19 để chống phá Việt Nam. Từ những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bị các cơ quan chức năng xử lý, họ vu cáo chính quyền Việt Nam là “vi phạm quyền con người”; vi phạm quyền “tự do ngôn luận”, “tự do thông tin”, “tự do internet”...
Những luận điệu, chiêu trò ấy là rất nguy hiểm, nó không chỉ gây hoang mang trong nhân dân, kích động chia rẽ người dân với cấp ủy, chính quyền mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
Gươngmẫu từnhững việc làm cụ thể, thiết thực
Do sự xuất hiện biến chủng mới của virus nên công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 được dự báo là ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Bên cạnh đó các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng diễn biến tình hình dịch để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh ấy, phòng, chống đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả, đồng thời đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những vụ việc sai phạm trong chấp hành các quy định về phòng, chống dịch để xuyên tạc chống phá Việt Nam là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch núp bóng dịch bệnh để chống phá Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An kiểm tra tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành khi địa phương này liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Thành Chung |
Để chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ấy hơn lúc nào hết đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp cần phát huy cao độ vai trò nêu gương. Tính tiên phong, gương mẫu không thể là hô hào chung chung bằng những lời nói suông mà phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong chấp hành các chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng, Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch.
Cán bộ, đảng viên giữ vai trò, trọng trách càng cao càng phải gương mẫu. Theo từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và quản lý, chỉ đạo, điều hành giải quyết các vấn đề nảy sinh, thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, cán bộ, đảng viên cần bám sát cơ sở vừa tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn; vừa động viên, đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch.
Cán bộ, đảng viên làm công tác báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, bảo đảm phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; không đưa những thông tin tiêu cực tạo tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc gây hoang mang, lo sợ trong dư luận. Đặc biệt những cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chấp hành nghiêm các quy định về những điều không được làm; tỉnh táo, sáng suốt trong tiếp nhận và đăng phát thông tin trên không gian mạng. Đồng thời cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội phải đi tiên phong trong phát hiện những thông tin sai trái, xấu độc từ các thế lực thù địch, để từ đó tích cực, chủ động phối hợp tham gia đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách và các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 của Đảng và Chính phủ ta./.
Các y bác sĩ, điều dưỡng tỉnh Nghệ An lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch COVID- 19. Ảnh tư liệu |