Trung Quốc - phương Tây 'khẩu chiến' về cách xử lý Covid-19
(Baonghean) - Đến tuần qua, sau khi Trung Quốc có thông báo đính chính các số liệu về dịch Covid-19 tại nơi khởi phát dịch bệnh là thành phố Vũ Hán, với con số tử vong tăng thêm tới 1.290 ca; nhiều nước đã đồng loạt dấy lên câu hỏi nghi vấn về tình hình dịch bệnh thực tế tại Trung Quốc cũng như cách thức ứng phó của chính quyền nước này!
Trung Quốc “ém” thông tin?
Theo con số đính chính của Ban Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã có thêm hơn 320 ca nhiễm SARS-CoV-2; 1.290 ca tử vong từ khi bắt đầu đến nay. Loạt nguyên nhân đã được phía Trung Quốc lý giải, như nhiều bệnh nhân đã tử vong tại nhà; do thời kỳ cao điểm nên có hiện tượng báo cáo số liệu sai, chậm; nhiều cơ sở mới thành lập, chưa thể kết nối và cập nhật số liệu lên mạng lưới dịch bệnh chung…
Thành phố Vũ Hán trong tuần báo cáo số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng lên đáng kể. Ảnh: AFP |
Thế nhưng, bất chấp phía Trung Quốc đưa ra những giải thích về các con số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 chênh lệch rất lớn tại Vũ Hán; lãnh đạo, quan chức nhiều nước đã đồng loạt đặt câu hỏi về tính minh bạch và cách thức xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh thời gian qua.
Mới nhất ngày 18/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chĩa mũi dùi công kích nhằm vào Trung Quốc khi tuyên bố, Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu cố ý để đại dịch bùng phát. Nhìn lại thời gian qua, không chỉ ông Trump mà nhiều quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát.
Thậm chí, bất đồng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Trump ngày 14/4 tuyên bố đóng băng ngân sách tài trợ hàng năm cho WHO trị giá khoảng 500 triệu USD, cho đến khi có đánh giá cụ thể về công tác chống dịch của tổ chức này. Trong tuyên bố, ông Trump đã cáo buộc tổ chức WHO đã “mắc sai lầm nghiêm trọng khi không thể kiểm soát, thậm chí che đậy sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh”. Quan trọng nhất, ông Trump đã chỉ trích quan hệ gần gũi của tổ chức y tế này với Trung Quốc thời gian qua, bất chấp Mỹ là nước tài trợ nhiều nhất cho WHO.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chĩa mũi dùi vào Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: AFP - Getty |
Cùng với Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cũng đã bày tỏ quan điểm cho rằng, Trung Quốc vẫn còn những “vùng tối” trong cách thức xử lý dịch bệnh. Và rằng, “không nên ngây thơ nhận định, Trung Quốc quản lý dịch bệnh tốt hơn Pháp, bởi vẫn còn có những điều đã xảy ra mà bên ngoài không hề hay biết”. Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cũng đã bày tỏ hoài nghi của Anh về Trung Quốc và yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải trả lời các câu hỏi như: virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện như thế nào, hay vì sao không thể được ngăn chặn virus này sớm hơn?....
Trước đó, các nghị sĩ Anh cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách lấp liếm thông tin về những gì đã xảy ra khi dịch bệnh mới bùng phát. Ủy ban Đối ngoại hạ viện Anh còn cảnh báo, chiến dịch tuyên truyền sai lệch về Covid-19 của Trung Quốc đang khiến cho nhiều người thiệt mạng.
Bôi nhọ và hoài nghi!
Thực tế, tuyên bố chỉ trích và hoài nghi của giới chức các nước phương Tây đối với cách thức ứng xử với dịch bệnh của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Pháp mới đây triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối một số lập trường của cơ quan ngoại giao Trung Quốc liên quan chiến dịch chống Covid-19. Trong đó, cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Pháp đã đăng tải các bài viết, thông tin chỉ trích tình trạng quản lý dịch bệnh Covid-19 tại Pháp nói riêng và các nước phương Tây nói chung. Và rằng, các nhân viên y tế Pháp bỏ rơi bệnh nhân lớn tuổi tử vong trong viện dưỡng lão, hay các nước phương Tây đã xử lý chậm trễ, sẵn sàng cho cái gọi là “miễn dịch cộng đồng” khi chấp nhận số người tử vong cao. Theo báo chí phương Tây, đây là cuộc tấn công mới nhất từ Trung Quốc nhằm bôi nhọ nỗ lực của các nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Quan hệ Trung - Pháp căng thẳng sau những cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau về cách thức ứng xử dịch Covid-19. Ảnh: China Daily |
Chưa dừng lại ở đó, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington vẫn đang yêu cầu Bắc Kinh cho phép các chuyên gia vào phòng thí nghiệm ở Vũ Hán để xác định chính xác nguồn gốc virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu. Thực tế theo giới quan sát, tuyên bố của ông Pompeo vốn ám chỉ một giả thuyết cho rằng, virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở đây. Tuy nhiên đến nay, giới chuyên gia và tất nhiên cả chính quyền Trung Quốc vẫn phủ nhận giả thuyết cũng như những cáo buộc tương tự.
Trước những luồng ý kiến và quan điểm chỉ trích, hoài nghi Trung Quốc về cách thức xử lý dịch bệnh cũng như các con số chênh lệch tại Vũ Hán, các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại có quan điểm ngược lại, cho rằng, việc điều chỉnh số liệu của Trung Quốc là nhằm mục tiêu không để sót các ca nhiễm và ca tử vong và các lý do mà Bắc Kinh đưa ra là có lý. Tất nhiên theo một số chuyên gia, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất gặp khó trong việc thống kê chính xác số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 trong đợt dịch này. Ngay như tại Pháp, Italia hay Anh, số ca tử vong trên thực tế dự báo có thể lớn hơn từ 15-20%% so với báo cáo hiện nay.
Chưa biết thực hư thế nào, ai đúng - ai sai, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sau khi Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện chiến dịch tuyên truyền chỉ trích các biện pháp chống dịch Covid-19 của phương Tây, chắc chắn quan hệ giữa các bên sẽ còn gia tăng căng thẳng. Và rằng, các bên vì những mục tiêu khác nhau vẫn sẽ còn đeo đuổi quan điểm của mình! Nếu như Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác là cạnh tranh, phản bác lại chiến lược tuyên truyền, bôi nhọ của Trung Quốc, thì Mỹ là mục tiêu chuyển hướng dư luận khỏi tình hình dịch bệnh tồi tệ trong nước. Tất nhiên vì thế, cuộc khẩu chiến cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau về cách thức xử lý dịch bệnh cũng như nguồn gốc virus SARS-Cov-2 sẽ chưa thể sớm kết thúc!