Tư vấn du học - 'trăm hoa đua nở'

17/08/2016 17:58

(Baonghean) - Những năm gần đây, nhu cầu du học tự túc tăng, các loại hình tư vấn du học được mở ra rất nhiều ở thành phố Vinh. Tuy nhiên, cùng với đó nảy sinh những bất cập, vi phạm gây bức xúc cho bộ phận nhân dân tiếp cận dịch vụ này.

Không như quảng cáo

Qua tìm hiểu, một số phụ huynh đã và đang cho con đi du học, vấn đề phổ biến là nhiều người vì không rành thông tin chọn trường cho con du học mà phó thác cho các trung tâm tư vấn dẫn đến nhiều “trục trặc” không mong muốn xảy ra. Chị Đặng Thị Hải Anh ở phường Hồng Sơn (TP. Vinh) ký hợp đồng làm giấy tờ cho con du học Australia với số tiền gần 1.500 USD, thời gian hoàn thành thủ tục sau 3 tháng. Tuy nhiên, sau thời gian này, phía công ty lại yêu cầu đóng thêm khoản tiền tương đương nữa mới có thể hoàn tất thủ tục... “Chờ mãi mà thủ tục xin visa vẫn không thể hoàn thiện. Gia đình phải xoay xở đủ cách mới đòi lại được một nửa số tiền đã đóng” - chị Hải Anh bức xúc.

Tư vấn về du học Nhật Bản ở một trung tâm du học trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: M.Q
Tư vấn về du học Nhật Bản ở một trung tâm du học trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: M.Q

Để rõ hơn thực tế, chúng tôi đến một trung tâm tư vấn du học ở Đại lộ Lê-nin. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn sang Nhật Bản tìm một công việc có thu nhập cao hơn so với trong nước, một nhân viên tư vấn lập tức giới thiệu về chương trình tuyển sinh du học Nhật Bản dành cho những người có nhu cầu vừa học vừa làm, theo đó mức lương sẽ là 33 triệu đồng/tháng. “Chương trình này rất phù hợp với những đối tượng là con nhà nghèo, trình độ văn hóa trung bình” – nhân viên này nhấn mạnh. Với chi phí 30 triệu đồng, Công ty sẽ lo thị thực (visa), vé máy bay và các chi phí khác như dịch thuật, xử lý hồ sơ… Ngoài ra, học viên phải chuẩn bị số tiền từ 190 - 210 triệu đồng để đóng học phí trong một năm đầu tiên và lệ phí ký túc xá 6 tháng, còn việc làm thêm ở Nhật Bản thì “học viên… tự liên hệ nhưng nhìn chung là rất thuận lợi”.

.Cuối tháng 3/2016 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ra quyết định đình chỉ 7 đơn vị tư vấn du học trong thời gian 1 tháng. Việc đình chỉ trên xuất phát từ lý do, các công ty dừng hoạt động trên 6 tháng liên tục kể từ ngày được cấp phép hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Trò chuyện qua facebook, một du học sinh ở huyện Đô Lương từng đi du học Nhật Bản cho biết, khi sang Nhật, thực tế khó khăn hơn nhiều, làm việc vất vả, lương thấp. Nếu không có người quen ở đó, “chân ướt, chân ráo” tìm việc dễ gặp những kẻ lừa đảo. Nhiều học sinh khi trốn học ra ngoài tìm việc đã bị lừa hết tiền. “Nếu xác định sang để tập trung cho việc học là tốt, còn sang để vừa học vừa làm, có lương cao như một số công ty quảng cáo thì không nên. Chính bản thân em và một số bạn vì nghĩ làm thêm nhiều tiền nên đã cố sang, nhưng giờ thực sự thất vọng. Gia đình em phải vay mượn khoảng gần 300 triệu đồng để lo mọi thủ tục (tiền học tiếng, tiền vé, tiền đóng học năm đầu…). Để có tiền trang trải, trả nợ, em phải bỏ học để đi làm, nhưng vừa rồi một số bạn bỏ học, bị bắt và trục xuất về nước, em sợ cũng sẽ bị bắt nên tạm thời về nước chờ dịp sang tiếp, visa của em đến hết tháng 9/2016 mới hết hạn” – du học sinh này chia sẻ.

Quản lý lỏng lẻo

Những năm gần đây, thị trường du học đã mở ra tại nhiều quốc gia, phổ biến là hình thức vừa học vừa làm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…; theo đó các trung tâm tư vấn du học khai thác các thị trường này mở ra ngày một nhiều.

Tư vấn về du học Nhật Bản ở một trung tâm du học trên địa bàn TP Vinh
Tư vấn về du học Nhật Bản ở một trung tâm du học trên địa bàn TP Vinh. Ảnh: M.Q

Điều đáng nói là rất nhiều trung tâm tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn giữa mục đích (lao động) và tư cách (lưu học). “Dạo” qua các trang web, trang facebook của các trung tâm tư vấn du học Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các kiểu quảng cáo phổ biến là “đảm bảo visa 100%; vừa học vừa làm thêm nhận lương tối thiểu trên 30 triệu đồng/tháng…”.

Trao đổi về vấn đề này, chị Lê Thị Thanh Hải – một người từng nhiều năm làm công tác tư vấn du học ở một số trung tâm, nay chuyển sang kinh doanh bán hàng online, cho biết: “Thực tế, việc xét duyệt visa đi du học vừa qua được siết lại khá chặt, cần rất nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ. Vì vậy, không thể nào có chuyện bảo đảm visa 100% như nhiều công ty, cá nhân quảng bá. Còn với quảng cáo vừa học vừa làm mà vẫn có thu nhập cao, nhiều du học sinh vô tình rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế vì thực tế không như quảng cáo. Họ phải vất vả lo trả nợ tiền vay, chi phí sinh hoạt cao và học phí, dẫn đến phải bỏ học đi làm thêm. Việc mất nhiều thời gian đi làm thêm khiến học sinh vi phạm pháp luật…”.

Khách hàng nhận tờ rơi quảng cáo tại một Hội thảo du học do một Trung tâm tư vấn du học tổ chức.
Khách hàng nhận tờ rơi quảng cáo tại một Hội thảo du học do một Trung tâm tư vấn du học tổ chức. Ảnh: M.Q

Theo phản ánh của một số học viên, một số trung tâm thời gian qua có dấu hiệu lừa đảo. Trong năm 2014, 2015, đã xuất hiện một vài vụ việc học viên du học tập trung ở một số trung tâm ở TP. Vinh để phản đối việc trung tâm hứa chỉ thu vài chục triệu đồng để lo các chi phí visa, xử lý hồ sơ, vé máy bay…, nhưng sau khi các học viên đã đóng tiền, trung tâm đã làm xong các thủ tục thì lại bất ngờ thông báo học viên phải đóng thêm phí phát sinh vài chục triệu đồng mà không giải thích rõ. Tuy nhiên, ở các vụ việc này, do các học viên không nắm rõ các quy định pháp luật, lại sợ mất số tiền đã đóng nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà không khiếu nại với các cơ quan chức năng

Sinh viên, học sinh nghiên cứu tài liệu tại một Hội thảo du học.Ảnh: Đinh ngUyên
Sinh viên, học sinh nghiên cứu tài liệu tại một Hội thảo du học. Ảnh: Đinh Nguyên

Nhiều bất cập là vậy, nhưng hiện nay, dường như việc quản lý các đơn vị tư vấn du học còn lỏng lẻo. Ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, việc quản lý các cơ sở, trung tâm, dịch vụ tư vấn du học thuộc về các Sở Giáo dục và Đào tạo qua Nghị định 115/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nhưng cũng chỉ có điều khoản rất chung chung về trách nhiệm của sở là "giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ đưa người đi du học tự túc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật". Vì vậy, từ trước đến nay, các công ty tư vấn du học hầu như không báo cáo hoạt động với sở nên sở không nắm được số lượng, thực trạng học sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang du học.

Bên cạnh đó, ngăn chặn những sai phạm không dễ, bởi công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tư vấn du học đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều lực lượng, sở lại không có chức năng xử phạt nên khó xử lý triệt để. Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các sở liên quan như KH-ĐT, LĐ-TB&XH… để tìm giải pháp chấn chỉnh các trung tâm du học”.

Ông Lê Văn Thúy – Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội): “Hiện lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản có 2 nhóm gồm thực tập sinh đi lao động qua công ty xuất khẩu lao động và du học sinh qua trung tâm tư vấn du học. Nhóm thực tập sinh đi theo công ty xuất khẩu lao động do Bộ LĐ-TB&XH quản lý đang được kiểm soát gắt gao. Trong khi nhóm đi theo con đường tư vấn du học thường được hứa hẹn, thu phí cao nên khá lộn xộn. Do đó, để chấn chỉnh nhóm đi theo con đường tư vấn du học cần sự phối hợp của ngành liên quan”.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tư vấn du học - 'trăm hoa đua nở'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO