Năm năm qua (nhiệm kỳ 2018 – 2023), Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của thời tiết cực đoan, đại dịch Covid-19 và nền kinh tế vĩ mô biến động lớn. Với kinh nghiệm thực tiễn, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và hội viên tham gia, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.
Thể hiện rõ nét nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, khơi dậy mạnh mẽ trong nông dân tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bình quân hàng năm có trên 300 ngàn hộ hội viên đăng ký và có trên 150 ngàn hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hội viên nông dân.
Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Việc xây dựng, phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp được triển khai nghiêm túc với các nội dung, giải pháp phù hợp. Trong nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh thành lập được 53 chi hội nông dân nghề nghiệp, 913 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 13.333 hội viên tham gia, tạo bước đột phá trong đổi mới phương thức tập hợp nông dân, tạo lập tiền đề phát triển kinh tế tập thể.
Nông dân trong tỉnh ngày càng tích cực hơn và thể hiện rõ nét vai trò chủ thể, đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ. Năm năm qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp được hơn 3.500 tỷ đồng, hiến hơn 930.000m2 đất, tham gia gần 1,5 triệu ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Các cấp Hội quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần của hội viên nông dân, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa.
Giai đoạn 2018-2023, các cấp Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được 1.495 mô hình bảo vệ môi trường, 454 mô hình thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, 462 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng được 2.125 vườn mẫu nông dân, 880 vườn chuẩn nông thôn mới, 1.931 “Hàng cây nông dân ơn Bác”; 134 “Vườn cây nông dân ơn Bác”, với tổng số cây đã trồng 182.371 cây.
Hội Nông dân tỉnh đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn 2020-2023”. Quá trình thực hiện Đề án, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 107 lớp tập huấn kiến thức sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn cho trên 5.000 hội viên nông dân; xây dựng được gần 400 mô hình sản xuất nông sản an toàn; chỉ đạo, hỗ trợ mở 8 cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại các huyện, thị.
Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh huy động hơn 93,6 tỷ đồng, tăng 44,6 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đề ra. Quỹ được quản lý chặt chẽ, an toàn, hỗ trợ hàng ngàn hộ nông dân vươn lên khá giàu, xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết hợp tác, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. Công tác đào tạo nghề cho nông dân được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Trong giai đoạn mới, công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân các cấp và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến vai trò của Hội Nông dân là Nghị quyết 19- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Nghị quyết số 20 – NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Điều đó tiếp tục khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị 12 CT/TU ngày 01/12/2021 về “Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Đặc biệt Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng, yêu cầu mới. Cùng với tiến trình phát triển chung của tỉnh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nghệ An đang đứng trước thời cơ mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Điều này đòi hỏi nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, công tác Hội và phong trào nông dân các cấp trên toàn tỉnh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân trong công cuộc phát triển mới.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua. Chú trọng giới thiệu, lan toả các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, cách làm giàu, gương điển hình nông dân khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tạo niềm tin và khát vọng trong hội viên nông dân quyết tâm vượt khó, mạnh dạn khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, quảng bá và tiêu thụ nông sản; nhân rộng các hình thức canh tác kỹ thuật mới và liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp…
Hội cũng triển khai mạnh mẽ Chương trình “Đồng hành cùng ngư dân bám biển”, hỗ trợ, động viên ngư dân khai thác hải sản hợp pháp gắn với nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phấn đấu mỗi năm 1 đơn vị cấp huyện xây dựng ít nhất 2 mô hình sinh kế cộng đồng giúp giảm nghèo bền vững; mỗi xã giúp ít nhất 1 hộ hội viên thoát nghèo. Triển khai sâu rộng cuộc vận động “Viên gạch nghĩa tình” hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hội viên nghèo, hội viên có điều kiện khó khăn về nhà ở.
Vận động nông dân hăng hái thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương, đất nước; xây dựng nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Cùng đó, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hướng về cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên và nông dân, tăng cường niềm tin và sự gắn bó của nông dân đối với tổ chức Hội.
Với phương châm “Đoàn kết – Sáng tạo – Hợp tác – Phát triển”, nhiệm kỳ 2023- 2028, cán bộ, hội viên và nông dân Nghệ An phát huy truyền thống quê hương Xô viết anh hùng, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Các cấp hội tích cực vận động, xây dựng nông dân Nghệ An phát triển toàn diện, văn minh, nghĩa tình, có năng lực làm chủ, tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết phát triển. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng Nghệ An thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại như mong muốn và kỳ vọng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.