Trước 'giờ G', Trump - Biden 'dốc toàn lực tại các bang chiến địa

(Baonghean.vn) - Chỉ còn một ngày nữa, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử được đánh giá là quyết liệt nhất, hấp dẫn nhất và cũng khó đoán định nhất trong nhiều mùa bầu cử trở lại đây. Trước thời khắc quan trọng này, cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đang “dốc toàn lực” cho các cuộc vận động tranh cử tại các bang chiến địa, bởi đây chính là nơi sẽ quyết định thành - bại trong cuộc đua cuối cùng vào Nhà Trắng.

Cuộc đua “siêu tốc độ”

Sẽ không có một “khoảng lặng” nào trước ngày bầu cử quyết định 3/11 khi cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều nỗ lực đến giờ phút cuối cùng để thu hút những lá phiếu cuối cùng của cử tri tại những bang chiến địa - những bang được đánh giá là “chỉ một lá phiếu cũng có giá trị” bởi vai trò trọng yếu trong chiến thắng cuối cùng của bất kỳ ứng cử viên nào.

Ông Donald Trump (phải) và Joe Biden cạnh tranh quyết liệt tại các bang chiến địa. Ảnh: The Guardian
Ông Donald Trump (phải) và Joe Biden cạnh tranh quyết liệt tại các bang chiến địa. Ảnh: The Guardian

Ông Donald Trump thể hiện quyết tâm rất cao trong việc giành được số phiếu đại cử tri tối đa tại các bang chiến địa.

Với việc bị đối thủ Joe Biden vượt lên dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò, ông Donald Trump thể hiện quyết tâm rất cao trong việc giành được số phiếu đại cử tri tối đa tại các bang chiến địa, lặp lại hình ảnh “làn sóng đỏ” đã mang lại chiến thắng  cho ông 4 năm trước đây. 14 cuộc mít-tinh vận động bầu cử trong 3 ngày cuối cùng - lịch trình của ông Donald Trump được ví như cuộc đua “siêu tốc độ” khiến đối thủ choáng váng.

Những nơi ông sẽ dừng chân trải rộng từ các bang miền Nam, đến các bang Trung Tây, và đặc biệt là các bang vành đai công nghiệp ở phía Bắc Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Đây là 3 bang được đánh giá là cứ địa của đảng Dân chủ mà ông bất ngờ giành được từ tay bà Hillary Clinton trong năm 2016. Bên cạnh đó, “phó tướng” Mike Pence của ông cũng được “tung” đến Bắc Caroline, còn phu nhân Melania sẽ làm nhiệm vụ tại Wisconsin và Pennsylvania.

Ông Donald Trump đặc biệt coi trọng Pennsylvania khi tuyên bố rằng “nếu thắng tại Pennsylvania, tôi sẽ thắng cả cuộc bầu cử!”. Với thời gian còn lại không nhiều để thu hút các cử tri mới, Tổng thống Donald Trump dành những ngày cuối cùng của mình để hướng tới mục tiêu: thuyết phục các cử tri ở nông thôn và tầng lớp lao động. Ông tập trung làm rõ sự khác biệt giữa hai lựa chọn, tương ứng với việc lựa chọn tên ai trong lá phiếu - Joe Biden hay Donald Trump: đó là chủ nghĩa xã hội hay thị trường tự do, là phong tỏa chống Covid-19 hay mở cửa trở lại, là đổ tiền vào các chương trình tốn kém của chính phủ hay cắt giảm thuế, là các ngành công nghiệp dựa trên “thuê ngoài” hay tự thân phát triển với nguồn lực hùng mạnh của nước Mỹ…

Những thông điệp mà ông Donald Trump truyền tải trong các cuộc vận động phản ánh đúng chiến lược mà đội ngũ của ông đã thúc đẩy từ hồi mùa hè, đó là ông Joe Biden không phải là người đáng tin cậy để có thể dẫn dắt nước Mỹ.
Cựu Tổng thống Obama xuất hiện bên cạnh ứng cử viên Joe Biden tại Michigan. Ảnh:nWall Street Journal
Cựu Tổng thống Obama xuất hiện bên cạnh ứng cử viên Joe Biden tại Michigan. Ảnh:nWall Street Journal

Trong khi đó, dù không dồn dập bằng chiến dịch của ông Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cũng tung ra “đòn quyết định” ở những bang chiến địa mà ông muốn biến màu đỏ của năm 2016 thành màu xanh của năm 2020: đó là cuộc vận động song hành cùng với cựu Tổng thống Barack Obama tại Michigan hôm thứ Bảy, là 4 cuộc vận động tại bang Pennsylvania trong hai ngày Chủ nhật và thứ Hai. Việc tổ chức ít sự kiện hơn tại những điểm đến trọng tâm là cách mà ông Biden làm nổi bật cách tiếp cận của ông với đối thủ Donald Trump trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng tại nước Mỹ.

Thông điệp tranh cử của ông cũng xoay quanh cam kết của đảng Dân chủ nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh, mà theo ông một phần xuất phát từ việc xử lý yếu kém của chính quyền Donald Trump. “Phó tướng” của ông Biden là bà Kamala Harris cũng được cử đến Florida để chặn đứng cơ hội chiến thắng của ông Donald Trump tại đây, bởi Florida được nhận định là chiến trường mà ông Donald Trump buộc phải thắng để có thẻ lách qua “khe cửa hẹp”.

“Đường hẻm” đấu “đại lộ”

Trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay, ngoài những bang có truyền thống bầu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa, có 14 bang được đánh giá là bang chiến địa với 208 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, 6 bang được coi là quan trọng nhất tác động đến kết quả cuối cùng là Florida, Arizona, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan và Bắc Carolina. 6 bang này nắm giữ tổng cộng 101 phiếu đại cử tri.

Con đường dẫn tới Nhà Trắng nhiệm kỳ tới giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden được ví von không khác gì “đường hẻm” đấu với “đại lộ”!

Thông tin không mấy thuận lợi với ông Donald Trump là các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Joe Biden đang dẫn trước tại cả 6 bang chiến địa này: tại Michigan ông Biden dẫn 9 điểm, Wisconsin là 8 điểm, Pennsylvania là 7 điểm; 5 điểm ở Arizona và Bắc Carolina và ở Florida là 3 điểm. Tính trên toàn quốc, ông Donald Trump đang để ông Joe Biden dẫn trước khoảng 9 điểm phần trăm. Chính vì vậy, con đường dẫn tới Nhà Trắng nhiệm kỳ tới giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden được ví von không khác gì “đường hẻm” đấu với “đại lộ”!

Trong 3 ngày cuối cùng, ông Donald Trump xuất hiện trong 4 cuộc vận động tranh cử tại Pennsylvania. Ảnh: New York Times
Trong 3 ngày cuối cùng, ông Donald Trump xuất hiện trong 4 cuộc vận động tranh cử tại Pennsylvania. Ảnh: New York Times

Với ông Donald Trump, nhiều mô hình phân tích cùng chỉ ra nguyên lý “Florida hoặc phá sản”, nghĩa là ông Donald Trump sẽ có rất ít “cửa thắng” nếu không giành được 29 phiếu đại cử tri của Florida. Nhưng ngay cả khi đã chiếm được thành trì Florida, ông Donald Trump vẫn chưa thể gom đủ 270 phiếu đại cử tri, buộc ông phải tính đến nơi mà ông có cơ hội giành chiến thắng là Pennsylvania. Đó là lý do chỉ trong 2 tuần cuối cùng trước ngày bầu cử, ông có tới 7 cuộc vận động tại Pennsylvania, xuất hiện tại mọi ngóc ngách của bang chiến địa cực kỳ quan trọng này.

Khi đã có trong tay Florida và Pennsylvania, nhiệm vụ nặng về của ông Donald Trump là phải thắng tại tất cả các bang chiến địa mà ông đã từng thắng hồi năm 2016. Ngoại trừ Ohio, ông Trump sẽ gặp không ít khó khăn tại những bang mà thái độ cử tri diễn biến rất phức tạp như Minnesota, Nevada, New Hamshire, Nebraska, Iowa… Với mô hình phân tích như vậy, quả thật ông Donald Trump có quá ít lựa chọn để tiến tới chiến thắng, và bất cứ sơ sảy nào trên “con đường hẻm” đó đều không còn cơ hội để làm lại.

Ngược lại, cơ hội giành chiến thắng của ông Biden lớn hơn rất nhiều. Cách đơn giản nhất là “Bắc tiến”, giành lấy 3 bang mà bà Hillary Clinton từng “sảy chân” hồi năm 2016 là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Nếu đảm bảo thắng tại các bang cứ địa của đảng Dân chủ cộng với 3 bang chiến địa này, ông Biden đã có trong tay 279 phiếu đại cử tri mà không cần thắng bất cứ bang nào khác ông Trump từng thắng hồi năm 2016. Nếu mất một trong 3 bang ở phía Bắc, ông Joe Biden hoàn toàn có thể quay sang phía nam Tây Nam với Arizona hoặc Bắc Carolina. Phe Dân chủ đang cực kỳ lạc quan có thể giành chiến thắng tại đây khi ứng cử viên Thượng viện của đảng Dân chủ là Mark Kelly được cử tri rất ủng hộ, và sự ủng hộ đó sẽ được chuyển tiếp thành sự ủng hộ cho ông Joe Biden.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại thành phố Annandale, bang Virginia ngày 29/10. Ảnh: AFP
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại thành phố Annandale, bang Virginia ngày 29/10. Ảnh: AFP

Ngay cả khi không giành được phiếu tại Arizona và Bắc Carolina, ông Biden vẫn có thể bù đắp lại bằng số phiếu từ các bang từng nghiêng về đảng Cộng hòa nhưng các khảo sát gần đây lại cho thấy ông Biden có lợi thế là Georgia, Ohio, Lowa… Ngoài ra, ông Biden còn có nhiều phương án dự phòng khác nằm ở Florida hay Texas để lấp đầy số phiếu còn trống.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, không phải ứng cử viên nào dẫn trước trong các cuộc thăm dò đều có thể nắm chắc phần thắng trong tay. Đó cũng chính là kịch bản đã xảy ra trong cuộc đua giữa ông Donald Trump và bà Hillary cách đây 4 năm. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn tiềm ẩn nhiều bất ngờ, và năm nay, những người ủng hộ ông Donald Trump vẫn hoàn toàn có thể chờ đợi “cú lội ngược dòng” ngoạn mục ở những phút cuối.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.