Chuyển đổi số

Trung Quốc đe dọa sẽ có 'hành động cần thiết' nếu Mỹ tăng cường hạn chế chip bán dẫn

Phan Văn Hòa 29/11/2024 06:49

Ngày 28/11 vừa qua, Trung Quốc đưa ra cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện "những hành động cần thiết" nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước nếu Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với ngành chip bán dẫn.

Cảnh báo này của Trung Quốc được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. Các biện pháp này được cho là nhằm giới hạn việc cung cấp các công nghệ và linh kiện bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và duy trì lợi thế cạnh tranh công nghệ của Mỹ trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuần trước, Phòng Thương mại Mỹ đã gửi thông báo qua email tới các thành viên, tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc việc đưa thêm khoảng 200 công ty sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Nếu điều này được thực hiện, các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm việc cấm hầu hết các nhà cung cấp của Mỹ bán hoặc chuyển giao công nghệ, thiết bị, và linh kiện cần thiết cho hoạt động sản xuất của họ. Đây là một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 28/11, khi được hỏi về báo cáo trên, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông He Yadong, đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối. Ông nhấn mạnh rằng, Trung Quốc "kịch liệt phản đối" việc Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia một cách tùy tiện, đồng thời cáo buộc chính quyền Washington "lạm dụng" các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để gây áp lực lên các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn xuất phát từ mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể tận dụng các công nghệ tiên tiến này để phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại, cải thiện khả năng giám sát và tăng cường năng lực quân sự tổng thể.

Các biện pháp này không chỉ nhằm hạn chế việc xuất khẩu chip cao cấp mà còn bao gồm các công nghệ liên quan, chẳng hạn như thiết bị sản xuất chip và phần mềm thiết kế, nhằm ngăn chặn chính quyền Bắc Kinh đạt được những bước tiến lớn trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược.

"Những hành động này không chỉ gây xáo trộn nghiêm trọng đến trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, mà còn làm lung lay sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Đồng thời, chúng phá hoại các nỗ lực hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", ông He Yadong nhấn mạnh.

Ông He Yadong đe dọa rằng: "Nếu Mỹ vẫn kiên quyết tăng cường các biện pháp kiểm soát, Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc".

Hãng tin Bloomberg cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp hạn chế mới, nhằm siết chặt việc bán thiết bị sản xuất bán dẫn và chip nhớ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cho Trung Quốc. Đây được xem là động thái tiếp theo trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Dẫn lời các nguồn tin am hiểu vấn đề, Bloomberg cho biết đề xuất mới nhất của chính quyền Biden có phạm vi hẹp hơn so với dự kiến ban đầu, với số lượng nhà cung cấp của Huawei bị ảnh hưởng giảm đi đáng kể. Đáng chú ý, ChangXin Memory Technologies, công ty đang nỗ lực phát triển công nghệ chip nhớ AI tiên tiến, không nằm trong danh sách các đối tượng bị trừng phạt lần này.

Theo báo cáo, đề xuất mới không tập trung trực tiếp vào việc kiểm soát các loại chip bán dẫn, mà thay vào đó nhắm đến hai nhà máy sản xuất chip do Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), một đối tác quan trọng của Huawei, sở hữu.

Ngoài ra, hơn 100 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn cũng nằm trong tầm ngắm của các biện pháp này. Đây được coi là nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn cung ứng thiết bị và công nghệ cần thiết cho việc chế tạo chip tiên tiến tại Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 tới, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về khả năng chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đặc biệt là việc ông cam kết áp dụng thêm các mức thuế quan đối với Trung Quốc, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới.

Tuần này, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí đối với các sản phẩm từ quốc gia này.

Mức thuế mới này sẽ cao hơn bất kỳ mức thuế hiện hành nào trong chính sách thương mại của ông đối với Trung Quốc, vượt qua các mức thuế trước đó đã được áp dụng trong các vòng căng thẳng thương mại trước đây, và có thể làm trầm trọng thêm tình hình quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ kế hoạch áp dụng thuế quan mới của Mỹ và nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế này sẽ không thể giải quyết được các vấn đề kinh tế và chính trị nội bộ của Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, việc gia tăng thuế quan không chỉ gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai quốc gia mà còn không thể khắc phục những vấn đề cơ bản mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt, đồng thời cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Reuters
Copy Link
Mới nhất
x
Trung Quốc đe dọa sẽ có 'hành động cần thiết' nếu Mỹ tăng cường hạn chế chip bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO