Từ tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực của việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng”: Sẽ có hội thảo đánh giá toàn diện!
Liên quan việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng ở xã Na Ngoi, mới đây, Sở NN&PTNT có Văn bản số 5581/SNN-KHTC gửi UBND huyện Kỳ Sơn, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn và Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh.
Làm rõ, khắc phục nội dung Báo phản ánh
Ngày 13/12/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 5581/SNN-KHTC về việc hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn gửi UBND huyện Kỳ Sơn, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn và Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh.
Nội dung Công văn số 5581/SNN-KHTC thể hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Chi cục Kiểm lâm báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin Báo Nghệ An phản ánh việc trồng dược liệu của Công ty Cổ Phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Báo cáo số 1142/BC-CCKL ngày 12/11/2024).
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh thực hiện nghiêm túc Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN ngày 10/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Phương án hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn.
Trong trường hợp phát sinh các nội dung trên thực tiễn, phải trình cơ quan có chức năng xem xét, điều chỉnh trước khi tổ chức thực hiện; nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, đảm bảo mục tiêu rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt hơn.
Với Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo: “Tiếp tục triển khai nghiêm túc các nội dung hợp tác, liên kết theo đúng Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN ngày 10/8/2023 đã được phê duyệt. Giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra các nội dung thực hiện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tại vị trí liên doanh, liên kết được phê duyệt; phê duyệt, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo đúng quy định của pháp luật”.
Đồng thời yêu cầu: “Làm rõ, khắc phục các nội dung liên quan theo phản ánh của Báo Nghệ An số ra ngày 29-30/10/2024 và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong lâm phần được giao quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; thực hiện tốt các chính sách về lâm nghiệp đảm bảo truyền tải tối đa các nguồn lực để người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý kịp thời, nghiêm túc các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; theo dõi, giám sát thường xuyên các hợp tác, liên kết trong phát triển rừng, đảm bảo tạo nguồn sinh kế mới, bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc sinh sống, cư trú hợp pháp tại địa phương. Và “Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn tham mưu cho UBND huyện Kỳ Sơn giải quyết dứt điểm những hạn chế, tồn tại (nếu có) theo phản ánh của Báo Nghệ An số ra ngày 29-30/10/2024”.
Cũng tại Công văn số 5581/SNN-KHTC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá huyện Kỳ Sơn là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, có nhiều tiềm năng trong phát triển lâm nghiệp, nâng cao các giá trị đa dụng của rừng, nhất là các loại cây dược liệu quý. Hiện tại, trên địa bàn huyện đang triển khai thí điểm một số mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tạo nguồn sinh kế mới, bền vững cho người dân địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn: “Cần xem xét tổ chức hội thảo để đánh giá các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn, nhất là các loại dược liệu quý. Đồng thời, đề nghị UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn”.
Sẽ tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện
Liên quan việc trồng sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn từ ngày 29 – 31/10/2024, Báo Nghệ An đăng tải tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực của việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng”. Tiếp nhận thông tin Báo Nghệ An phản ánh, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, làm rõ. Qua kiểm tra, xác định việc trồng sâm Ngọc Linh chưa đúng với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, có tác động đến rừng phòng hộ.
Dù vậy, với những căn cứ xác thực, ngày 18/11/2024, Báo Nghệ An tiếp tục có bài “Qua kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng: Cần kịp thời, nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm!”. Nội dung khẳng định việc trồng sâm Ngọc Linh đã có những tác động tiêu cực, làm thay đổi trạng thái và thu hẹp diện tích rừng phòng hộ Puxailaileng. Qua đó, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm chấn chỉnh.
Mới đây, P.V Báo Nghệ An tìm hiểu được biết, sau khi bị cơ quan chức năng tạm dừng các hoạt động phát sinh mới trong vùng hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại rừng phòng hộ Puxailaileng, xã Na Ngoi, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị cho được điều chỉnh một số nội dung trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
Tuy nhiên tại văn bản hồi đáp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo đến Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh rằng, việc điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Đồng thời khẳng định, việc điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải đúng với quy định của Luật Lâm nghiệp và các Nghi định liên quan, đảm bảo thực hiện song song mục tiêu phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng.
Theo người có trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh vẫn phải tạm dừng các hoạt động phát sinh mới trong việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn.
Vì qua xác minh thông tin Báo Nghệ An phản ánh, các đoàn kiểm tra đã chỉ ra một số tồn tại, cần phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật; đồng thời cho hay, cùng với đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn xem xét tổ chức hội thảo đánh giá các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức hội thảo về nội dung này.
Người có trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Sở sẽ mời các nhà khoa học tham dự hội thảo để đảm bảo tính khách quan khi đánh giá về việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng…”.