Tỷ giá nhân dân tệ ngày 10/4: Giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục 17 năm
Tỷ giá trung tâm ngày 10/4 ghi nhận sự giảm mạnh của đồng Việt Nam so với đồng nhân dân tệ (NDT). Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ giá nhân dân tệ so với USD, phản ứng sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế lên 125%
Cụ thể, tỷ giá NDT tại Vietcombank giảm 44 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra, xuống còn 3.458 – 3.569 VND/NDT. Tại BIDV, mức giảm lần lượt là 30 và 31 đồng, đưa tỷ giá về 3.472 – 3.566 VND/NDT.
Việc tỷ giá giảm diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ giá nhân dân tệ so với USD, phản ứng sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngày 10/4, PBOC thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức 7,2092 CNY/USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2023, đánh dấu phiên giảm thứ sáu liên tiếp.
Dù vậy, tỷ giá tham chiếu mới vẫn cao hơn kỳ vọng thị trường, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng duy trì ổn định tiền tệ trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm hoãn áp thuế cao đối với các đối tác thương mại khác, nhưng riêng với Trung Quốc, mức thuế tăng vọt lên 125%.

Đồng nhân dân tệ đang chịu áp lực khi nhà đầu tư lo ngại các biện pháp thuế mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ giá đóng cửa tại thị trường nội địa Trung Quốc là 7,3498 CNY/USD – mức thấp nhất kể từ năm 2007. Trên thị trường quốc tế, đồng NDT có thời điểm giảm xuống kỷ lục 7,4288 CNY/USD.
Để hạn chế đà giảm, PBOC đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán USD nhằm hỗ trợ đồng nội tệ. Đồng nhân dân tệ yếu giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu, nhưng nếu đà giảm quá nhanh có thể gây bất ổn tài chính và khiến dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.
Theo phân tích của Capital Economics, ngay cả khi đồng nhân dân tệ xuống đến 8 CNY/USD, điều này cũng không đủ để bù đắp thiệt hại từ các biện pháp thuế. Họ dự báo GDP Trung Quốc có thể giảm từ 1–1,5% và Bắc Kinh có thể sẽ phải tung thêm các chính sách tài khóa hỗ trợ.
Trong thời gian tới, giới chuyên gia dự báo nhân dân tệ sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ để đồng tiền này giảm dần thay vì phá giá đột ngột để tránh gây rối loạn tài chính. Bà Kaanhari Singh từ Barclays nhận định Trung Quốc sẽ chọn phương án điều chỉnh từ từ thay vì sốc thị trường.
Ngoài ra, việc nhân dân tệ yếu đi cũng phụ thuộc vào cách Mỹ áp thuế với các quốc gia khác. Nếu các nước khác đàm phán giảm thuế thành công, trong khi Trung Quốc không đạt được điều này, áp lực lên đồng nhân dân tệ sẽ càng lớn hơn.
Một số chuyên gia lo ngại nếu Trung Quốc phá giá mạnh từ 10–15%, điều này có thể châm ngòi cho làn sóng phá giá cạnh tranh toàn cầu. Khi đó, kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ diện rộng.
Dù vậy, hiện tại PBOC vẫn đang điều chỉnh trong giới hạn kiểm soát. Các biện pháp giảm giá đồng nội tệ đang được triển khai vừa phải nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhưng chưa đến mức phá giá mạnh toàn diện.