Từ người sáng lập quốc gia đến biểu tượng đoàn kết toàn dân tộc
Giữa thời đại số hóa và toàn cầu hóa, câu chuyện "Con Rồng cháu Tiên" - một huyền thoại thiêng liêng về nguồn cội dân tộc Việt, đang phải đối mặt với những ánh nhìn thiếu thiện chí... Tuy nhiên, Những huyền thoại này, dù được khoác lên tấm áo hoang đường, nhưng lại là những mảnh ghép văn hóa quý giá, phản ánh tư duy và đặc trưng của các nền văn minh cổ đại.
Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, không ít thành phần thiếu hiểu biết lại mượn tính chất truyền thuyết để công kích, xúc phạm ngày lễ trọng đại này. Họ dường như không nhận thức được rằng, các quốc gia trong khối văn hóa Đông Á như Trung Hoa, Triều Tiên hay Nhật Bản hay đều có những câu chuyện thần thoại riêng, để lý giải về nguồn gốc tổ tiên như vậy. Đây không đơn thuần là câu chuyện hoang đường, mà là là một hiện tượng văn hóa phổ biến, và sợi dây kết nối tinh thần dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Huyền thoại cội nguồn: Điểm tương đồng văn hóa các dân tộc Đông Á
Trong dòng chảy văn minh nhân loại, mỗi dân tộc đều mang trong mình khát vọng tìm về nguồn cội nên đều có những câu chuyện huyền thoại của riêng mình. Trước khi khoa học và chữ viết định hình nên những trang sử chính thống, con người đã dệt nên những huyền thoại để lý giải về sự hiện diện của mình trên thế giới này. Đặc biệt ở những quốc gia Đông Á, những câu chuyện về nguồn gốc dân tộc đều mang đậm màu sắc thần thoại - một điểm tương đồng văn hóa đáng chú ý nhưng thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận hiện đại. Những huyền thoại này, dù được khoác lên tấm áo hoang đường, nhưng lại là những mảnh ghép văn hóa quý giá, phản ánh tư duy và đặc trưng của các nền văn minh cổ đại.
Tại Trung Hoa, câu chuyện về Tam Hoàng không đơn thuần là huyền thoại về nguồn gốc, mà còn là bức tranh toàn cảnh về quá trình khai phá văn minh. Phục Hy và Nữ Oa - hai vị thần mang hình hài nửa người nửa rắn - không chỉ tượng trưng cho sự giao thoa giữa tự nhiên và nhân văn, mà còn thể hiện quan niệm âm dương của người Hoa cổ đại. Việc Nữ Oa tạo ra con người từ đất sét phản ánh mối liên hệ mật thiết giữa con người với đất mẹ, trong khi Phục Hy với vai trò người tạo ra chữ viết và dạy săn bắt lại thể hiện bước tiến của nhân loại từ nguyên thủy đến văn minh.

Đặc biệt, hình tượng Thần Nông với sự miêu tả trong sử sách là người "đầu bò, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt, đuôi bọ cạp, chân rết" không đơn thuần là sự mô tả kỳ dị, mà là sự kết hợp tinh tế các biểu tượng: sức mạnh của trâu bò trong canh tác, sự bền bỉ của kim loại, và sự cần cù của côn trùng. Đây chính là hiện thân của nền nông nghiệp - nền tảng văn minh lúa nước Đông Á.
Còn tại Hàn Quốc, huyền thoại Đàn Quân của người Hàn lại mang một thông điệp khác. Câu chuyện về con trai Thiên Đế kết duyên với gấu cái hóa người không chỉ thể hiện mối liên hệ giữa thế giới thần linh và trần thế, mà còn phản ánh quá trình chuyển đổi từ xã hội săn bắt (biểu tượng qua hình tượng gấu) sang xã hội văn minh. Con số 1.908 tuổi của Đàn Quân, dù không thể giải thích theo logic hiện đại, nhưng lại là cách người xưa thể hiện tính liên tục và bền vững của nền văn hóa dân tộc.

Vậy thì, trong bối cảnh đó, huyền thoại Con Rồng cháu Tiên của người Việt ta cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ với bọc trăm trứng không chỉ là câu chuyện về nguồn gốc, mà còn là biểu tượng cho sự đa dạng và thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Rồng - biểu tượng của nước, và Tiên - biểu tượng của núi, phản ánh đặc điểm địa lý và văn hóa đặc trưng của không gian Việt cổ, nơi có sự giao thoa giữa văn minh sông nước và văn hóa miền núi.
Tuổi thọ 145 năm của các vua Hùng nước ta, cũng như 1.908 tuổi của Đàn Quân nước Hàn, hay hình hài kỳ dị của Thần Nông nước Tàu, đều không nên được xem xét dưới góc độ khoa học thực chứng. Thay vào đó, chúng cần được hiểu như những ẩn dụ văn hóa, những cách thức mà người xưa dùng để truyền tải các giá trị tinh thần và đạo đức của dân tộc.Những con số phi thực tế này rất cần được hiểu như những biểu tượng văn hóa, chứa đựng những thông điệp về nguồn gốc thuở ban sơ, bản sắc và niềm tự hào dân tộc.
Có thể nói, việc các dân tộc Đông Á sở hữu những huyền thoại mang tính hoang đường trong lịch sử khởi nguyên của mình không phải là dấu hiệu của sự lạc hậu. Ngược lại, đây chính là minh chứng cho sự tương đồng trong tư duy văn hóa, là cách thức các dân tộc cổ đại giải thích về nguồn gốc và truyền tải các giá trị văn hóa, đạo đức của mình qua nhiều thế hệ. Người Hán tự xưng là con cháu Tam Hoàng, người Hàn nhận mình là con cháu Đàn Quân, thì người Việt ta cũng tự hào là con Rồng cháu Tiên chính là lẽ đó.
Thời đại Hùng Vương - sự ghi nhận chính thức từ lịch sử
Nhiều ý kiến cho rằng triều đại Hùng Vương chỉ là sự sáng tạo của các nho sĩ/sử quan thời Lê khi biên soạn bộ "Đại Việt sử ký toàn thư". Tuy nhiên, khi đối chiếu với các nguồn tư liệu lịch sử, đặc biệt là các văn bản từ thời Trần trở về trước, quan điểm này bộc lộ nhiều điểm thiếu thuyết phục.
Bằng chứng sớm nhất và đáng tin cậy nhất về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương đến từ tấm văn bia "Cổ tích thần từ bi ký" do nho sĩ Trương Hán Siêu soạn vào năm 1312. Văn bia này đã trực tiếp đề cập đến "Hùng Vương thứ sáu" và việc xây dựng đài Kính Thiên, chứng tỏ ngay từ đầu thế kỷ XIV, khái niệm về Hùng Vương đã được tầng lớp nho sĩ trí thức ghi nhận trong các văn bản chính thống.

Tiếp đến, ba tác phẩm quan trọng thời Trần đã cung cấp những thông tin chi tiết về thời kỳ này. "Lĩnh Nam chích quái" với 22 truyện không chỉ ghi chép về nguồn gốc Hùng Vương, quốc hiệu Văn Lang mà còn chứa đựng nhiều truyền thuyết gắn với các đời vua Hùng cụ thể. Trong đó, truyện "Họ Hồng Bàng" đã mô tả chi tiết về nguồn gốc dân tộc và sự hình thành triều đại Hùng Vương: "Âu Cơ đem 50 người con trai ở đất Phong Châu, chọn người hùng trưởng, tôn lập làm chủ, gọi là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang".
Tác phẩm "Việt điện u linh" của Lý Tế Xuyên, xuất hiện vào năm 1329, cũng đã ghi chép về triều đại Hùng Vương thông qua truyện Tản Viên. Tác phẩm này đề cập đến mối quan hệ ngoại giao giữa nước Văn Lang với nước Thục thông qua câu chuyện về công chúa Mỵ Nương, con gái vua Hùng.
Đặc biệt quan trọng là tác phẩm "Việt sử lược", được biên soạn khoảng năm 1377, được xem là bộ sử biên niên cổ nhất còn lưu truyền đến ngày nay. Tác phẩm này không chỉ định vị thời điểm Hùng Vương trong mối tương quan với lịch sử Trung Hoa (thời Chu Trang Vương, 696-682 TCN), mà còn ghi nhận cụ thể về 18 đời Hùng Vương, vị trí đóng đô và tổ chức nhà nước Văn Lang.
Sự xuất hiện liên tục của các tài liệu này từ thời Trần cho thấy câu chuyện về Hùng Vương không phải là "sáng tạo đột ngột" của thời Lê. Thực tế, đã tồn tại một mạch ghi chép lịch sử liên tục từ thời Lý với Sử ký của Đỗ Thiện, qua thời Trần với ba tác phẩm quan trọng nêu trên, và được kế thừa, phát triển trong Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê.
Việc phủ nhận sự tồn tại của thời đại Hùng Vương dựa trên lập luận "sáng tạo thời Lê" là thiếu cơ sở khi xét đến tính liên tục trong ghi chép lịch sử từ Lý - Trần - Lê, sự đa dạng của các nguồn tư liệu từ văn bia, sử sách đến truyền thuyết, và đặc biệt là độ tin cậy của các tài liệu dưới thời Trần. Dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ các chi tiết về thời kỳ này, nhưng không thể phủ nhận tính lịch sử của thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam cổ đại.
Có thể nói, việc các sử quan thời Lê kéo dài lịch sử dân tộc thêm hơn hai ngàn năm so với sử sách dưới triều Trần không phải là sự "bịa đặt" mà là kết quả của quá trình kế thừa và phát triển tri thức lịch sử, dựa trên nền tảng các tư liệu đã có từ trước. Điều này phản ánh nỗ lực của các thế hệ sử gia trong việc tìm về cội nguồn dân tộc, đồng thời khẳng định tính chân thực của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam.
"Quốc tổ Hùng Vương" - từ người sáng lập quốc gia đến biểu tượng thống nhất dân tộc
Trong những năm gần đây, một số ý kiến cho rằng việc tôn xưng Hùng Vương là "Quốc tổ" là không phù hợp, với lập luận cho rằng Hùng Vương chỉ là tổ tiên của người Kinh (Việt), không phải là tổ tiên của 53 dân tộc thiểu số khác như Mông, Thái, Tày... Tuy nhiên, quan điểm này đã bộc lộ sự hiểu lầm cơ bản về khái niệm "Quốc tổ" trong văn hóa - lịch sử Việt Nam.
Cần phải hiểu rằng "Quốc tổ" không đơn thuần mang nghĩa "tổ tiên của cả nước" theo nghĩa huyết thống. Mà là, "Quốc" chỉ đất nước, quốc gia, còn "Tổ" không chỉ có nghĩa là tổ tiên, mà còn mang nghĩa "người sáng lập", "người khởi dựng". Chính sử đã ghi nhận rõ vai trò của Hùng Vương trong việc "dựng nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu". Đây chính là cơ sở để tôn vinh Hùng Vương là Quốc tổ - người sáng lập nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, ta có thể so sánh với một số trường hợp tương tự. Lạc Long Quân, dù là cha của Hùng Vương (thứ nhất) nhưng không được gọi là Quốc tổ vì không phải người sáng lập nhà nước Văn Lang. Tương tự như Phật tổ được gọi là tổ của đạo Phật không phải vì là tổ tiên huyết thống của các phật tử, mà vì là người sáng lập ra đạo Phật. Hay như các vị vua sáng nghiệp như Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ đều mang miếu hiệu "tổ" vì là người sáng lập triều đại.
Minh chứng rõ ràng nhất là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đền Hùng ngày 18-9-1954 đã khẳng định rõ vai trò của các Vua Hùng qua câu nói nổi tiếng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói này nhấn mạnh vai trò của Hùng Vương là người đặt nền móng cho nhà nước Việt Nam, không phải với tư cách tổ tiên huyết thống.
Việc tôn vinh Hùng Vương là Quốc tổ trong bối cảnh hiện đại mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết, nó khẳng định tính liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Thứ hai, đây là điểm tựa tinh thần, biểu tượng đoàn kết cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, đây là sự ghi nhận xứng đáng công lao của người đặt nền móng đầu tiên cho nhà nước Việt Nam.
Như vậy thì, việc gọi Hùng Vương là Quốc tổ hoàn toàn phù hợp với cả nghĩa gốc của từ và ý nghĩa lịch sử. Đây không phải là vấn đề huyết thống hay nguồn gốc tộc người, mà là sự ghi nhận công lao của người sáng lập nhà nước đầu tiên trên đất nước Việt Nam, đồng thời là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc trong thời đại ngày nay. Việc hiểu đúng về khái niệm "Quốc tổ" sẽ giúp chúng ta trân trọng hơn giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, đồng thời củng cố thêm tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.