Trung Quốc mở cửa thu mua, cau quả nhích giá

Thanh Phúc 13/02/2023 16:44

(Baonghean.vn) - Nếu như tháng 11/2022, cau quả rớt giá thê thảm khi chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg khiến người trồng cau thất thu thì từ đầu tháng 2/2023, Trung Quốc thu mua cau trở lại, giá cau quả đã tăng lên gấp 2-3 lần so với trước.

Giá cau non hiện tại đang dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm tháng11/2022. Ảnh: Thanh Phúc

Được xem là “vựa cau” của huyện Thanh Chương, toàn xã Thanh Nho có gần 1.000 hộ trồng cau chuyên canh và xen canh. Nếu như năm 2021, cau “sốt” giá, có thời điểm lên đến 80.000-100.000 đồng/kg đã giúp người dân nơi đây có thu nhập đáng kể thì đến giữa năm 2022, đặc biệt là thời điểm tháng 10 trở đi, cau rớt giá thê thảm, xuống còn 3.000-4.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, một hộ trồng cau ở xóm Nho Sơn (xã Thanh Nho) cho biết: “Nhà tôi có 600 gốc cau, trong đó có 400 gốc đã cho quả. Năm vừa rồi, giá cau “chạm đáy” nên thu nhập không ăn thua, phần thì bán lẻ ở các chợ, phần thì để cau già, vàng làm giống. Ra Tết, có 50 cây cho thu hái, dự kiến khoảng 4 tạ quả, hiện thương lái đã đặt mua với giá 10.000-12.000 đồng/kg (tuỳ loại). Cau quả dài, hạt đặc, dẻo, còn non thì họ mua giá cao hơn”.

Thương lái đến tận vườn thu mua. Ảnh: Thanh Phúc

Là đầu mối chuyên thu gom cau quả của người dân hai huyện Quỳ Châu, Quế Phong để nhập cho các “đầu nậu” phía Bắc, anh Vi Văn Hải (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) cho biết: “Trong năm, cau rẻ, các đầu mối phía Bắc cũng ngừng thu mua nên cau của người dân cũng không có nơi tiêu thụ, để vàng, già trên cây. Sau Tết, các thương lái đã thu mua trở lại với giá cao gấp 4-5 lần, tuy nhiên, số lượng cau quả trong dân hiện không còn nhiều do họ đã tập trung bán vào dịp Tết, phần đa cau đã già nên không bán được”.

Hiện giá cau đã tăng, thương lái thu mua trở lại nhưng so với thời điểm năm 2021, giá cau cũng mới chỉ bằng 1/5. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, thương lái đang thu mua cau quả tại Nghệ An, chủ yếu là cau non với giá từ 8.000-12.000 đồng/kg, cao gấp 4-5 lần so với thời điểm tháng 11/2022 song vẫn chỉ bằng 1/5 so với năm 2021.

“Giá cau lên xuống thất thường là do đầu ra của cau quả phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Họ thu mua với giá cao thì chúng tôi mua lại của dân với giá cao và ngược lại. Chúng tôi mua cau theo buồng, về cắt lấy quả, phân loại, luộc và sấy khô rồi nhập lại cho các thương lái khác. Theo chúng tôi được biết thì họ mua để xuất bán sang Trung Quốc làm nguyên liệu sản xuất kẹo chữa ho chứ thực hư thế nào thì chúng tôi cũng không rõ”, chị Hoàng Thị Hiến, chủ một lò sấy ở Anh Sơn cho biết.

Cuối năm 2022, giá cau xuống thấp, người dân để cau già trên cây mà không buồn thu hái. Ảnh: Thanh Phúc

Từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá cau non bắt đầu tăng mạnh do thương lái đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cau non được giá, người trồng cau phấn khởi khi có thêm nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, người dân không nên vì giá cau lên cao mà đổ xô trồng cau, mở rộng diện tích ồ ạt. Bởi cau không phải là cây trồng chủ lực, là nông sản chính nên giá cau lên cao chỉ là “nhất thời”, đột biến chứ không theo quy luật thị trường.

Cau được luộc, sấy rồi nhập sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ảnh: Thanh Phúc

Hơn nữa, đầu ra của cau quả phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên rất bấp bênh, dễ ế ẩm. Do đó, các địa phương cũng cần vào cuộc tuyên truyền, định hướng cho người dân, tránh tình trạng lúc giá cau cao đổ xô trồng, đến lúc ế ẩm lại chặt bỏ gây lãng phí.

Mới nhất
x
Trung Quốc mở cửa thu mua, cau quả nhích giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO