Xã hội

"Tủ sách Cá gỗ" lan tỏa và nuôi dưỡng văn hóa đọc

Diệp Thanh 21/04/2025 20:44

"Tủ sách Cá gỗ" là một trong nhiều nhóm được thành lập với mục đích nhân rộng và phát triển hơn nữa chương trình "Sách hóa nông thôn" tại Nghệ An. Từ chương trình này, nhiều tủ sách đã được tặng cho thư viện các trường học nhằm giúp học sinh ở nhiều khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận sách và nuôi dưỡng văn hóa đọc. Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với anh Trần Viết Khánh – người sáng lập và phụ trách dự án "Tủ sách Cá gỗ".

1.png

Thực hiện: Mỹ Hà - Kỹ thuật: Diệp Thanh
Ngày xuất bản: 21/4/2025

"Tủ sách Cá gỗ" là một trong nhiều nhóm được thành lập với mục đích nhân rộng và phát triển hơn nữa chương trình "Sách hóa nông thôn" tại Nghệ An.

Từ chương trình này, nhiều tủ sách đã được tặng cho thư viện các trường học nhằm giúp học sinh ở nhiều khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận sách và nuôi dưỡng văn hóa đọc. Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với anh Trần Viết Khánh – người sáng lập và phụ trách dự án "Tủ sách Cá gỗ".

P.V: “Sách hóa nông thôn” là chương trình xã hội ý nghĩa nhằm cổ vũ phong trào đọc sách, mang tri thức đến với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam. Cơ duyên nào đưa anh đến với chương trình này?

5.png
Những cuốn sách đến với học sinh vùng cao Nghệ An. Ảnh: CSCC

Anh Trần Viết Khánh: Sách hóa nông thôn là chương trình ý nghĩa đã được anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng và nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chương trình hiện đang được nối dài bởi một cộng đồng thành viên xã hội rộng lớn, bao gồm các nhân sĩ trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội và cả học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2016, chương trình “Sách hóa nông thôn” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO trao tặng Giải thưởng quốc tế Literacy Prize (giải về xóa mù tri thức), được Thư viện Hoa Kỳ tặng giải thưởng về truyền bá tri thức.

2.png
Anh Trần Viết Khánh (áo trắng, thứ 3 từ trái sang) và các thành viên của nhóm đưa "Tủ sách Cá gỗ" về với học sinh huyện Kỳ Sơn. Ảnh: CSCC

Là một người yêu đọc sách, khi biết đến anh Nguyễn Quang Thạch và biết đến dự án này, tôi đã tham gia ủng hộ, dù khi ấy tôi đang công tác tại nước ngoài. Sau này, khoảng năm 2016 khi trở lại Việt Nam và ổn định công việc, tôi đã cùng với khoảng 10 người bạn nữa, đa số là người Nghệ An thành lập nhóm "Tủ sách Cá gỗ". Ngay từ ban đầu, chúng tôi không tham vọng sẽ phủ sóng được nhiều địa bàn như chương trình "Sách hóa nông thôn" đã đề ra. Thay vào đó, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ trao tặng những tủ sách cho các trường học ở các huyện miền núi của Nghệ An như Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương... nơi chúng tôi đã lớn lên và còn rất nhiều khó khăn.

P.V: Một trong những mô hình của "Sách hóa nông thôn" là "Tủ sách lớp học". Đây dường như cũng là hướng đi mà các anh đã triển khai trong nhiều năm qua tại nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An. Vì sao các anh lại đặt tên là "Tủ sách Cá gỗ"?

3.png
Trao tặng sách cho học sinh Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn. Ảnh: CSCC

Anh Trần Viết Khánh: Ngay từ đầu, chúng tôi đã mong muốn sẽ tặng được nhiều tủ sách cho các lớp học, nhất là ở những trường dân tộc bán trú, nơi mà các em sẽ học và ở lại suốt 1 tuần tại trường và không có nhiều điều kiện để đọc sách. Thực tế, trong quá trình triển khai, khi chọn nơi đặt tủ sách, chúng tôi thường chọn ở thư viện trường, trong lớp học hoặc ở không gian trung tâm của nhà trường, nơi các em có nhiều cơ hội để tiếp cận với sách. Tôi nhớ, những chuyến đi đầu tiên vào khoảng năm 2017, chúng tôi đã tặng gần 100 tủ sách cho các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Những nơi chúng tôi đến, nơi nào các phụ huynh, nhà trường hỗ trợ làm tủ sách trong lớp học, chúng tôi sẽ bố trí tủ sách cho riêng từng lớp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tặng sách cho thư viện của trường.

Từ những ngày mới triển khai, chúng tôi cũng đã gọi tên chương trình là "Tủ sách Cá gỗ". Ngay tên "Cá gỗ" là nghĩ đến người xứ Nghệ, nhận diện đây là tủ sách hướng về Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đằng sau đó chúng tôi cũng gửi gắm nhiều ý nghĩa khác như "Cá gỗ" là chăm chỉ học hành. Chúng tôi cũng hy vọng, từ những cuốn sách mình trao tặng sẽ giúp học sinh được tiếp cận đến nhiều nguồn tri thức khác nhau, nuôi dưỡng cho các em tình yêu sách và xây dựng văn hóa đọc trong các nhà trường.

7.png
Những cuốn sách đã được trao đến từng lớp học nhằm xây dựng tủ sách cho các nhà trường. Ảnh: CSCC

P.V: Chương trình của các anh được triển khai theo tinh thần thiện nguyện. Anh hãy chia sẻ thêm về quá trình thực hiện?

Anh Trần Viết Khánh: Cho đến thời điểm này, chương trình của chúng tôi đã triển khai được gần 8 năm với rất nhiều tủ sách được trao tặng. Mặc dù vậy, so với mục tiêu đã đặt ra còn rất khiêm tốn. Trước đây, mỗi năm chúng tôi tổ chức được 5 - 6 chuyến đi để tặng sách cho các nhà trường. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 do công việc và thành viên của nhóm có nhiều biến động nên số lượng sách tặng không được nhiều như trước nữa. Bản thân tôi và các thành viên luôn mong muốn và nỗ lực để chương trình sẽ được duy trì lâu dài...

4.png
Anh Trần Viết Khánh giới thiệu sách cho các học sinh. Ảnh: CSCC

Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, chương trình của chúng tôi không có nguồn quỹ duy trì thường xuyên. Việc huy động chỉ được thực hiện khi bắt đầu một chuyến đi mới. Chúng tôi cũng không nhận hỗ trợ với số tiền lớn mà thay vào đó chúng tôi sẽ huy động theo từng đợt nhỏ, tùy theo yêu cầu của các chương trình. Rất nhiều người đã đồng hành với chúng tôi trong nhiều năm. Dù số tiền mỗi lần đóng góp không nhiều, có khi mỗi người chỉ vài chục, vài trăm ngàn đồng nhưng tất cả chúng tôi khi tham gia chương trình đều thấy rất vui và ý nghĩa. Sau mỗi chuyến đi, các thông tin đều được công khai minh bạch để mỗi người đều thấy được hiệu quả của chương trình.

10.png
Niềm vui của các em học sinh bên những cuốn sách mới được trao tặng. Ảnh - CSCC

Một trong những chuyến đi gần đây nhất của "Tủ sách Cá gỗ" đó là ủng hộ gần 800 đầu sách cho Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương) vào cuối tháng 12/2024. Sau đó, chúng tôi đã nhận được Thư cảm ơn của hiệu trưởng và thấy vui vì ban giám hiệu nhà trường đã cam kết sử dụng tủ sách hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, cho cán bộ, giáo viên. Điều đó, cũng giúp nhà trường tiếp tục sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê học hỏi và phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

P.V: Đã đồng hành với chương trình nhiều năm, điều anh trăn trở nhất khi thực hiện việc tặng sách, xây dựng các tủ sách lớp học cho các trường là gì?

Anh Trần Viết Khánh: Tôi lớn lên ở huyện miền núi Con Cuông nhưng cũng nhờ những chuyến đi tặng sách mới biết đến các huyện miền núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn và biết được nơi đây còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

9.png
Tủ sách Cá gỗ tặng sách cho học sinh Trường PT DTBT THCS Huồi Tụ - Kỳ Sơn. Ảnh: CSCC

Do cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nên sách đối với học sinh vùng cao vẫn là một món quà xa xỉ. Thực ra, ngay ở nơi tôi sinh ra cũng thế. Trên địa bàn huyện, ngoài bán sách giáo khoa thì chưa có một nhà sách quy mô nào bán các sách tham khảo, sách thưởng thức... Nếu có thì rất lẻ tẻ. Lứa chúng tôi ngày trước lớn lên ở một thị trấn nghèo đều rất ham đọc sách. Bản thân tôi có thể ngồi cả ngày ở thư viện của huyện và chỉ về khi cô thủ thư đóng cửa. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nhờ đọc sách, đầu óc của mình đã được mở mang, tôi đã học được nhiều từ những trang sách được đọc từ ngày nhỏ.

Khi triển khai chương trình, chúng tôi cũng đặt mình vào các em học sinh và luôn muốn những cuốn sách sẽ đến được đúng với học trò, phát huy được giá trị. Thường khi tặng sách, trong chỉ tiêu của chúng tôi sẽ có 20% là sách lịch sử, 20% là sách khoa học, 20% là các sách về danh nhân, 10% là các truyện dài. Với lứa tuổi nhỏ hơn, chúng tôi cũng rất cân nhắc khi lựa chọn. Ví dụ, chúng tôi rất hay mua sách Doraemon cho các tủ sách nhưng sẽ chọn những cuốn sách vừa giải trí, vừa học tập. Tôi hy vọng, từ những cuốn sách hay sẽ tạo cho các em hứng thú khi đến với sách và dần dần bồi đắp tình yêu với sách.

ema web (1)
Sách của "Tủ sách Cá gỗ" đến với học sinh vùng cao huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC

Cũng vì lý do này, khi bắt đầu với một tủ sách, chúng tôi có yêu cầu hơi cao, cần sự đối ứng của nhà trường. Nghĩa là chúng tôi sẽ tặng sách cho các lớp nhưng tôi muốn cả thầy cô và phụ huynh cùng chung tay để xây dựng tủ sách cho học trò. Nếu cả hai bên cùng hợp tác thì ý nghĩa của chương trình sẽ hiệu quả, đi vào thực chất, làm sao sau khi trao tặng những cuốn sách phải đem đến giá trị thực sự cho học trò.

P.V: Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay đã không còn yêu sách như ngày xưa. Cá nhân anh có đồng tình với ý kiến này không và điều đó có làm giảm nhiệt huyết của các thành viên khi tham gia chương trình "Tủ sách Cá gỗ"?

Anh Trần Viết Khánh: Như tôi đã chia sẻ, ngày trước chưa có điện thoại, chưa có Internet, chưa phải học thêm nhiều... nên sách thực sự là người bạn tuổi thơ của rất nhiều người. Có những cuốn chúng ta đọc đi đọc lại rất nhiều lần, truyền tay nhau và lưu giữ từ năm này qua năm khác. Hiện nay, có lẽ cuộc sống có nhiều thay đổi nên các bạn trẻ sống nhanh hơn, đọc sách cũng nhanh hơn. Tất nhiên vẫn có những người yêu sách nhưng ngoài sách, các bạn trẻ hiện nay có thêm nhiều kênh khác để giải trí.

11.png
Các thành viên nhóm "Tủ sách Cá gỗ" chuẩn bị sách để trao tặng cho các nhà trường. Ảnh: CSCC

Dù có những thay đổi nhưng chúng tôi vẫn cho rằng việc đưa sách về với những vùng khó khăn là điều cần thiết. Thực tế, rất nhiều nơi hiện nay học sinh chưa có cơ hội được tiếp cận với sách. Vì thế, nếu các trường đề xuất, chúng tôi sẽ cố gắng trong khả năng của mình để mang sách tới các học trò. Dù đóng góp của chúng tôi chưa nhiều, người đóng ít, người đóng nhiều nhưng tôi tin sẽ “tích tiểu thành đại”, từ “văn hóa đọc” sẽ “kết nối cộng đồng” và vui khi được chia sẻ trách nhiệm của mình với xã hội.

P.V: Cảm ơn anh đã tham gia trò chuyện!

Trưởng nhóm "Tủ sách Cá gỗ" - Trần Viết Khánh sinh năm 1987 tại huyện Con Cuông. Anh tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và hiện làm kỹ sư Công nghệ thông tin tại một cơ quan viễn thông của Quân đội.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

"Tủ sách Cá gỗ" lan tỏa và nuôi dưỡng văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO