Từ hôm nay (6/2), các phương tiện cơ giới được chạy trên cầu Cửa Hội
(Baonghean.vn) - Các phương tiện cơ giới sẽ được chạy trên cầu Cửa Hội, nối Nghệ An và Hà Tĩnh từ ngày 6/2 đến 15/3, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngày 5/2, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay đã quyết định thông xe kỹ thuật cầu Cửa Hội. Theo đó, cho phép các loại xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy, ô tô dưới 15 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn được qua cầu Cửa Hội với tốc độ tối đa 50 km/h.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, Nghệ An và Hà Tĩnh tại lễ phát lệnh hợp long cầu Cửa Hội ngày 13/10/2020. Ảnh tư liệu: Thành Duy |
Cầu Cửa Hội đến nay đã cơ bản hoàn thành phần cầu chính. Tuy nhiên, đoạn đường dẫn đầu cầu dài 1,1 km thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vẫn đang trong giai đoạn chờ gia tải để xử lý nền đất yếu.
Đại diện Ban QLDA 6 cho biết, hiện nay, công trình cầu Cửa Hội trừ đoạn đường dẫn phía Hà Tĩnh khoảng 1 km đã được thi công cơ bản hoàn thành toàn bộ hạng mục, kể cả hệ thống an toàn giao thông. Riêng đoạn đường dẫn phía Hà Tĩnh từ Km2+144,3 đến Km3+221 đang trong thời gian gia tải, theo dõi lún. Đối với đoạn đường này, hiện Ban QLDA 6 đã chỉ đạo nhà thầu làm xong lớp đá xô bồ, base và tiến hành lu lèn chặt, tưới thấm. Đồng thời, phối hợp với Cục QLĐB 2 bố trí hệ thống cọc tiêu và các biển báo như đường hẹp, đi chậm, đoạn đường đang gia tải theo dõi lún... theo quy định để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông đi lại thuận lợi.
Cầu Cửa Hội trước ngày hợp long. Ảnh tư liệu: Đăng Khoa - Quang Dũng |
Để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 và các nhà thầu hoàn thành đoạn mặt đường đang gia tải, đảm bảo êm thuận, an toàn cho phương tiện đi lại. Sau Tết, các nhà thầu sẽ đóng cầu để tiếp tục thực hiện dự án.
Cầu Cửa Hội dài 5,2 km, trong đó, phần cầu chính dài 1,7 km, rộng 18,5m, phần cầu dẫn rộng 16m. Ở phía Nghệ An, công trình nằm trên phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), đầu còn lại ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Công trình khởi công tháng 2/2019, có tổng đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 450 tỷ đồng, còn lại là vốn góp của hai địa phương.
Đây là cầu đường bộ thứ tư, sau 2 cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 và cầu Yên Xuân nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Công trình được kỳ vọng cải thiện hệ thống giao thông hai bờ sông Lam, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch, đảm bảo quốc phòng - an ninh các tỉnh miền Trung.