Tướng Lê Văn Cương: “Nên thành lập Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia“

Chí Linh Sơn 29/06/2018 15:14

(Baonghean.vn) - Tại cuộc đối thoại với PV Báo Nghệ An về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an cho rằng nên thành lập Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia.

4 THÀNH TỰU VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

PV: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông có thể khái quát kết quả đấu tranh chống tham nhũng thời gian vừa qua, cụ thể là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 25/6 vừa qua, các kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng đã được thể hiện rõ trong các báo cáo.

Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 25/6. Ảnh: congly.vn
Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 25/6. Ảnh: congly.vn

Là người theo dõi hàng chục năm nay về công tác phòng, chống tham nhũng, từ góc nhìn riêng, tôi có thể khái quát thành tựu phòng, chống tham nhũng từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, khoảng hơn 20 tháng, thể hiện ở 4 phương diện như sau:

Thứ nhất, các vụ án lớn trong 20 tháng vừa rồi đưa ra xử tăng gấp 20 lần so với 30 năm qua. Chưa bao giờ trong vòng 20 tháng mà xử lý tham nhũng nhiều như vậy. Theo tôi biết, cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhà nước và bị đưa ra tòa án cũng nhiều hơn 20 lần trong vòng 20 năm qua. Những vụ việc xử lý kỷ luật về tham nhũng tạo ra kết quả đặc biệt, tạo ra bước ngoặt trong đấu tranh chống tham nhũng. Kết quả đấu tranh này tạo ấn tượng mạnh mẽ, tạo lòng tin của đảng viên và người dân với Đảng.

“Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị”.

(Tổng hợp báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng ngày 25/6).

Thứ hai, ngoài các vụ án lớn, đưa ra xử lý, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng, hàng loạt cán bộ vi phạm đều bị xử lý. Không xử lý theo hình sự thì theo kỷ luật của Đảng, của chính quyền. Ngoài chuyện các vụ án lớn, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo rà soát lại toàn bộ cán bộ bổ nhiệm chưa đủ tiêu chuẩn để đưa ra. Trong 30 năm vừa rồi chưa bao giờ làm như thế này.

Thứ ba, qua các cuộc đấu tranh, qua các vụ án, Đảng và Nhà nước phát hiện ra nhiều sơ hở trong công tác cán bộ, công tác quản lý, đặc biệt là quản lý ngân hàng, quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước. Qua những vụ việc phát hiện yếu kém, sẽ góp phần siết chặt kỷ cương và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Thứ tư, kết quả của thực hiện phòng, chống tham nhũng đã có tác dụng răn đe trực tiếp và gián tiếp đối với cán bộ đương chức. Như đồng chí Tổng Bí thư nói, “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có giới hạn. Chính vì thế làm cho những hành động bất chấp luật pháp giảm hẳn xuống. Những kẻ có ý đồ tham nhũng cũng phải suy nghĩ, lo sợ.

P.V: Nhân Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra hôm thứ Hai (25/6), Thiếu tướng có thể cho biết những căn nguyên sâu xa của tệ tham nhũng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng tôi đã đi nhiều nước, dành nhiều thời gian để nghiên cứu về phòng, chống tham nhũng. Từ các nghiên cứu, có thể rút ra rằng căn nguyên sâu xa các tệ tham nhũng ở Việt Nam không khó để nhận diện.

Thứ nhất, đó là do hệ thống giám sát quyền lực hết sức lỏng lẻo. Quyền lực giao cho một người mà không giám sát thì sẽ sinh ra tha hóa quyền lực. Ví như vụ liên quan đến ông Đinh La Thăng thời làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao quản lý hàng tỷ USD nhưng ông Đinh La Thăng gần như “tự tung tự tác”. Vậy, có phải Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, các ban, ngành liên quan đã buông lỏng quản lý, không làm tròn nhiệm vụ, không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình???. Và nhiều vụ khác nữa, có phải hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta hết sức sơ hở, lỏng lẻo??? Như vậy, ở ta cũng có bộ phận theo dõi quyền lực nhưng nhiều nguyên nhân dẫn đến không thực sự có hiệu lực, hiệu quả.

Nguyên nhân thứ hai, trong hệ thống quản lý, trách nhiệm cá nhân không được xác định rõ. Trách nhiệm cá nhân lẫn lộn trách nhiệm tập thể. Tại các nước tiên tiến, các nước ít tham nhũng, một việc chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm, một cơ quan chỉ một người đứng đầu chịu trách nhiệm chính. Còn ở Việt Nam, do tình trạng chồng chéo trách nhiệm, không phân định rõ trách nhiệm, dẫn đến khi xảy ra rồi, xử lý đã khó, phòng ngừa càng khó.Có thể thấy rõ tình trạng nhiều nơi đang chưa “cột chặt” nghĩa vụ và trách nhiệm.

Nguyên nhân thứ basự đãi ngộ của Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức chưa thỏa đáng. Một giáo sư lương chỉ khoảng 7 triệu đồng, thì làm sao chuyên tâm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Một công chức, viên chức, lương khởi điểm chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng, làm ở cơ quan Nhà nước gần hai mươi năm mà mức lương cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng, thế thì làm sao đủ sức mạnh để tránh các cám dỗ?

Xét xử các vụ án tham nhũng
Một số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử: Vụ án PVN mất 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank; vụ án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; vụ án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng Agribank; vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Ảnh: Internet


NÊN THÀNH LẬP ỦY BAN GIÁM SÁT QUYỀN LỰC QUỐC GIA

P.V: Lòng tin của nhân dân với cuộc chiến chống tham nhũng đang lên cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có sự phân vân, lo lắng, liệu cuộc chiến này có thể có hiệu quả về lâu dài được không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Tôi muốn nhắc lại rằng trong 20 tháng qua cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã đạt được thành tựu đặc biệt. Tuy vậy, cuộc đấu tranh này còn rất nhiều khó khăn. Người dân và yêu cầu mong muốn Đảng bằng mọi cách triệt để loại bỏ tham nhũng trong bộ máy công quyền, tiêu diệt tận gốc rễ tham nhũng, đó là những yêu cầu mong muốn chính đáng, cũng chính là lòng dân.

Tôi cho rằng, một trong những việc quan trọng là phải thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ . Từ năm 1986, xa hơn nữa là từ năm 1945 đến bây giờ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là Nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất, đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, căn nguyên của nó, những dấu hiệu, biểu hiện, các mục tiêu và giải pháp. Để triệt tiêu tham nhũng thì mọi đảng viên, mọi người có trách nhiệm, người nắm giữ quyền lực, phải gương mẫu, nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Nếu làm được Nghị quyết Trung ương 4 sẽ đẩy lùi tham nhũng.

Thứ hai, phòng ngừa tham nhũng ngóc đầu dậy phát triển, Ban Bí thư nên chỉ đạo các nhà khoa học nghiên cứu 4 vấn đề cơ bản: Nghiên cứu vấn đề giám sát quyền lực. Cần nghiên cứu, tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực. Tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực của Nhà nước. Nghiên cứu mô hình thanh tra Chính phủ như mô hình của Kiểm toán Nhà nước, thuộc Quốc hội. Tôi đề xuất thành lập Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia, do lãnh đạo Quốc hội phụ trách.

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu tổ chức trong bộ máy công quyền. Qua nghiên cứu cho thấy, từ Hiến pháp, đến hệ thống pháp luật hiện hành, đều chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp.

Thứ tư, Nhà nước phải công khai minh bạch trong mọi hoạt động. Công khai minh bạch bắt đầu từ công tác cán bộ, chỉ dưới ánh sáng công khai minh bạch mới đẩy lùi được tệ hối lộ, tệ đi cửa sau, tệ nhóm lợi ích…

lê văn cương

Điều cuối cùng, phải cải tiến hệ thống tiền lương. Phải đảm bảo cho công chức, viên chức, đủ sống để người ta yên tâm làm việc, không tơ tưởng đến “thu nhập bẩn”. Tôi đã làm việc với 15 nước, cả 15 nước đều nói nếu khi lương không đủ ăn thì khó phòng, chống tham nhũng lắm.

Nếu 4 vấn đề này cùng với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thực hiện hiệu quả, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có khả năng thực hiện phòng, chống tham nhũng có hiệu quả lâu dài, củng cố sức mạnh chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng với dân cùng một ý chí, tạo ra sức mạnh của đất nước, đảm bảo vượt qua mọi khó khăn, thách thức hiện nay.

P.V: Cảm ơn Thiếu tướng!

Theo (Thực hiện)
Copy Link
Tướng Lê Văn Cương: “Nên thành lập Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia“
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO