Tướng Cương: Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối

Phương Thúy 27/02/2018 15:17

(Baonghean.vn) - Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đề nghị bỏ điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước ở mức hai nhiệm trong hiến pháp nước này. Báo Nghệ An phỏng vấn PGS.TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an xung quanh vấn đề trên từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có bất ngờ về việc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức đề nghị bỏ điều khoản quy định “chủ tịch và phó chủ tịch nước chỉ được phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo đề xuất thay đổi hiến pháp, bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước là không có gì bất ngờ. Bởi lẽ, trước kỳ Đại hội đại biểu lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 vừa rồi, dư luận Trung Quốc và quốc tế có nhiều lời đồn đoán. Đặc biệt, những ai hiểu được tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc thông qua chính sách đối nội và đối ngoại có thể dự đoán chắc chắn rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sửa đổi điều lệ Đảng và Hiến pháp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

PV: Vâng, và vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm. Theo ông, tại sao lại có chuyện sửa đổi này? Nhằm mục đích gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong suốt khoảng thời gian dài 26 năm (1943 - 1976) Mao Trạch Đông nắm toàn bộ quyền lực, bên cạnh góp phần xây dựng chính trị Trung Quốc có nhiều thành tựu và kết quả, thì Mao Trạch Đông cũng có rất nhiều quyết định sai lầm về chiến lược trong chính sách đối ngoại và đối nội khiến cho nền kinh tế Trung Quốc bị kiệt quệ, đi xuống… Từ những bài học này, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lực và sửa hiến pháp, đưa vào quy định mới, "Chủ tịch và Phó Chủ tịch (Trung Quốc) chỉ được tại nhiệm không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" nhằm ngăn chặn biểu hiện tha hóa, lạm quyền. Quy định này được xuất phát từ thực tế phù hợp và được nhân dân Trung Quốc ủng hộ.

Trong kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (2017) đã nêu ra 2 mục tiêu dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2035, trên cơ sở xây dựng được xã hội khá giả toàn diện, tiếp tục phấn đấu 15 năm nữa cơ bản thực hiện hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn 2 từ năm 2035 đến giữa thế kỷ 21, dựa trên nền tảng đó tiếp tục phấn đấu 15 năm, xây dựng Trung Quốc thành một nước chủ nghĩa xã hội hiện đại giàu mạnh, dân chủ, hài hòa, văn minh, trở thành quốc gia có sức mạnh tổng hợp và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới. Đây là chủ trương và chiến lược cực lớn.

Ông Vương Kỳ Sơn chính là cánh tay phải đắc lực nhất của Tập Cận Bình, tuy nhiên ông Vương năm nay 69 tuổi và buộc phải rời khỏi Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái theo nguyên tắc bất thành văn về độ tuổi nghỉ hưu. Trong tập thể Bộ chính trị, Tập Cận Bình nhận thấy không ai phù hợp, đủ sức, đủ tài thay thế để cùng ông giương cao ngọn cờ.

Xét về quan điểm của Trung Hoa thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức đề nghị bỏ điều khoản quy định “chủ tịch và phó chủ tịch nước chỉ được phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” không có gì là sai cả. Bởi nếu thực hiện thành công như dự tính thì “vành đai và con đường” là một chiến lược giúp Trung Quốc có sức mạnh vươn ra với Hoa Kỳ mà không phải ai cũng làm được.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

PV: Thưa thiếu tướng, ông nghĩ như thế nào về việc dư luận quốc tế tiếp cận thông tin này với nhiều ý kiến trái chiều. Theo Thiếu tướng, việc ông Tập Cận Bình kéo dài thời gian cầm quyền có tác động như thế nào đến thế giới?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đã có rất nhiều bài báo quan tâm tới việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị bỏ điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền của chủ tịch nước ở mức hai nhiệm kỳ 5 năm sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục làm nắm quyền sau khi ông đến thời hạn thôi giữ chức. Từ góc độ bình luận khác nhau, nhiều người cho rằng đó là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng một số khác lại cho rằng sau khi gỡ bỏ quy định của Trung Quốc tác động tới tình hình an ninh, chính trị quốc tế vì trong 10 năm nữa có khả năng tổng GDP của nước này sẽ vượt Mỹ. Do đó, những thay đổi chính trị, nhân sự Trung Quốc đều tác động đến thế giới.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình có làm nhiệm kỳ thứ 3 hay thứ 4 cũng tùy thuộc vào thế giới. Bởi mọi hoạt động Trung Quốc phải phù hợp với phát luật và quy chuẩn đạo đức quốc tế.

Nhìn chung, nếu Trung Quốc có thay đổi chính trị, nhân sự thì các quốc gia đều phải điều chỉnh chính sách đối ngoại.

PV:Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Thực hiện
Copy Link

Mới nhất

x
Tướng Cương: Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO