'Truy vết nơi thải độc giết cá không khó'

26/04/2016 19:16

Cá chết nhanh, bất thường trên diện rộng có thể do chất độc cực mạnh gây ra nên cần lấy mẫu nước, mẫu đất gần nơi xả thải sẽ sớm có kết luận.

Chiều 25-4, Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis) đã tổ chức cuộc họp khẩn về việc cá chết hàng loạt xảy ra ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Vinafis, cho biết cá chết đã gây ra thiệt hại cho người đánh bắt, người chăn nuôi, người buôn bán và hoạt động du lịch, khách sạn…

“Bây giờ cá tôm, hải sản chết liên quan đến sinh mạng con người nên việc tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục là rất cấp bách. Nếu xác định “thủ phạm” thì phải xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Thắng nói.

Lấy mẫu nước, mẫu đất nơi xả thải sẽ rõ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại cuộc họp, ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam nói: “Cá chết chủ yếu là ở tầng đáy, thường sống ổn định một nơi. Cá chết đầu tiên ở Hà Tĩnh cho thấy có chất cực độc gây ra”.

Ông Cương đặt vấn đề tại sao Nghệ An nằm cạnh Hà Tĩnh (về phía Bắc) nhưng cá không chết song các tỉnh phía Nam lại chết? “Theo tôi, phải có chất cực độc xuất phát từ Hà Tĩnh sau đó lan truyền vào các tỉnh phía trong và dòng hải lưu dẫn chất độc tới đâu thì chết đến đó. Như vậy, ô nhiễm biển đã lan truyền như thế nào và theo hướng nào đã có thể xác định rất rõ” - ông Cương lý giải.

Theo ông Cương, nguồn gây độc đầu tiên là Hà Tĩnh. Vào mùa này dòng hải lưu ven biển Việt Nam chảy theo hướng Bắc Nam. Vì vậy, nguồn độc xuất phát từ Hà Tĩnh rồi chảy vào Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế là phù hợp với thực tế. “Phải xác định rõ cá chết vì nguyên nhân gì, do độc tố gì. Nếu đặt nghi vấn là do xả thải thì phải lấy mẫu nước, mẫu đất gần khu vực xả thải thì sẽ rõ và có kết luận sớm thôi” - ông Cương gợi ý.

Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 24-4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, khẳng định ngày 25-4, bộ này sẽ tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên sâu để khẳng định có xác định được nguyên nhân hay không. Tuy vậy, trong ngày 25-4, phóng viên liên hệ tham dự đều không được. Sau đó, PV gọi điện thoại liên hệ với người có chức trách của bộ này để nắm thông tin nhưng không thành công.

UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết dọc biển.  Ảnh: VGP
UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết dọc biển. Ảnh: VGP

Hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Ngày 25-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám có công văn hỏa tốc kết luận cá chết bất thường. “Nguyên nhân cá chết nhanh, bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác”.

Bộ NN&PTNT giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân, tổng hợp và báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các tỉnh thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ cho người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Cùng ngày, sau khi nghe Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tình hình kiểm tra thực địa tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại. Từ đó, các tỉnh đề xuất biện pháp hỗ trợ cho ngư dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ KH&CN, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ các bộ TN&MT, NN&PTNT khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây ra cá chết bất thường và báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Thủ tướng cũng giao các bộ KH&ĐT, Công Thương, TN&MT và UBND cả nước chủ động rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

“Cá, tôm hay ngành thép chỉ chọn một”

Trả lời VTC sáng 25-4, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh, nói: “Nhiều khi được cái nọ thì mất cái kia. Tôi phải nói thật lòng. Chúng tôi không thể đặt một nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh lại có nhiều cá, nhiều tôm… Cố gắng nhưng có khi phải chấp nhận (hy sinh) một cái gì đó cho dự án”.

“Tại sao ngày xưa ở đây sản xuất lúa mà giờ lại không? Vì đã xây nhà máy rồi thì không thể có vụ lúa nào nữa. Nhiều khi mình không được cả hai thì phải lựa chọn muốn bắt cá, tôm hay muốn một ngành thép hiện đại (?!)”

Chiều cùng ngày, ông Phàm giải thích trên VNN: “Phóng viên hỏi tôi khi xây dựng nhà máy thì cá tôm đánh bắt được ít và không được đánh bắt ở khu vực này. Tôi trả lời: Khi chúng tôi vào đầu tư thì được cấp đất và một diện tích biển để làm cảng. Tỉnh đã giải phóng mặt bằng, người dân được tái định cư và chuyển đổi nghề. Trong khu vực phạm vi cảng FHS người dân không thể vào đó đánh bắt vì tàu bè công suất lớn đi lại nhiều”.

Kết luận mới nhất của Viện Hàn lâm khoa học

Ngày 18-4, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ đã cử tổ công tác để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cá chết tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tổ công tác đã khảo sát hiện trường, lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô.

Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 24-4 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu nên nguyên nhân cá chết do tràn dầu đã được loại bỏ.

Các trạm địa chấn trong khu vực không ghi nhận được trận động đất nào trên 5 độ Richter xảy ra tại khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Do vậy hiện tượng sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương cũng được loại trừ.

Để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến nguyên nhân cá chết hàng loạt, tổ công tác đang khẩn trương xác định tảo độc và phân tích các độc chất trong nước, trầm tích và các mẫu cá đã thu thập tại hiện trường.

Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

TIN LIÊN QUAN

'Truy vết nơi thải độc giết cá không khó'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO