U22 Việt Nam bột đã thiếu, cách gột cũng khó nên hồ

Bùi Hoa 15/05/2023 15:18

(Baonghean.vn) - Người ta đang khai thác cái “dớp Indonesia” liên quan đến 2 trận thua của ông thầy người Pháp trước đối thủ này (lần trước ở Qatar và nay ở U22 Việt Nam) để đồn đoán về tương lai bất định của ông Philippe cùng màn thể hiện thiếu thuyết phục của U22 Việt Nam tại SEA Games 32.

Ban đầu, nhiều người những tưởng đội hình ra quân của U22 Việt Nam khi gặp các đối thủ yếu như U22 Lào hay U22 Singapore là…đội hình 2, nhằm giữ bài, giữ quân cho các trận đấu quyết định. Nhưng dần dà, đã chẳng có mưu mô cao thấp nào cả, mà thực lực đội hình chỉ có thế, chỉ đến thế. Đội hình chính ra sân gặp U22 Lào và trận bán kết gặp U22 Indonesia chỉ có thay đổi vị trí của Ngọc Thắng nói lên điều đó.

Trận ra quân chơi chưa chủ động, nhiều sai sót rồi trận sau cải thiện hơn, kết nối hơn, tất nhiên, được coi là tiến bộ như cách nói của ông thầy mới. Nhưng rồi hàng thủ cũng chỉ xoay chuyển mấy vị trí đó, tùy vào thực tế hay dở từng trận để được tin dùng hay không mà không có một bộ khung ổn định thực sự. Tiến Long đá phản và chơi non so với mong đợi. Duy Cương hóa ra cũng không mấy tin cậy dù có thể hình tốt và thường xuyên đá chính ở V-League. Người bị “bỏ quên” nhiều nhất ở vòng bảng là Ngọc Thắng hóa ra lại chơi tốt ở trận đấu không căng thẳng với U22 Thái Lan để tiếp tục được tin cậy đá chính trong trận gặp U22 Indonesia.

Đinh Xuân Tiến ghi dấu ấn khi tạo sức ép lên trung vệ đối phương góp công mang về bàn thắng quân bình tỷ số 2-2 cho U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Tuyến giữa chỉ nhìn vào sự cơ động của Thái Sơn, sức mạnh của Đức Phú, trong khi Nhật Nam tuy ghi được 1 bàn thắng trong trận hòa U22 Thái Lan, nhưng không thể nói là tin cậy trong một trận đấu căng thẳng. Công Đến mất dạng sau chấn thương, Văn Khang chơi hay nhưng vẫn ở mức tiềm năng. Văn Trường mất hút sau những pha xử lý vụng và vội. Xuân Tiến tiếp tục không được tin cậy, bị bố trí sai sở trường nên nhạt nhòa. Trên hàng công, Văn Đô không có được những điểm mạnh như khi thi đấu ở V-League và rốt cuộc cả đội bóng vẫn phải cậy vào tài năng của Văn Tùng là cốt tử.

Sau khi không thể hiện được mình, thất bại tức tưởi khi cơ hội trong tay bị bỏ qua vô cùng đáng tiếc, càng khiến người ta nhớ đến những tuyên bố cao giọng trước giải của một vài cầu thủ trước truyền thông. Nào là “tôi sẽ cố ghi bàn trong các trận đấu”, sẽ “giữ sạch lưới các trận ở SEA Games”, kết cục người thì bị loại, người thì chỉ một lần làm được, còn lại thì… te tua và bị đối thủ xem là nguyên nhân căn bản của trận thua ở bán kết.

Ông thầy người Pháp có vẻ muốn lấy tấn công làm nền tảng cho đội bóng, tấn công tốt đảm bảo cho chiến thắng mà không/chưa chú ý đến hệ thống phòng ngự. Đây là điều không mới trong hệ thống quan điểm của các chiến lược gia, nhưng cái chính là U22 Việt Nam tấn công không tốt mà phòng ngự cũng lại quá ư xoàng xĩnh, so với cách vận hành của người tiền nhiệm Park Hang-seo.

Ông Troussier và cả truyền thông đang chứng minh về thế mạnh của từng lứa cầu thủ, của việc trước đây từng có nhiều tuyển thủ U23 từng có chân ở Đội tuyển Việt Nam, còn nay thì rất ít (mỗi Văn Khang dự bị mà thôi, Đình Duy thì không được gọi). Đó là một thực tế và những gì các ngôi sao U22 Indonesia đồng thời là các tuyển thủ quốc gia của họ thể hiện trong trận bán kết cho phép chúng ta thấy rõ điều đó, chấp nhận điều đó.

Văn Tùng lập cú đúp giúp U22 Việt Nam giành chiến thắng trước U22 Malaysia. Ảnh: Hải Hoàng

Nhưng không thể bằng lòng với một thực tế là hàng thủ, tuyến giữa của U22 Việt Nam dù chơi theo bài bản nào cũng cần phải thay đổi nhân sự, bằng cách tìm cho ra những cầu thủ thể hiện được năng lực thủ lĩnh ở từng tuyến. Ông Troussier từng nắm lứa U19 Việt Nam trước đây và đang tin cậy vào họ rất nhiều. Chỉ đáng tiếc là hiện không có cầu thủ nào đảm trách tốt yêu cầu đặt ra. Những Văn Đô, Công Đến, Tiến Long, Tuấn Tài… đều phải thay đổi, phải tiến bộ để được tin dùng ở kỳ thi đấu cấp châu lục sắp tới. Những tuyển thủ U20 được tin dùng vượt cấp như Văn Khang, Văn Trường, Văn Cường, Thái Sơn, Minh Trọng… hy vọng sẽ lớn lên theo thời gian, khi họ sẽ là những nhân tố trụ cột ở kỳ SEA Games sắp tới.

Bên cạnh chuyện quan trọng “có bột mới gột nên hồ” thì phương pháp, cách “gột” của ông thầy mới sẽ là tâm điểm của mọi sự quan tâm, thậm chí dẫn đến sự thay thế nếu U23 Việt Nam hay Đội tuyển Việt Nam thi đấu không ổn sau thời ông Park Hang-seo. Cũng có người khen hết lời, khuyên mọi người kiên nhẫn chờ hái quả ngọt từ ông thầy mới và triết lý mới. Nhưng cũng có người không tin vào một điều thần kỳ nào đó khi U22 Việt Nam thi đấu lủng củng cả một quá trình chứ không chỉ trong một trận đấu.

Việc ban huấn luyện không điều chỉnh tốt trong những phút cuối đội bóng chơi hơn người và có cả 30 phút hiệp phụ sau đó, để đối thủ hạ gục đau đớn khiến cho niềm tin vốn nhỏ nhoi lại càng… về không, thậm chí “âm” sau đó. Cách lựa chọn nhân sự của ông thầy mới cũng có thể có vấn đề khi đưa ồ ạt các nhân tố U20, trong khi bỏ qua nhiều người khác đang có những màn thể hiện tốt, có khát vọng cống hiến.

Phương pháp, cách vận hành tiên tiến nhưng lực lượng không đáp ứng thì cũng chỉ nhận về thất bại mà thôi. Giỏi ứng biến với thực tế, với “bột” vừa là một phương cách vận hành cho thực tại, nhưng cũng không trượt ra ngoài việc hướng tới những tương lai xa hơn mới là bài tính cao tay, nhưng liệu ông Troussier có đang đạt được điều đó? .

Vấn đề của U22 Việt Nam, cả thầy lẫn trò tất nhiên sẽ được tuần tự giải quyết trong một thời gian nhất định. Vấn đề sát sườn ngay bây giờ là biết đứng lên sau một thất bại để giành chiến thắng trong trận tranh Huy chương Đồng. Làm được điều đó không chỉ để vớt vát thành tích, mà cái chính là củng cố niềm tin trở lại, làm cơ sở cho những bước đi, những toan tính sau này./.

Mới nhất
x
U22 Việt Nam bột đã thiếu, cách gột cũng khó nên hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO