Từ 1/6/2025, áp dụng bộ đề thi lý thuyết mới 600 câu trong sát hạch giấy phép lái xe
Từ ngày 1/6, bộ đề lý thuyết mới trong kỳ thi sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sẽ chính thức được áp dụng trên toàn quốc.
Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết, kể từ ngày 1/6 tới đây, toàn quốc sẽ chính thức triển khai bộ đề lý thuyết mới trong kỳ thi sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Việc này đánh dấu bước chuyển giao quan trọng về công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX – từ Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) sang Bộ Công an.

Không chỉ thay đổi đơn vị phụ trách, bộ đề thi mới còn được cải tiến toàn diện cả về nội dung lẫn cấu trúc, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và tính ứng dụng thực tế của người thi sau khi được cấp bằng.

Bộ đề mới bao gồm 600 câu hỏi, được phân chia theo từng chuyên mục, đảm bảo bao phủ đầy đủ các kiến thức cần thiết cho người điều khiển phương tiện. Ngoài những nội dung quen thuộc như Luật Giao thông, hệ thống biển báo và kỹ thuật lái xe, đề thi mới bổ sung thêm nhiều câu hỏi mô phỏng tình huống thực tế cũng như kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm.
Đây được xem là điểm nhấn đáng chú ý nhằm loại bỏ lối học thuộc lòng máy móc, buộc thí sinh phải hiểu bản chất và biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đặc biệt, bộ đề mới có nhóm câu hỏi “điểm liệt” – tập trung vào các hành vi vi phạm nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, lái xe có nồng độ cồn, đi ngược chiều hay không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT. Nếu trả lời sai bất kỳ một câu điểm liệt nào, thí sinh sẽ bị đánh trượt, bất kể tổng số câu đúng. Đây là cơ chế “chặn điểm liệt” nhằm đảm bảo người học không được lơ là với bất kỳ nội dung nào trong đề.
Cấu trúc đề thi cũng được phân hóa rõ ràng theo từng hạng Giấy phép lái xe:
Hạng A1, A2, B1 số tự động: 25 câu, yêu cầu trả lời đúng tối thiểu 21 câu và không sai câu điểm liệt.
Hạng B1 thường và B2: 35 câu, tối thiểu 32 câu đúng và không sai câu điểm liệt.
Các hạng C, D, E, F: 40 câu, yêu cầu ít nhất 37 câu đúng và tuyệt đối không được sai câu điểm liệt.
Thời gian làm bài vẫn duy trì trong khoảng 15 đến 20 phút, tùy theo hạng thi.
Đại diện Cục CSGT nhấn mạnh: Với bộ đề mới, thí sinh buộc phải thay đổi hoàn toàn phương pháp học truyền thống. Việc học mẹo, học tủ hay chỉ ôn lý thuyết một cách hời hợt sẽ không còn hiệu quả và dễ dẫn đến trượt, đặc biệt, khi gặp các câu hỏi điểm liệt hoặc tình huống thực tế khó hiểu nếu không nắm chắc kiến thức.

Cục cũng khuyến cáo thí sinh cần học toàn diện, chú trọng đến các kỹ năng xử lý tình huống và hiểu sâu Luật Giao thông. Ví dụ, khi ôn nhóm câu hỏi về vượt đèn đỏ hoặc điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, thay vì chỉ nhớ đáp án, thí sinh nên hiểu rõ mức phạt, nguy cơ gây tai nạn và hậu quả pháp lý liên quan – từ đó, tạo nền tảng kiến thức vững chắc, phục vụ an toàn giao thông thực sự sau khi có bằng.