Tươi mới Na Ngoi

Nhộn nhịp mùa thu hoạch gừng ở xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Ảnh: K.L
Nhộn nhịp mùa thu hoạch gừng ở xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Ảnh: K.L

Dọc đường vào trung tâm xã Na Ngoi – địa bàn biên giới cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 36 km, chúng tôi gặp từng tốp phụ nữ đang cắm cúi gùi những bì gừng nặng trĩu từ rẫy xuống, tập kết ở bên Quốc lộ 7. Chị Lương Thị Hiên – người dân tộc Thái ở bản Pủng, xã Mường Ải cho hay: Không có đất trồng gừng nên đến mùa thu hoạch hai vợ chồng tôi lại đi đào và thồ gừng thuê cho người Mông ở xã Na Ngoi. Ngày thì vác được 1 bì, ngày 2 bì/người, nhưng bình quân 2 vợ chồng thu nhập mỗi ngày cũng được 1 triệu đồng trở lên.

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Vừ Y Rau là chủ rẫy gừng 0,6 ha ở bản Buộc Mú 1 cho hay: Người dân xã Na Ngoi không chỉ có thu nhập từ việc trồng gừng mà còn tạo việc làm cho các lao động khác. Mùa thu hoạch gừng ở xã Na Ngoi kéo dài từ tháng 2 đến nay, do lao động trên địa bàn chủ yếu đi làm ăn xa, nhiều hộ đồng bào Mông đã thuê người Thái, Khơ Mú ở các địa bàn lân cận để “bế” (thồ – P.V) gừng từ nương rẫy, vận chuyển về bãi tập kết. Sau đó, từng bì tải gừng sẽ được cân lên và chủ rẫy sẽ trả tiền công đào và thồ gừng cho người được thuê với giá 6.000 đồng/kg.

Những phụ nữ bế gừng thuê ở Na Ngoi. Ảnh: K.L
Những phụ nữ bế gừng thuê ở Na Ngoi. Ảnh: K.L

Ông Xồng Bá Dênh – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: Gừng hiện là cây trồng chủ lực ở xã Na Ngoi, 6 tháng đầu năm 2023, diện tích gừng trồng của xã Na Ngoi đạt 250 ha. Năm ngoái giá gừng xuống thấp (5.000-6.000 đồng/kg), năm nay khả quan hơn, giá nhỉnh lên 18.000 đồng/kg. Bên cạnh gừng, nhiều mặt hàng nông sản khác ở xã Na Ngoi như dong riềng, khoai sọ hay các sản phẩm chăn nuôi đặc trưng như gà đen, lợn đen, ngan địa phương cũng được quan tâm, tiêu thụ. “Người dân xã Na Ngoi hôm nay đã biết chủ động làm ăn, phát triển kinh tế rồi, không quá trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa”- ông Xồng Bá Dênh vui vẻ nói.

Xã Na Ngoi là địa bàn biên giới có 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống ở 19 thôn, bản, trong đó, dân tộc Mông chiếm 90%. Trước đây, do giao thông cách trở, đường sá đi lại khó khăn, người dân chưa biết cách làm ăn, cộng thêm tâm lý trông chờ, ỷ lại, nên mặc dù là địa bàn có diện tích đất canh tác khá lớn (19.310,16 ha đất tự nhiên, trong đó, diện tích đất nông nghiệp 6.651,20 ha, đất phi nông nghiệp 12,490,12 ha chưa sử dụng…) khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, cuộc sống của người dân xã Na Ngoi vẫn quanh quẩn với đói nghèo.

Một góc xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: P.B
Một góc xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: P.B

Để nhân dân có cuộc sống no ấm hơn, cấp ủy, chính quyền xã Na Ngoi đã phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, nhằm từng bước đánh thức, khai phá tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trước hết, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng, khắc phục tư duy trông chờ, ỷ lại, tăng cường bám sát cơ sở, vận động nhân dân đổi thay cách nghĩ, nếp làm, tích cực xóa đói, giảm nghèo. Chính quyền địa phương cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển các mô hình kinh tế như trồng cỏ voi, vỗ béo trâu, bò, nuôi gà đen, lợn đen, ngan địa phương, trồng đào, gừng, chè shan tuyết.

Nhờ vậy, những năm gần đây, xã Na Ngoi đã có những bước đột phá về kinh tế với nhiều mô hình hiệu quả. Diện tích lúa nước được gieo trỉa hàng năm là 320 ha, lúa rẫy 257 ha, ngô 282 ha, khoai, sắn 284 ha, rau màu các loại 9 ha, cỏ voi 412 ha, chè 140 ha. Bên cạnh phát huy thế mạnh là một trong những vựa gừng lớn nhất, nhì ở huyện Kỳ Sơn, nhiều hộ dân ở xã Na Ngoi còn mạnh dạn mở rộng diện tích cây đào cảnh để bán về xuôi trong dịp Tết cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, diện tích trồng đào cảnh ở xã Na Ngoi hiện có khoảng 200 ha, hộ ít thì vài trăm gốc, hộ nhiều có tới vài nghìn gốc. Ngoài ra, được sự hỗ trợ về giống, người dân xã Na Ngoi đang phát triển thêm mô hình trồng mận với diện tích 20 ha.

Không chỉ phát triển đào cảnh, người dân Na Ngoi đang quan tâm đến việc tiêu thụ đào quả. Ảnh: K.L - T.N
Không chỉ phát triển đào cảnh, người dân Na Ngoi đang quan tâm đến việc tiêu thụ đào quả. Ảnh: K.L - T.N

Theo chia sẻ của chị Hờ Y Mại – cán bộ nông nghiệp xã Na Ngoi, thì phát triển chăn nuôi cũng là một lợi thế mang lại thu nhập cho người dân. Hiện tại, toàn xã có tổng đàn trâu 1.938 con, bò 1.815 con, lợn 352 con, gia cầm 9.316 con. Người dân còn đẩy mạnh phát triển khai thác ao cá với diện tích 76.123 ha, vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày, vừa bán cho nhân dân trong vùng. Trên địa bàn đã xuất hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Như mô hình trồng chè ở các bản: Buộc Mú 1, Buộc Mú 2, Pù Khả; mô hình chăn nuôi lợn đen, gà đen của Chi hội Phụ nữ bản Tặng Phăn…

Giao thông đi lại ở Na Ngoi đã được quan tâm đầu tư. Ảnh: K.L
Giao thông đi lại ở Na Ngoi đã được quan tâm đầu tư. Ảnh: K.L

Nếu như trước đây, với kiểu sản xuất tự cung, tự cấp, người dân xã Na Ngoi chỉ mơ “đủ ăn” thì nay, nhờ biết khai thác thế mạnh từ nông sản địa phương, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Trên địa bàn đã xuất hiện những hộ “dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đầu tư làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng, như mô hình trồng đào, dược liệu, chăn nuôi của anh Xồng Bá Lẩu – Trưởng bản Buộc Mú. Là một trong số ít người Mông ở xã Na Ngoi có bằng đại học chính quy (tốt nghiệp Khoa Kinh tế – Nông nghiệp Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế), Xồng Bá Lẩu quyết định về quê lập nghiệp. Anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc mua rẫy để trồng đào cảnh với hơn 1.000 gốc, phát triển rẫy gừng 1,5 ha; chăn nuôi hàng chục con trâu, bò. Xồng Bá Lẩu cũng là một trong những hộ đi đầu trồng dược liệu với vườn tam thất hơn 1.000 cây, hàng trăm gốc sâm Phuxailaileng và hơn 1 ha cây đương quy. Hiện đã có nhiều người dân trong bản, trong xã học theo mô hình làm ăn của Xồng Bá Lẩu cho thu nhập ổn định…

Một góc bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi. Ảnh: Xuân Hoàng
Một góc bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh, thì quá trình đánh thức tiềm năng, tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế – xã hội ở xã biên giới này là cả một chặng đường dài. Ngoài nỗ lực của cán bộ, đảng viên và người dân, phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp, trước hết là về cơ sở hạ tầng; đường sá đi lại, giao thông thuận tiện nên nông sản, hàng hóa bà con làm ra tiêu thụ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, là sự giúp đỡ của các lực lượng đóng chân trên địa bàn như Đoàn Kinh tế quốc phòng 4, Tổng đội TNXP 10, Đồn Biên phòng Na Ngoi. Họ không chỉ giúp cán bộ, nhân dân xã Na Ngoi thay đổi nếp nghĩ, nếp làm cũ, mà còn hỗ trợ cây, con giống, vật tư, hướng dẫn áp dụng KHKT trong canh tác, sản xuất, từng bước hỗ trợ cấp ủy, chính quyền thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Đối với Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 (Quân Khu 4), gắn bó với mảnh đất Na Ngoi từ những năm 2002, cán bộ, chiến sĩ của đoàn không chỉ kiên trì “3 bám, 4 cùng” giúp nhân dân địa phương dần bỏ lối canh tác “phá, đốt, cốt, trỉa”, tích cực thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có qua phát triển các mô hình trồng gừng, trồng chè shan tuyết, khoai sọ, dong riềng… mà còn trực tiếp đứng ra làm khâu trung gian, thu mua các loại nông sản của bà con trồng ra, giúp giải quyết đầu vào lẫn đầu ra cho người dân.

Thương lái vào tận nơi để thu mua gừng của người dân Na Ngoi. Ảnh: K.L - T.N
Thương lái vào tận nơi để thu mua gừng của người dân Na Ngoi. Ảnh: K.L - T.N

Đồn Biên phòng Na Ngoi đã lựa chọn các cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán, trồng trọt, chăn nuôi, phân công phụ trách từng bản, vừa làm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa trực tiếp giúp các hộ gia đình xây dựng các mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Gia đình ông Xồng Nhia Vừ ở bản Buộc Mú 1 là một trong những hộ được bộ đội quân hàm xanh hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau xanh. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, ông Xồng Nhia Vừ và các thành viên trong gia đình đều đã nắm vững quy trình canh tác theo mùa vụ, từ việc cải tạo đất, quy hoạch luống, đến gieo trồng, chăm sóc. Vườn rau rộng hơn 200m2 của ông không chỉ cung cấp đủ nhu cầu rau xanh hàng ngày cho gia đình mà còn bán ra thị trường phục vụ bà con trong bản, đem lại một nguồn thu nhập ổn định. Cùng với trồng rau, ông Xồng Nhìa Vừ còn được bộ đội hỗ trợ ngày công xây dựng chuồng trại để thay đổi từ hình thức chăn nuôi thả tự do sang nuôi nhốt. “Từ ngày được bộ đội biên phòng hướng dẫn thay đổi hình thức chăn nuôi, gia đình tôi không còn lo vật nuôi đi lạc hoặc mất trộm, việc chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều”- ông Xồng Nhia Vừ chia sẻ.

Bộ đội Biên phòng Na Ngoi giúp người dân dựng nhà. Ảnh: CSCC
Bộ đội Biên phòng Na Ngoi giúp người dân dựng nhà. Ảnh: CSCC

Đồng bào xã Na Ngoi vốn chỉ biết làm lúa rẫy, nhờ bộ đội “cầm tay chỉ việc”, nay tỷ lệ trồng lúa nước ở xã Na Ngoi đã nhiều hơn lúa rẫy với 2 vụ mỗi năm. Người dân biết tận dụng đất trồng rau xanh, chăn nuôi trâu, bò tập trung, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Thực hiện “dân vận khéo” trong xóa đói, giảm nghèo, cán bộ, đảng viên trên địa bàn luôn nêu gương, đi đầu trong phát triển kinh tế để bà con dân bản noi theo. Ví như Chủ tịch UBND xã Xồng Bá Dênh – vốn là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, với mô hình chăn nuôi trâu, bò, trồng gừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế hộ, khi còn là Bí thư Đoàn xã, Xồng Bá Dênh còn triển khai xây dựng mô hình trồng gừng tập thể tại 19 chi đoàn bản để tạo nguồn quỹ hoạt động. Năm 2019, Xồng Bá Dênh vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho các nhà nông trẻ tiêu biểu. Hiện nay, gia đình Chủ tịch UBND xã Xồng Bá Dênh vẫn là một trong những hộ tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế ở xã Na Ngoi, với mô hình trồng gừng, nuôi trâu, bò, trồng 3.200 gốc đào và kinh doanh dịch vụ.

Bộ đội Biên phòng Na Ngoi giúp nhân dân cải tạo ruộng trồng lúa nước. Ảnh: CSCC
Bộ đội Biên phòng Na Ngoi giúp nhân dân cải tạo ruộng trồng lúa nước. Ảnh: CSCC

Theo chia sẻ của những người có uy tín trong các thôn, bản, thì so với trước đây, cuộc sống của người dân xã Na Ngoi thay đổi nhiều rồi, một số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng; bộ mặt bản, làng cũng đẹp hơn, với nhiều nhà sàn kiểu mới, hệ thống đường sá giao thông nội bản được đầu tư khang trang. Tuy còn đối mặt với nhiều khó khăn, vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 59%), hộ cận nghèo (11%) nhưng cấp ủy, chính quyền xã Na Ngoi đã và đang trăn trở nhiều hướng mở để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Theo đó, xã sẽ tập trung mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng đất của từng vùng, nhân rộng diện tích trồng rau sạch trên các nương rẫy; mở rộng diện tích cây dong giềng theo tuyến các bản: Phù Khả 1, Phù Khả 2, Na Cáng; giống cây bo bo tại các bản: Phù Quặc 1, Phù Quặc 2; cây gừng theo các tuyến bản: Buộc Mú 1, Buộc Mú 2, Xiềng Xí; cây sắn theo các tuyến bản: Phù Quặc 1, 2, 3 và Huồi Xai. Đồng thời, phát triển cây dược liệu như sâm Phuxailaileng, hà thủ ô, đẳng sâm, sâm 7 lá, tam thất theo các tuyến bản: Buộc Mú, Buộc Mú 1, Buộc Mú 2… nhằm phấn đấu xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh cho cây trồng của địa phương.

Cánh đồng lúa nước bậc thang ở Na Ngoi. Ảnh: Xuân Hoàng
Cánh đồng lúa nước bậc thang ở Na Ngoi. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện tại, trên địa bàn đã có nhiều hộ mạnh dạn trồng dược liệu với quy mô lớn như các hộ: Già Tồng Thù, Xồng Giống Mao, Xồng Bá Lẩu… Đặc biệt, nếu trước đây, người dân xã Na Ngoi chưa hình dung tới chuyện phát triển du lịch thì hiện nay với sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ban, ngành các cấp, chính quyền xã Na Ngoi đã quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xây dựng lán chòi du lịch tại đỉnh Phuxailaileng…

“Khó khăn còn bộn bề lắm, nhưng nếu có quyết tâm, có sự đồng lòng giữa cấp ủy, chính quyền và người dân ắt có đường đi, có hướng đi …”, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh đã chia sẻ với chúng tôi như thế. Tin rằng, với sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, những tiềm năng của mảnh đất Na Ngoi sẽ được đánh thức và những bản, làng dưới chân núi Phuxailaileng sẽ mang một màu sắc mới – màu của hy vọng, no ấm và bình yên.

Đỉnh Phu Xai Lai Leng nổi lên giữa một biển mây trắng xốp bao la. Ảnh tư liệu: Hoàng Hà
Đỉnh Phu Xai Lai Leng nổi lên giữa một biển mây trắng xốp bao la. Ảnh tư liệu: Hoàng Hà