Tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội: Đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề 'nóng'

11/06/2017 12:34

Bước sang tuần làm việc thứ ba, Quốc hội đã đặt lên bàn nghị sự những vấn đề vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp bách.

Nợ xấu động vào “động mạch chủ” của nền kinh tế

Kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước là nội dung quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước.

Không khí thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng, phiên họp về nội dung này đã kéo dài đến 18 giờ 30 phút. Đã có 56 đại biểu phát biểu ý kiến.

Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội cảnh báo, tăng trưởng dựa vào tài nguyên chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và có thể gây hệ lụy cho tương lai.

quoc hoi tranh luan ve nhieu van de nong hinh 1
Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại nghị trường

Đề cập đến sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa, các đại biểu đề nghị làm rõ liệu có tình trạng trì hoãn, cố tình làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Một điểm nghẽn lớn về tăng trưởng cũng được các đại biểu chỉ ra là thủ tục hành chính vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo các đại biểu, trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới lại mô hình tăng trưởng, thị trường thế giới và chính sách có các biến động nhanh, thì để đạt được nhiệm vụ đề ra là tăng trưởng GDP đạt 6,7% và lạm phát dưới 4%, cần phải có những điều kiện, nguồn lực và quyết tâm cao.

Nhiều ý kiến thống nhất các nhiệm vụ cụ thể như báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân.

Ý kiến của các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những vụ việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí thất thoát tài sản của nhà nước và của nhân dân.

Trước tình hình kinh tế xã hội, tuần qua, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về việc cần thiết ban hành Nghị quyết để xử lý “cục máu đông” nợ xấu, khơi thông dòng tín dụng.

Tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chiếm 10,08% tổng dư nợ cho vay. Nếu so với GDP thì bằng khoảng 13%.

Nợ xấu đã động vào “động mạch chủ” của nền kinh tế. Vì vậy rất cần thiết có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, khi Nghị quyết được ban hành phải có cơ chế mạnh mẽ, đặc thù để xử lý dứt điểm nợ xấu. Trong đó, không để tình trạng dây dưa, chây ì nợ xấu làm tổn hại đến hệ thống tài chính ngân hàng và sự phát triển của nền kinh tế.

Giải trình tại phiên thảo luận này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định, các vi phạm ngân hàng sẽ xử lý theo pháp luật. Về trách nhiệm xử lý nợ xấu, trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã bàn rất kỹ: “Không có quy định nào trong dự thảo tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi”.

Không được ăn ngon, nhưng có quyền được ăn sạch

Là trưởng đoàn giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, 60%-70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm bẩn.

Chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn, an toàn thực phẩm lại được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh tỉnh người dân như hiện nay.

Dù vậy, việc kiểm soát trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ trong an toàn thực phẩm. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất được nhiều đại biểu đánh giá là do việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý, dẫn đến thực phẩm không an toàn, còn người dân phải chịu hậu quả.

Dự thảo Nghị quyết về giám sát tối cao vệ sinh an toàn thực phẩm của Quốc hội lần này kiến nghị bổ sung nhiều giải pháp, chế tài mạnh.

Đầu tiên là làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành, nhất là chính quyền địa phương khi để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Nghị quyết cũng kiến nghị sửa hệ thống pháp luật, nhất là một số quy định trong Bộ luật Hình sự, theo hướng hình sự hoá những hành vi vi phạm, với mục tiêu đánh vào tâm lý người cố ý vi phạm để răn đe.

Việt Nam vẫn còn một bộ phận người nghèo, dù không được ăn ngon thì họ có quyền được ăn sạch. Cuộc giám sát này đã góp phần như một tiếng chuông cảnh tỉnh, đúng thời điểm về vấn nạn thực phẩm bẩn, an toàn thực phẩm.

Sân golf chỉ phục vụ cho nhóm người giàu

Về mảng công tác lập pháp, trong tuần, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận về các dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thủy lợi và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Cùng với việc đưa lên bàn nghị sự việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì nhiều đại biểu cũng mang tâm tư của đông đảo cử tri muốn giao diện tích đất sân golf về cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM cho rằng, thực tế sân golf chỉ phục vụ cho nhóm người giàu có ở nước ngoài để thu tiền, trong khi TP.HCM phải đối phó với việc kẹt xe xung quanh sân bay, bao nhiêu chuyến bay bị chậm trễ…

Nhiều đại biểu đề nghị cần đảm bảo đúng tính chất một cảng hàng không cho cả an toàn về an ninh quốc phòng, không được phép xâm phạm, xâm hại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ đứng ra chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng và ngành hàng không nghiên cứu, trao đổi với nhà đầu tư để bàn giao diện tích này cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Dẫu chưa thể đáp ứng hết kỳ vọng của cử tri cả nước song những gì diễn ra tại Nghị trường Quốc hội trong tuần đã cho thấy, những vấn đề cử tri quan tâm đã được đặt lên bàn nghị sự và được các đại biểu Quốc hội thể hiện với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Khó khăn thế nào cũng có thể giải quyết được nếu Quốc hội biết lắng nghe, sự vào cuộc của Chính phủ để chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của cử tri và nhân dân./..

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội: Đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề 'nóng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO