Trung Quốc chính thức phê duyệt RCEP
Theo thông tin mới nhất, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nội dung Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bước đi quan trọng trước khi Quốc hội nước này chính thức phê chuẩn.
Thông tin trên vừa được ông Vương Văn Đào - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc công bố bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên của nước này chiều 8/3.
Ông Wang Wentao cho biết, chính phủ Trung Quốc đã chính thức phê duyệt RCEP, đồng thời mong muốn các quốc gia khác cũng đẩy nhanh tiến trình này, để có ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước khác phê chuẩn giúp hiệp định sớm có hiệu lực.
Được biết, việc thúc đẩy RCEP sớm có hiệu lực và thực thi đã được đưa vào nội dung Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc, tại Kỳ họp thứ tư Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII khai mạc hôm 5/3 vừa qua. Theo lộ trình, Trung Quốc đang nỗ lực để có thể chính thức phê chuẩn hiệp định này vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới.
Theo đánh giá của ông Hứa Ninh Ninh - Chủ tịch Điều hành Hội đồng Thương mại Trung Quốc – ASEAN, Trung Quốc là quốc gia làm nhiều công tác chuẩn bị nhất trước khi RCEP chính thức có hiệu lực trong số các nước thành viên.
Những mối liên kết trong RCEP. Hình minh họa |
Ngay từ tháng 1/2021, vấn đề “nắm bắt cơ hội mới do RCEP mang lại” đã được xác định rõ trong báo cáo công tác của chính quyền các địa phương tại hai kỳ họp Chính hiệp và Nhân đại, hay còn gọi là “Lưỡng hội” tổ chức ở hàng loạt các tỉnh, thành của Trung Quốc. Theo số liệu do ông Hứa Ninh Ninh cung cấp, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 14 nước thành viên RCEP chiếm tới 31,7% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Tiếp theo RCEP, hiện Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc chuẩn bị đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo tiết lộ của ông Vương Thụ Văn - Thứ trưởng Bộ Thương mại nước này mới đây, Trung Quốc đã tiến hành đánh giá, nghiên cứu và phân tích sâu tất cả các điều khoản của hiệp định này ở trong nước.
Bắc Kinh cũng đã “tiếp xúc không chính thức” với một số thành viên của hiệp định và lên kế hoạch tiếp tục tiếp xúc không chính thức với các thành viên khác, nhằm hiểu và nắm bắt chuẩn xác hơn về các nội dung của CPTPP./.