Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Nghệ An thấp, vì sao?

Thu Huyền - Phú Hương 12/04/2023 10:40

(Baonghean.vn) - Mặc dù Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp; tỉnh cũng có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng kết quả còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Những doanh nghiệp “đầu tàu”

Để thay đổi diện mạo và tư duy sản xuất, xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại và tập trung, thì sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đi cần thiết, thậm chí là tất yếu. Và để tạo được “bước đi” này, sự có mặt của doanh nghiệp là một trong những yêu cầu tiên quyết.

Những năm qua, từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, Nghệ An đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng mức đầu tư 3.757 tỷ đồng; từ năm 2020 đến nay, có 27 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.730,70 tỷ đồng.

Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

Đáng chú ý, đã xuất hiện những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng nhà máy chế biến quy mô, đóng vai trò “đầu tàu” phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi tiên phong, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Không chỉ tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, mà trong quá trình hoạt động, dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của TH còn góp phần quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế vùng dự án, làm thay đổi cả diện mạo nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là mô hình chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ cao, tiên phong triển khai công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa với việc tích hợp công nghệ số, tự động hóa. Sau thành công của dự án, TH tiếp tục đi vào các lĩnh vực khác như sản xuất rau, củ, quả sạch, nước tinh khiết...

Bò sữa được nuôi theo mô hình tập trung ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH. Ảnh: Thu Huyền

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã có những khởi sắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng hạn, tại huyện Yên Thành, phát huy thế mạnh của huyện lúa, địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn TH, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An liên kết với nông dân xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo, giống lúa chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, bà Võ Thị Nhung chia sẻ: Từ những nỗ lực của tỉnh, những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được triển khai, đem lại diện mạo mới, tư duy sản xuất mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao. Ngoài các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Vinamilk, Tập đoàn TH sản xuất sữa, chế biến nước tinh khiết, nước hoa quả, trồng rau sạch, đã có thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chè, dứa, trồng cam, dược liệu, chăn nuôi...

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hưng Thành (Hưng Nguyên). Ảnh: Thu Huyền

Vì sao ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Năm 2022, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 116 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 32.090,4 tỷ đồng; điều chỉnh 118 lượt dự án, trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 38 lượt dự án, với tổng mức đầu tư tăng 13.674,1 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 45.764,5 tỷ đồng. Nghệ An thuộc tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Quý I/2023, tỉnh đã cấp mới 30 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.937 tỷ đồng, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 5.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 116 dự án cấp mới trong năm 2022 kể trên chỉ có 4 dự án nông nghiệp.

Nguyên nhân đầu tiên khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này là do tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn. Đặc biệt, với khí hậu khắc nghiệt đặc trưng của Nghệ An, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì nông nghiệp luôn đối mặt với sự bấp bênh.

Năm 2022, mưa lụt đã cuốn trôi toàn bộ diện tích dưa lưới, rau và dâu tây khi bắt đầu cho thu hoạch của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh (Hưng Nguyên). Ảnh: Thu Huyền

Đầu tư hơn 500 triệu đồng, xây dựng nhà màng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên diện tích đất 2.500 m2 tại xã Hưng Thành (Hưng Nguyên), đến nay, anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh đã có những thành quả đáng kể. Khu nhà màng rộng 1.100 m2 và diện tích đất xung quanh đều được trồng các loại rau, quả có giá trị. Hiện anh mong muốn được tạo điều kiện thuê thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất, tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, mong muốn đó vẫn chỉ là hy vọng. “Trước mắt, mong được xã tạo điều kiện cho thuê thêm 1,5-2 ha đất 5% hiện bà con đang sản xuất lạc, mục đích vừa sản xuất nông nghiệp, vừa “đón” xu hướng phát triển loại hình du lịch canh nông”, anh Sơn chia sẻ.

Bên cạnh “rào cản” về đất đai, anh Sơn còn gặp khó khăn khi tìm lao động, doanh nghiệp phải tự đào tạo, hướng dẫn, giám sát, cùng làm. Không chỉ vậy, bắt đầu sản xuất từ năm 2018, đến nay, anh Sơn đã trải qua 2 lần thiệt hại lớn do thiên tai. Năm 2020 - năm đầu tiên sản xuất, mưa lụt đã cuốn trôi toàn bộ diện tích dưa lưới, rau và dâu tây khi bắt đầu cho thu hoạch, thiệt hại trên 100 triệu đồng; mới đây nhất, mùa lụt năm 2022, gần 1.000 cây dâu tây mới trồng cũng trôi theo mưa lụt, thiệt hại gần 60 triệu đồng, máy tưới tự động bị hư hỏng. Anh Sơn cho biết: “Mùa lụt là mùa nếu làm được thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao do người dân ít sản xuất rau. Tuy nhiên, thiên tai rất khó lường nên mặc dù biết là giá trị, tôi cũng thường chỉ dám sản xuất khoảng 1/2 diện tích”.

Công nhân Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An khai thác mủ tại vườn cây ở Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Không chỉ rau, quả, mà doanh nghiệp trồng các loại cây trồng khác như cao su, chè cũng không ít lần lao đao vì nắng hạn, gió bão.

Ngoài yếu tố khách quan mà nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù đã có nhiều chính sách, cơ chế nhưng doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ưu đãi về thuế phí. Một doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn cho biết, dù được miễn thuế VAT xuất khẩu, nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm. Việc hoàn trả thuế thu nhập cũng không được thực hiện ngay mà chỉ được khấu trừ dần, gây khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, việc tích tụ đất đai khó khăn và giá thuê đất cao cũng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu đất để xây dựng vùng nguyên liệu, khu chế biến. Trong quyết định phê duyệt của tỉnh, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An được quy hoạch 8.700 ha đất để trồng cao su, thế nhưng, đến nay, sau 13 năm triển khai dự án, doanh nghiệp chỉ mới trồng được 4.500 ha cao su, nguyên nhân do không có đất. Kéo theo đó, là sự lỡ dở về tiến độ dự án, về kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu, gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Mô hình trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả ở Đô Lương. Ảnh tư liệu PV

Chia sẻ về những hạn chế hiện nay trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn vì nguyên liệu cho chế biến chưa đảm bảo, vướng thủ tục đất đai. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững; vai trò của HTX trong liên kết, khâu nối giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được phát huy, nhiều HTX năng lực kém. Nghệ An là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều bất cập cũng khiến cho doanh nghiệp e dè đầu tư...

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An chú trọng thu hút các dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh tại các vùng, miền, địa phương của tỉnh; trong đó, quan tâm thu hút các dự án lĩnh vực chế biến nông sản, dược liệu ở địa bàn miền núi. Tập trung vào dự án nông nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ; Dự án áp dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại có hiệu quả cao và bền vững.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An

Nghệ An chủ trương tiếp tục vận động các nguồn vốn để triển khai các dự án thủy lợi, đường giao thông nguyên liệu quan trọng. Có định hướng cho từng lĩnh vực, tập trung vào một số dự án cụ thể như: Chăn nuôi và chế biến thịt bò; Nhà máy chế biến sản phẩm từ lạc; Phát triển cây dược liệu và nhà máy chế biến dược liệu... Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút dự án đầu tư nhà máy chế biến và sản xuất các loại đồ gỗ nội thất xuất khẩu; chế biến ván nhân tạo từ tre, nứa, mét..

Mới nhất
x
Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Nghệ An thấp, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO