U22 Việt Nam và những hành trình mới
(Baonghean.vn) - SEA Games 32 đã khép lại với tấm Huy chương Đồng để khởi đầu một hành trình chông gai mới của U22 Việt Nam. Sau giải đấu, các tuyển thủ trở lại với V-League 1 và 2 chỉ sau đó ít ngày trong con mắt dõi theo của ông thầy Philippe Troussier.
Theo đó, Văn Chuẩn trở lại Hà Nội FC, Huy Hoàng trở lại Viettel và Văn Bình trở lại đội trẻ Sông Lam Nghệ An. Điều đáng nói là cả 3 thủ môn này đều chưa có chân ở đội 1 các đội bóng V-League nói trên. Điều này khiến nhiều người hẳn sẽ nhớ lại vì sao cả Văn Chuẩn và Huy Hoàng dù rất nỗ lực nhưng cũng không sao tránh khỏi sai sót, sai lầm trong các trận đấu vừa qua, nhất là khả năng chỉ huy hàng thủ, khả năng chống bóng bổng. Họ sẽ phải cố gắng hơn trong tập tuyện, chờ cơ hội được bắt chính ở một trận đấu hay giải đấu nào đó.
Riêng Văn Bình còn nhiều thời gian để phấn đấu ở U19 quốc gia, ở tuyến trẻ Sông Lam Nghệ An để hy vọng có suất chính thức ở kỳ SEA Games 33 sắp tới. Cũng cần nhớ rằng, ở kỳ SEA Games trước, Văn Toản bắt chính cho U23 Việt Nam sau khi đã bắt chính tại Hải Phòng và có tên ở Đội tuyển Việt Nam nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo sự tin cậy, yên tâm lớn cho đồng đội.
Hồ Văn Cường là mắt xích quan trọng trong đội hình của U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng |
Ở hàng thủ, Duy Cương sẽ trở lại SHB Đà Nẵng và tiếp tục được đá chính như trước đây. Rất tiếc, trung vệ này chưa thực sự trở thành thủ lĩnh hàng thủ U22 Việt Nam, thậm chí còn mắc sai lầm đáng tiếc trong trận đấu với U22 Thái Lan ở vòng bảng. Cầu thủ Tuấn Tài (Viettel), Văn Cường (Sông Lam Nghệ An), Ngọc Thắng (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh)… sẽ tiếp tục đá chính ở câu lạc bộ. Quang Thịnh (Công an Hà Nội) và Tiến Long (Hà Nội FC) sẽ rất khó chen chân trước các đàn anh, nên sẽ gặp khó trong các đợt tập trung tới nếu các nhân tố mới ở hàng thủ xuất hiện?
Hàng tiền vệ, những cầu thủ như Thái Sơn (Đông Á Thanh Hóa), Văn Đô (Công an Hà Nội), Xuân Tiến (Sông Lam Nghệ An) vốn chắc suất đá chính sẽ tiếp tục được dõi theo, trong khi Văn Khang (Viettel), Công Đến và Đức Phú (PVF-Công an Nhân dân), Nhật Nam (Huế) sẽ phải nỗ lực để phát huy năng lực mỗi khi vào sân từ đầu hoặc từ ghế dự bị. Khả năng sắp tới hàng tiền vệ sẽ được bổ sung là rất lớn, nên nếu không có tiến bộ hoặc dậm chân tại chỗ, việc bị loại là không tránh khỏi.
Thủ môn Cao Văn Bình tại U22 Việt Nam. Ảnh: SLNA FC |
Trên hàng công, Quốc Việt (Hoàng Anh Gia Lai), Thanh Nhàn (PVF-Công an Nhân dân) sẽ tiếp tục chứng minh năng lực của mình ở câu lạc bộ như lâu nay, trong khi Văn Tùng và Văn Trường (Hà Nội FC) dù chứng minh tài năng qua giải đấu khu vực cũng rất khó để chiếm chỗ của ngoại binh và các đàn anh ở đội bóng Thủ đô.
Câu chuyện xây dựng và vận hành một lối đá tấn công cho bóng đá Việt Nam của ông Troussier vì vậy đang gặp khó khăn, trở ngại ngay từ trong “trứng nước”. Lối chơi phòng ngự đang ăn sâu, bám rễ ở mọi đội bóng vì nền tảng đào tạo, vì thành tích của mỗi đội bóng, vì mua sắm cầu thủ ngoại phần lớn cho hàng công, không có chỗ cho các tài năng trẻ, như Văn Tùng ở Hà Nội FC mà ai ai cũng biết.
Tất nhiên, lỗi không chỉ ở câu lạc bộ mà ở chính tầm nhìn của Liên đoàn khi xây dựng Điều lệ V-League 1 và 2, ở việc tổ chức các giải đấu trẻ, việc thiếu kinh phí để tập huấn, thi đấu nâng tầm trong và ngoài nước. Chưa kể tư tưởng nóng vội, thành tích luôn thường trực ở mỗi người có trách nhiệm cũng như người hâm mộ bóng đá.
Bình tĩnh, công tâm nhìn lại “hồ sơ” của từng cầu thủ U22 Việt Nam trong quá trình thi đấu, cọ xát ở V-League 1 và 2 sẽ thấm thía hơn, chia sẻ hơn với những sai lầm mà họ mắc phải, nhất là trong trận bán kết gặp U22 Indonesia. Nên nhớ U22 Indonesia có kết quả hôm nay cũng từng trải qua vô vàn thất bại trước đó. Đội hình U22 Indonesia hôm nay có nhiều tuyển thủ quốc gia, thi đấu ở nước ngoài, cộng với sự khát khao dồn lại từ hơn 30 năm chưa có nổi tấm Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games đã làm nên chiến thắng thuyết phục cuối cùng. Họ không chỉ vượt qua U22 Việt Nam mà cả kình địch U22 Thái Lan vốn được xem là “vô đối” trong khu vực không chỉ trên lời nói.
Nói gọn lại, các tuyển thủ U22 Việt Nam phải đón nhận và chấp hành đầy đủ “mệnh lệnh mới” của ông Troussier để tiếp tục cuộc hành trình cam go phía trước. Công cuộc nâng tầm bóng đá Việt vì vậy không chỉ do ông Philippe Troussier đảm trách mà phải có sự góp công của nhiều người, nhiều đội bóng, của cả nền bóng đá phát triển.
Người ta từng nói công lao của bầu Hiển khi Hà Nội FC đóng góp nhiều cầu thủ xuất sắc cho các đội tuyển. Người ta cũng biết công lao của ông Popov ở Đông Á Thanh Hóa khi chú trọng nâng cao thể lực cầu thủ để trình làng “người không phổi” Thái Sơn mới đây. Hy vọng “ba cây chụm lại” sẽ nên “hòn núi cao” cho U22 Việt Nam, cho Đội tuyển Việt Nam trong hành trình mới không dễ dàng do ông Troussier chịu trách nhiệm làm thuyền trưởng./.